Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

ECB tăng giám sát rủi ro tín dụng của các ngân hàng ở châu Âu giữa nguy cơ suy thoái

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vừa cảnh báo về rủi ro thua lỗ cho vay cao hơn và tình trạng nguồn vốn siết chặt ở các ngân hàng tại 19 nước sử dụng đồng euro (eurozone). Đồng thời, ECB, cơ quan giám sát hơn 100 ngân hàng lớn ở châu Âu, cho biết sẽ giám sát chặt chẽ hơn những ngân hàng tiếp xúc nhiều với các lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất, bao gồm năng lượng, kinh doanh năng lượng, cho vay thế chấp nhà ở và bất động sản thương mại.

Trụ sở của ECB ở TP. Frankfurt, Đức. Ảnh: CFP

Hôm 12-12, trong báo cáo công bố các ưu tiên về hoạt động giám sát đối với lĩnh vực ngân hàng của eurozone trong năm tới, ECB cảnh báo các ngân hàng ở khu vực này đang đối mặt nguy cơ gia tăng về nợ xấu cũng như bị siết chặt nguồn vốn huy động do lãi suất tăng, lạm phát cao hơn và rủi ro kinh tế suy thoái.

Các quan chức giám sát của ECB đang lên kế hoạch thanh tra thường xuyên đối với các ngân hàng của eurozone và sẽ thực hiện nhiều “đánh giá có trọng điểm” hơn đối với những ngân hàng cho vay lớn trong khu vực để thúc đẩy họ giải quyết những rủi ro ngày càng gia tăng.

ECB lưu ý hoạt động cho vay đối với các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng, thế chấp mua nhà ở và bất động sản thương mại sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương trước môi trường kinh tế đang xấu đi.

Nguồn vốn giá rẻ mà ECB đã cung cấp để giúp ngành ngân hàng vượt qua đại dịch Covid-19 đang bị rút lại khi ECB thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát. Do vậy, một số ngân hàng của eurozone cũng có thể gặp khó khăn trong việc thay thế nguồn vốn giá rẻ này.

Trong một bài blog đăng trên trang chủ của ECB, Kerstin af Jochnick, thành viên ban giám sát của ECB và Mario Quagliariello, Giám đốc chiến lược giám sát và rủi ro của ECB, viết: “Dù ngành ngân hàng cho đến nay đã chứng minh được khả năng chống chịu tốt sau hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine, nhưng kể từ đó, rủi ro cũng đã tăng lên. Trong ngắn hạn, chúng tôi lo ngại về tác động của môi trường kinh tế vĩ mô và các chuyển động của thị trường tài chính đối với chất lượng tài sản và nguồn vốn của ngân hàng”.

Việc ECB gia tăng áp lực với các ngân hàng để thúc đẩy họ chuẩn bị ứng phó nguy cơ nợ xấu tăng cao và nguồn vốn bị siết chặt có thể làm gia tăng căng thẳng với giới lãnh đạo ngân hàng, với một số lãnh đạo đang phàn nàn về cách tiếp cận giám sát quá “nặng tay” của ECB, chẳng hạn như đòi hỏi họ phải tham gia các cuộc họp của hội đồng quản trị và các ủy ban giám sát của ECB, tăng vốn, hạn chế mức chi trả cổ tức cho cổ đông...

Hoạt động của ngành ngân hàng châu Âu đã cải thiện trong năm nay khi lãi suất tăng thúc đẩy tỷ suất lợi nhuận từ các khoản cho vay. Trong khi đó, các biện pháp của các chính phủ trong khu vực nhằm hỗ trợ các công ty và hộ gia đình có chi phí năng lượng cao đã giúp giữ tỷ lệ vỡ nợ ở mức thấp.

Tuy nhiên, ECB cảnh báo thời kỳ tốt đẹp đó khó có thể kéo dài do các khoản nợ xấu có thể gia tăng và chi phí huy động vốn cho các ngân hàng tăng cao.

ECB dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, lên mức 2% trong cuộc họp chính sách vào ngày 15-12 tới. Đây là mức lãi suất cao nhất ở eurozone kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, trong khi hầu hết các nhà kinh tế dự báo khu vực này sẽ bước vào suy thoái trong mùa đông hiện tại.

Theo quan chức ECB, lãi suất cao hơn và triển vọng tăng trưởng chậm hoặc có thể suy thoái sẽ thách thức khả năng trả nợ của các hộ gia đình và doanh nghiệp có mức nợ cao trong tương lai.

ECB cho biết một đánh giá giám sát gần đây đã xác định nhiều thiếu sót trong cách các ngân hàng kiểm soát rủi ro của họ, đặc biệt là liên quan đến việc xử lý hồ sơ xin vay, giám sát khoản vay, dự phòng thua lỗ ở các khoản nợ xấu, phân loại các khách hàng vay nợ đang gặp khó khăn về tài chính.

ECB nhấn mạnh một số ngân hàng cũng trở nên “dễ bị tổn thương hơn trước những xáo trộn thị trường” do phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn cực rẻ từ ECB.

Tháng trước, ECB đã thay đổi các điều khoản của hoạt động tái cấp vốn dài hạn có trọng điểm (TLTRO) của mình. Chương trình TLTRO  đã cho các ngân hàng ở eurozone vay 2,1 nghìn tỉ euro với lãi suất thấp tới âm 1% để khuyến khích họ không cắt giảm khoản cho vay trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, lãi suất trong chương trình TLTRO đã được nâng lên ngang mức lãi suất hiện nay của ECB vào tháng trước, và kể từ đó các ngân hàng ở eurozone đã hoàn trả gần 800 tỉ euro cho các khoản vay theo chương trình này trước thời hạn.

ECB cho rằng một số ngân hàng sẽ cần đa dạng hóa hơn nữa các nguồn vốn và thay thế một phần nguồn vốn của ECB bằng các giải pháp thay thế tốn kém hơn và có thể là ngắn hạn hơn. Điều này sẽ gây áp lực lên các tỷ lệ bảo đảm an toàn và lợi nhuận của họ, ECB cảnh báo.

Theo Financial Times, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới