Thứ ba, 3/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Từ ‘Brexit’ đến ‘Bregret’

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tiếng Anh liên tục đẻ ra từ mới. Mấy năm rồi, báo chí cả tỉ lần dùng từ “Brexit” để chỉ quá trình nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), một từ ngắn gọn thay cho cách diễn đạt dài dòng, nói lên ai cũng hiểu, khỏi cần chú thích. Nay nảy sinh một từ mới - “Bregret” - một cách chơi chữ kết hợp hai từ British và regret để nói đến tình cảnh nước Anh bây giờ, hối tiếc đã vội vàng dứt áo ra khỏi EU, để lại nhiều hậu quả nặng nề cho nền kinh tế.

Dân Anh bỏ phiếu cho Brexit vào tháng 6-2016 và chính thức ra khỏi EU từ ngày 31-1-2020. Lúc bỏ phiếu, có 51,89% đòi ra đi. Nay một khảo sát mới nhất của YouGov, chỉ có 32% người được hỏi cho rằng ra khỏi EU là chọn lựa đúng đắn; đến 56% xem Brexit là một sai lầm. Đó là bởi nước Anh đang rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất trong nhiều năm gần đây trong khi nền kinh tế các nước châu Âu khác trong EU vẫn đang ổn. Dĩ nhiên khó khăn kinh tế của Anh đâu phải toàn bộ là do Brexit nhưng cái cảm giác chông chênh và nhất là số liệu thương mại làm dân Anh quay sang “Bregret”.

Đầu tiên Brexit làm nước Anh thiếu nhân lực trầm trọng vì nhiều công nhân từ các nước EU đã rời nước Anh sau Brexit và không quay trở lại. Tình trạng bùng phát đại dịch Covid-19 cũng làm công nhân các nước tìm cách trở về nhà. Chuyện tuyển người không ra trải dài từ các tiệm ăn đến công xưởng, từ người bán hàng đến tài xế xe tải. Năm ngoái nước Anh thiếu tài xế xe bồn chở xăng dầu nên dẫn đến tình trạng thiếu xăng khắp cả nước, dân tình xếp hàng dài chở đổ xăng, bắt đầu than vãn hậu Brexit.

Thiếu người, chủ lao động buộc lòng tăng lương để thu hút nhân sự - cộng với nhiều yếu tố khác, lạm phát nước Anh cao đến hai chữ số, cao hơn các nước châu Âu khác. Lạm phát hiện đang ở mức 11,1% nhưng giá thực phẩm tăng cao hơn, đến 15%. Lãi suất tăng đẩy nước Anh vào tình trạng suy thoái mà ngân hàng trung ương nước này (Bank of England) cảnh báo sẽ có thể kéo dài trong hai năm. Trong số các nước G7, Anh là nước duy nhất GDP co lại sau đại dịch; Ấn Độ vừa qua mặt Anh để chiếm vị trí nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới. Dự báo GDP Anh sẽ giảm 0,4% vào năm 2023.

Để phục hồi kinh tế, nữ Thủ tướng Liz Truss lên thay ông Boris Johnson đã đề ra các biện pháp cắt giảm thuế, tăng chi tiêu công làm nền kinh tế lún sâu vào khủng hoảng, bảng Anh mất giá, chi phí phát hành trái phiếu chính phủ tăng vọt. Bà Truss chỉ tại vị được 45 ngày, ông Rishi Sunak lên thay.

Brexit đã cắt đứt quan hệ thương mại của Anh với EU nên chắc chắn nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Phòng Thương mại Anh cho biết đến 80% thành viên nói có gặp khó khăn khi xuất khẩu sang EU. Chẳng hạn, Cheshire Cheese, một công ty nhỏ do Simon Spurrell thành lập năm 2010 chuyên xuất khẩu phô mai sang các nước châu Âu. Khi Brexit bắt đầu có hiệu lực, công ty mất gần 300.000 đô la hợp đồng với các bạn hàng châu Âu. Tháng rồi Spurrell quyết định bán công ty cho một đối thủ lớn hơn vì họ có chi nhánh ở EU nên có thể mua bán dễ dàng hơn. Năm 2021 số lượng doanh nghiệp xuất khẩu sang EU rớt xuống còn 18.357 trong khi chỉ một năm trước đó, con số này là 27.321 doanh nghiệp.

Hiện nay nước Anh đang loay hoay tìm cách gắn kết trở lại với EU. Tờ Sunday Times trích lời một “nguồn tin thân cận” trong Chính phủ Anh nói rằng Thủ tướng mới lên của Anh là Rishi Sunak đang cân nhắc một mối quan hệ gần gũi với EU dựa trên mô hình của Thụy Sỹ. Nước này không phải là thành viên EU nhưng được quyền tiếp cận thị trường chung EU, ít chịu kiểm soát biên giới nhưng đổi lại phải đóng góp vào ngân sách của khối và chấp nhận một số luật lệ chung. Tuy nhiên ông Sunak phủ nhận tin này, cho rằng dưới quyền lãnh đạo của ông, nước Anh sẽ không theo đuổi một mối quan hệ dựa vào tuân thủ luật lệ EU. Ông khẳng định với cộng đồng doanh nghiệp: “Tôi bỏ phiếu cho Brexit. Tôi tin vào Brexit”.

Mặc dù sẽ không có chuyện Anh bỏ phiếu gia nhập EU trở lại nhưng đa số các nhà phân tích chính trị đều cho rằng Anh buộc phải xây dựng một mối quan hệ mới với EU trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế cũng như tâm lý chống Brexit của người dân. Đó có thể là mô hình Thụy Sỹ hay mô hình Na Uy, một nước châu Âu khác không phải là thành viên EU nhưng có quan hệ chặt chẽ. Trước đây các lãnh đạo nước Anh nhấn mạnh đến khía cạnh chủ quyền khi phải tuân thủ nhiều luật lệ do Brussels ban hành hay làn sóng di dân bất hợp pháp khi nói đến Brexit, nay người ta lại không đề cập đến các vấn đề này mà chỉ soi rọi Brexit dưới lăng kính kinh tế. Mà dưới lăng kính kinh tế, rõ ràng Brexit không chỉ chặn dòng người nhập cư vào Anh, nó cũng chặn luôn hàng hóa dịch vụ của Anh xuất sang thị trường chung EU, gây ra những tổn thất lớn cho nền kinh tế Anh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới