Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đào vỉa hè thấy… gì và nỗi buồn đầu tư công

Khánh Nguyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chắc hẳn không chỉ Hà Nội đang loay hoay với những dự án chỉnh trang đô thị như việc thay đá lát vỉa hè các tuyến đường. Nếu không áp thước đo hiệu quả nghiêm khắc, con số ngân sách đầu tư công bị lãng phí sẽ không hề nhỏ.

Thi công lát vỉa hè tại TPHCM. Ảnh: Lê Vũ

Nghe chuyện mới nhớ tích xưa

Xưa có người cha trước khi qua đời dặn dò các con: “Rương vàng ông bà chôn dưới ruộng”. Những người con nhớ lời cha dặn, nỗ lực đào xới, chưa thấy vàng thì gieo hạt trồng lúa, đến vụ thu hoạch mới hiểu điều cha nhắn nhủ. Nay cứ Tết cận kề là vỉa hè nơi này nơi kia được cạy lên lát lại. Kết quả là người dân chưa kịp thấy đẹp, thấy bền thì đã phải chịu bao nhiêu phiền toái, rắc rối.

Tréo ngoe ở chỗ cũng giống như tích truyện xưa, một viên đá cạy lên nhường chỗ cho một viên đá khác sẽ đi cùng công ăn việc làm, thu nhập cho một số doanh nghiệp và tất nhiên cả GDP cho địa phương. Thêm vào đó, câu chuyện này còn hàm chứa nhiều bất cập tồn tại trong đầu tư công ở Việt Nam hiện nay.

Lời hứa ngọt tai, thuyết trình về tính cấp thiết không dễ bác bỏ là khởi đầu của vấn đề gây nên sự bức xúc dai dẳng trong dư luận trong khoảng sáu năm trở lại đây. Năm 2016, người dân Hà Nội đã có lúc tưởng rằng, tình trạng vỉa hè hàng năm bị cạy lên lát xuống sẽ chấm dứt sau khi chúng được thay bằng đá tự nhiên với độ bền hứa hẹn 50-70 năm. Thậm chí, họ chủ động nhắm mắt cho qua khi nhiều đoạn vỉa hè vẫn tinh tươm, rắn chắc cũng thuộc diện “thay áo”.

Những khoản đầu tư nói trên chủ yếu chỉ phải chịu sự theo dõi, đánh giá của các cơ quan giám sát cấp dưới, vốn có quyền lợi và trách nhiệm gắn chặt với lợi ích của địa phương sở tại. Cần những cuộc rà soát, đánh giá hiệu quả các dự án và trên hết, phải có chế tài rõ ràng xác định quyền và trách nhiệm của cơ quan giám sát cấp dưới để ngăn chặn các khoản đầu tư “vô thưởng vô phạt” dạng này.

Và dù cho những hư hỏng đầu tiên bị phản ánh không lâu sau khi đoạn đường hoàn thành, cuộc đua thay áo vỉa hè không dừng lại. Tới sau năm 2019, một quy định mới về chất lượng đá, chất lượng lớp nền bê tông… được ban hành. Thế nhưng đến thời điểm này, khi tình trạng đá lát vỉa hè nứt hỏng trở thành một hiện tượng thu hút sự chú ý của toàn dư luận, lý do đường hỏng do lát theo quy chuẩn cũ vẫn được thản nhiên đưa ra mặc dù có những đoạn đường thi công sau năm 2019 vẫn bị hỏng như… chúng bạn. Ông trời cũng chịu một phần trách nhiệm bởi “mưa xuống đá giãn nở nên tự vỡ”, theo lời ông Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội mới đây. Tóm lại, lỗi nằm ở bất cứ đâu nhưng chưa thấy thuộc về bất cứ ai.

Kinh phí cho đại công trình là một dấu hỏi khác. Dù rằng việc lát đá vỉa hè Hà Nội đã thực hiện khoảng sáu năm, ngân sách Hà Nội chi ra chưa bao giờ được công khai.

Năm 2017, thông tin từ lãnh đạo quận Hoàng Mai, giá trúng thầu của đơn vị thi công là 633.000 đồng/mét vuông lát hè hoàn thiện, tách riêng đá thì khoảng 359.000 đồng/mét vuông. Năm 2019, một tờ báo ghi nhận, ở quận Thanh Xuân, một mét vuông vỉa hè lát đá tách riêng có giá 300.000 đồng. Quận Đống Đa tiết lộ với truyền thông, bốn tuyến đường chỉnh trang trong năm 2022 hết tổng cộng 52 tỉ đồng. Qua những con số trên, cùng với thực tế đến nay Hà Nội đã lát đá tự nhiên cho 255 tuyến đường, có thể tin rằng, ngân sách chi cho công cuộc thay đá vỉa hè đã lên tới hàng ngàn tỉ đồng.

Thế nhưng, tất cả đều chỉ là các dự án cấp quận, huyện với quy trình phê duyệt ứng với mức đầu tư từ vài tỉ đồng cho tới vài chục tỉ đồng. Đại dự án hàng ngàn tỉ đồng hóa ra chỉ là phép cộng gộp của nhiều chục tỉ đồng, điều xem ra cũng không xa lạ với nhiều dự án đầu tư công khác. Vậy là con voi đã tìm ra cách chui lọt lỗ kim.

