LTS: Trong bối cảnh đơn hàng từ nước ngoài giảm sút dẫn đến sản xuất trong nước đình trệ, sa thải nhân công hàng loạt trong giai đoạn cuối năm thì bài này cho thấy một số tín hiệu khả quan của ngành bán lẻ Mỹ. Các nhà mua hàng lớn từ Việt Nam như Walmart, TJX, Nike đều báo cáo tăng lượng hàng tồn kho khi nhu cầu hồi phục ở một số lĩnh vực. Bài này cung cấp cái nhìn tổng quan mới nhất về thị trường bán lẻ Mỹ, sẽ đáp ứng mối quan tâm của không chỉ các hãng tàu, nhà xuất nhập khẩu mà còn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
- Các nhà bán lẻ châu Âu đối mặt mùa Giáng sinh lạnh giá
- Đồng yen yếu đẩy lạm phát của Nhật Bản lên mức cao nhất trong 40 năm
Trong khi nhiều nhà bán lẻ đang giảm giá, hủy đơn hàng và cạnh tranh nhằm thoát khỏi tình trạng hàng hóa dư thừa đầy các cửa hiệu và kho hàng, thì một số nhà bán lẻ nắm lấy thời cơ, vui vẻ với mức tồn kho cao hơn.
Các nhà bán lẻ bao gồm Dick’s Sporting Goods Inc., Lowe’s Cos. và Walmart Inc. cho biết lượng hàng tồn kho tăng báo hiệu sự phục hồi sau tình trạng thiếu hàng năm ngoái do gián đoạn chuỗi cung ứng. Điều này giúp họ có lợi thế trong việc tận dụng nhu cầu của người tiêu dùng trong thời điểm mua sắm dịp lễ này.
Lauren Hobart, Giám đốc điều hành của Dick’s, cho biết: “Chúng tôi thực sự vui mừng vì lần đầu tiên sau vài năm, chúng tôi có hàng trong kho cho quí 4 sắp sửa sôi động.
Các chuyên gia về chuỗi cung ứng cho biết quan điểm thay đổi của một số nhà bán lẻ đối với các kho dự trữ ngày càng tăng là dấu hiệu cho thấy những thay đổi nhanh chóng trên thị trường tiêu dùng năm nay, khi những công ty bán hàng may mặc, đồ gia dụng và dụng cụ thể thao cố gắng tận dụng nhu cầu hồi phục trong một số lĩnh vực.
Vishal Gaur, Giáo sư quản trị vận hành tại SC Johnson College of Business thuộc Đại học Cornell, cho biết các công ty xây dựng kho dự trữ của họ đang tìm cách đảm bảo rằng họ có sẵn hàng vào đúng thời điểm.
Ông Gaur nói: “Thông thường trong lĩnh vực bán lẻ, khách hàng đối mặt với tình trạng hết hàng. Nếu khách hàng được đảm bảo rằng sẽ có sản phẩm vừa kích cỡ của họ, chẳng hạn như ở một cửa hàng bán lẻ, thì khách hàng có nhiều khả năng sẽ ghé thăm cửa hàng đó và mua sản phẩm hơn”.
Chiến thuật này có vẻ đã mang lại hiệu quả cho ngày lễ mua sắm Black Friday. Công ty dịch vụ bất động sản CBRE Group Inc. cho biết cuộc khảo sát 13 trung tâm thương mại và trung tâm mua sắm ngoài trời mà họ quản lý trên khắp nước Mỹ không gặp phải tình trạng thiếu hụt hàng hóa trong dịp Black Friday năm nay.
Các chuỗi bán lẻ hàng giảm giá Burlington Stores Inc. và TJX Cos. nằm trong số những công ty vui vẻ tích trữ hàng hóa khi các nhà bán lẻ khác tìm cách bán tống chúng.
Hàng tồn kho của Burlington tại các cửa hàng đã tăng 8% vào cuối quí thứ 3 trên cơ sở cửa hàng tương đương so với cùng kỳ năm ngoái. Giám đốc điều hành Michael O’Sullivan cho biết ông kỳ vọng hàng dự trữ sẽ tăng trong kỳ nghỉ lễ.
Ông O’Sullivan cho biết: “Năm ngoái, hàng tồn kho tại cửa hàng của chúng tôi quá ít khi bước vào mùa xuân”.
TJX, điều hành các thương hiệu bao gồm T.J. Maxx, HomeGoods và Marshalls cho biết hàng tồn kho đã tăng 26% trong quí 3 so với năm ngoái. Nhưng nhà bán lẻ này tiết lộ mức tăng vọt đó khiến hệ số quay vòng hàng tồn kho và giảm giá tương đương với mức trước đại dịch và họ có kế hoạch tiếp tục dự trữ.
Scott Goldenberg, Giám đốc tài chính của công ty, nói: “Chúng tôi vẫn có nhiều thanh khoản và hiện ở vị thế thuận lợi để tận dụng môi trường mua sắm tuyệt vời”.
Brandon Sink, Giám đốc tài chính của công ty cung cấp hàng hóa nâng cấp nhà cửa Lowe, cho biết họ có kế hoạch tăng lượng hàng tồn kho trong quí này bằng cách đặt hàng sớm hơn bình thường để chuẩn bị cho các sự kiện sau kỳ nghỉ lễ.
Tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh số của ngành bán lẻ nói chung, chính là thước đo lượng hàng tồn kho của các công ty so với hàng bán, vẫn thấp theo tiêu chuẩn lịch sử. Dữ liệu gần đây nhất của Cục Thống kê Dân số Mỹ cho thấy tỷ lệ này là 1,25 vào tháng 9-2022, so với 1,47 vào tháng 9-2019.
Tỷ lệ thấp hơn cho thấy hiệu quả cao hơn trong việc kết hợp hàng tồn kho với doanh số bán hàng. Các chuyên gia cho biết, nếu tỷ lệ này quá thấp, các cửa hàng có nguy cơ hết hàng và giảm doanh số, một vấn đề xảy ra sớm trong đại dịch khi các mặt hàng như giấy vệ sinh và khăn lau khử trùng thiếu hụt do nhu cầu của người tiêu dùng tăng mạnh.
Mức tồn kho của các cửa hàng bách hóa tổng hợp so với doanh số bán hàng đã tăng vượt xa mức trước đại dịch, do các kế hoạch bổ sung hàng hóa cho các cửa hàng và kho hàng tăng không đồng bộ với mô hình mua hàng của người tiêu dùng dẫn đến lượng hàng tồn. Theo số liệu của Cục Thống kê Dân số, tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh số bán hàng tại các cửa hàng đó là 1,54 vào tháng 9-2022, tăng mạnh so với mức 1,39 vào tháng 9-2019.
Jason Miller, Phó giáo sư về hậu cần tại Eli Broad College of Business của Đại học Bang Michigan, cho biết các nhà bán lẻ cảnh giác với tình trạng hết hàng sau khi vận chuyển chậm trễ, đóng cửa nhà máy và các tắc nghẽn khác vào năm ngoái đã dẫn đến thời gian sản xuất đơn hàng kéo dài.
“Nếu họ có thể nhìn và nói, hàng chúng tôi hiện có trong tay thực sự sẽ cho phép chúng tôi cung cấp cho khách hàng mức độ dịch vụ mà chúng tôi mong muốn, thì đúng vậy, nó có thể nhiều hơn những gì chúng tôi phải có trước dịch Covid-19, nhưng thời gian giao hàng lâu hơn”, ông Miller nói.
Nhà sản xuất giày dép và quần áo Nike Inc. cho biết đang nhắm tới việc giảm giá cho một số hàng hóa cụ thể. Công ty báo cáo hàng tồn kho tăng 44% trong quí gần nhất so với cùng kỳ năm trước. Nhưng Giám đốc tài chính Matthew Friend cho biết chỉ có khoảng 10% hàng tồn kho là hàng thừa mà Nike đang muốn chuyển đi nhanh chóng, tập trung vào các sản phẩm trái mùa như quần áo.
Cơ sở kinh doanh của Walmart tại Mỹ báo cáo hàng tồn kho tăng khoảng 12,4% trong quí thứ 3. John Furner, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Walmart U.S., cho biết phần lớn số đó nằm trong các cửa hàng chứ không phải trong chuỗi cung ứng, nơi hàng dự phòng đã gây khó khăn cho nhà bán lẻ này vào năm 2021 và đầu năm nay.
Ông Furner cho biết: “Năm ngoái, hàng tồn kho của chúng tôi ở mức khá thấp, vì vậy chúng tôi thấy lượng hàng tồn kho hiện đã thực sự cải thiện đáng kể”.
Theo The Wall Street Journal
Mong sức tiêu thụ hàng từ Mỹ được ổn định để giữ việc làm cho công nhân.
Lượng tồn kho so với năm ngoái thì chắc chắn phải tăng rồi. Năm trước do dịch bệnh. SX Hàng hoá bị đình trệ giảm. Chi phí vận chuyển cao nên lượng hàng tồn kho và hàng đưa tới tay người tiêu dung cũng bị hạn chế. Hi vọng chu kỳ lạm phát đợt này ngắn cũng với các chính sách hiệu quả của chính phủ các nước , đưa nền KT trở lại bình thường.