Nhiệm kỳ và trách nhiệm nhiều khả năng sẽ là điệp khúc buồn khác nếu quả thật, việc đánh giá chủ trương, hiệu quả và chất lượng lát đá vỉa hè trở thành nội dung giám sát của HĐND thành phố Hà Nội vào năm 2023. Ít nhất một nhiệm kỳ đã trôi qua từ khi bắt đầu thực hiện chủ trương lát đá vỉa hè, và với quyền quyết định được phân cấp cho quận, huyện cùng quy trình có thể được vận hành từ cấp phường xã, truy tìm trách nhiệm sẽ là một con đường gồ ghề, đặc biệt, rất khó xác định ai chịu trách nhiệm người đứng đầu.

Khác biệt lớn nhất có lẽ là tiến độ. Không giống rất nhiều dự án chậm về đích đang là cơn đau đầu dai dẳng của các lãnh đạo bộ, ngành, phần việc chỉnh trang đô thị như lát đá vỉa hè luôn được thực hiện nhanh chóng, còn việc giải ngân rất ít gây thất vọng, bức xúc cho doanh nghiệp thi công. Dù vậy, chẳng ai có thể xác quyết, đây là điều vui hay chỉ làm bức tranh đầu tư công thêm ảm đạm.

Mối lo khác

Mảng xám này cần phải nhận diện. Không chỉ việc lát đá vỉa hè, dư luận vẫn đang phải vò đầu bứt tai trước hiện tượng nhiều huyện nghèo, có huyện thuộc nhóm nghèo nhất nước, xây cổng chào tiền tỉ, nhiều tỉnh nghèo đầu tư hàng chục, hàng trăm tỉ đồng dựng tượng đài, phù điêu.

Cá biệt hơn, ngay đầu năm 2022 này, thành phố thuộc một tỉnh Tây Nguyên đã chi hơn 20 tỉ đồng xây 13 cổng chào, năm trong số đó thuộc diện xây dựng trái phép, buộc phải cưỡng chế. Sau đó, thành phố này đã có văn bản xin giữ lại năm cổng chào trị giá chừng tám tỉ đồng đã xây dựng nhưng tháng 3-2022, Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải vẫn đề nghị cưỡng chế những công trình này.

Hồi kết của vụ việc vẫn chưa được truyền thông phản ánh, vậy nhưng, nhiều người đã lắc đầu chua chát, xây cổng chào làm tăng GDP và nếu chúng bị cưỡng chế tháo gỡ, GDP lại tăng thêm một lần nữa. Như TS. Bùi Trinh từng nhiều lần cảnh báo, nếu đầu tư đi vào những công trình như cổng chào, tượng đài, đào đường lên rồi lại lấp đường, những công trình xây dựng mà không sử dụng…, GDP tăng ngay tại thời điểm đó nhưng sẽ không có lan tỏa đến chu kỳ sản xuất tiếp theo.

So sánh với số liệu về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR), nhận định của vị chuyên gia này càng trở nên sáng tỏ. Xu hướng thâm dụng vốn đang hiện hữu bởi lẽ trong hai năm 2020 và 2021 hệ số ICOR tăng vọt lên mức lần lượt là 14,27 và 15,54, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Theo tính toán của GS.TS. Nguyễn Ngọc Trân, hệ số ICOR 17 năm (2005-2021) là 6,89; 11 năm (2011-2021) là 6,9; sáu năm (2016-2021) là 7,55.

Nhìn từ con số tuyệt đối, cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2020 vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 2,16 triệu tỉ đồng. Tuy nhiên, theo tính toán của TS. Bùi Trinh, khoản tiền này chỉ tạo ra khoảng 1,7 triệu tỉ đồng tài sản cố định và tài sản lưu động, tức là chỉ khoảng 78,5% khoản tiền xã hội bỏ ra đầu tư đến được với sản xuất để tạo ra tài sản.

Như vậy, song song với việc nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm, thực trạng chi ngân sách cho những công trình, dự án không mang lại tác động kinh tế, xã hội thiết thực ở cấp tỉnh, thành phố kể trên phải chấm dứt. Không nên và không thể coi đây là chuyện nhỏ. Bởi lẽ, kể cả số đầu tư cho một dự án có thể không lớn, nhưng đây là những khoản chi gần như thường xuyên ở hầu khắp các địa phương trên cả nước, vì thế, con số tổng sẽ cao hơn gấp cả trăm, ngàn lần. Đã vậy, những khoản đầu tư nói trên chủ yếu chỉ phải chịu sự theo dõi, đánh giá của các cơ quan giám sát cấp dưới, vốn có quyền lợi và trách nhiệm gắn chặt với lợi ích của địa phương sở tại. Cần những cuộc rà soát, đánh giá hiệu quả các dự án và trên hết, phải có chế tài rõ ràng xác định quyền và trách nhiệm của cơ quan giám sát cấp dưới để ngăn chặn các khoản đầu tư “vô thưởng vô phạt” dạng này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới