(KTSG Online) - Bộ Giao thông Vận tải vừa phê duyệt bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu các phần còn lại của gói thầu A1 thuộc dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành theo đề nghị của đơn vị chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
- Cao tốc Bến Lức – Long Thành vẫn ở ‘đường cụt’ về vốn
- Lùi thời gian hoàn thành cao tốc Bến Lức – Long Thành đến tháng 9-2025
Phần còn lại của gói thầu A1 với giá trị 410 tỉ đồng, sẽ lựa chọn nhà thầu theo phương thức đấu thầu rộng rãi, thời gian thi công là 10 tháng. Thời gian bắt đầu lựa chọn nhà thầu cho gói thầu A1 là từ tháng 12-2022.
Nguồn vốn thực hiện gói thầu A1 là nguồn vốn VEC tự cân đối từ nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến hạn trả nợ. Giá gói thầu là tạm tính (đã bao gồm các loại thuế và dự phòng). VEC chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục phê duyệt dự toán theo quy định để làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Gói thầu A1 – thi công đoạn từ Km0+600 đến Km7+900 sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) theo hiệp định vay 2730 - VIE, là một trong số 11 gói thầu xây lắp thuộc dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, được VEC và liên danh Halla Corporation – Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật Vinaconex (liên danh Halla – Vinaconex) ký kết hợp đồng vào giữa tháng 2-2015.
Liên danh nhà thầu đã khởi công từ ngày 26-5-2015 và đến nay đã thi công được khoảng 81,24% giá trị hợp đồng và giá trị còn lại của hợp đồng là 247,5 tỉ đồng.
Đại diện lãnh đạo VEC cho biết, thời gian thi công hoàn thành gói thầu A1 theo hợp đồng đã kết thúc ngày 30-6-2019, trùng thời điểm đóng Hiệp định vay 2730-VIE. Do thủ tục điều chỉnh để sử dụng vốn dư Hiệp định vay 3391-VIE chưa hoàn thành nên gói thầu A1 chưa có vốn để tiếp tục thực hiện, chưa đủ cơ sở để gia hạn thời gian hoàn thành gói thầu, dẫn đến nhà thầu A1 đã dừng thi công và đề nghị chấm dứt hợp đồng vào tháng 5-2021.
Vào tháng 3-2022, VEC đã thông báo nhà thầu Halla - Vinaconex nguồn tài chính đã được bố trí đầy đủ để đảm bảo việc thanh toán cho các nhà thầu phù hợp theo điều 14 của hợp đồng. Tuy nhiên nhà thầu Halla không khởi động lại việc thi công trên công trường. Đến ngày 14-6-2022 VEC đã có văn bản số 1239/CV-VEC gửi nhà thầu thông báo về việc chấm dứt hợp đồng với nhà thầu gói thầu A1.
Với giá trị sơ bộ của gói thầu nêu trên quy mô không lớn, VEC kiến nghị áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu gói thầu A1-1 là đấu thầu rộng rãi với phương thức đấu thầu "1 giai đoạn 2 túi hồ sơ". Đồng thời, để rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu, VEC kiến nghị không sơ tuyển cho gói thầu này.
Hiện VEC cũng đã có văn bản kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh thời gian thực hiện dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành đến ngày 30-9-2025, tức là chậm gần 2 năm so với kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh vào năm 2020; điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án xuống còn 30.320 tỉ đồng, giảm 1.000 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt; trong đó phần vốn do VEC huy động tăng lên 7.610 tỉ đồng; điều chỉnh cơ chế tài chính trong nước và phương thức cho vay lại đối với nguồn vốn ADB, JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản), vốn đối ứng.
Đặc biệt, VEC xin điều chỉnh giảm 70 triệu đô la vốn từ Hiệp định vay ADB lần 2 để giảm phí cam kết, đồng thời thực hiện phân bổ lại cơ cấu chi phí của hiệp định.
Cũng theo lãnh đạo VEC, đơn vị này đã cập nhật thông số đầu vào, tính toán phương án tài chính hòa chung dòng tiền 5 dự án đường cao tốc do VEC quản lý tại thời điểm hiện nay.
Trên cơ sở đó, VEC đánh giá tổng thể khả năng cân đối, sử dụng nguồn vốn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ của VEC để có thể đầu tư một số hạng mục chưa hoàn thành tại các tuyến cao tốc (đặc biệt là dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành), đồng thời đề xuất thực hiện một số mục tiêu trong kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt.
Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành đã khởi công vào tháng 7-2014, dự kiến năm 2018 sẽ khánh thành nhưng bị trễ hạn và ngưng thi công từ năm 2019 cho đến nay.
Cao tốc này có điểm đầu từ nút giao với đường cao tốc TPHCM – Trung Lương (Long An) và điểm cuối giao quốc lộ 51 (Đồng Nai).Theo thiết kế, cao tốc này có 4 làn xe và hai làn dừng khẩn cấp, vận tốc tối đa 120 km/h, khi hoàn thành sẽ giúp kết nối khu vực Đông Nam bộ và các tỉnh Tây Nam bộ tại địa phận huyện Cần Giờ (TPHCM).
Tuyến cao tốc này có cầu Bình Khánh có độ tĩnh không 50 m bắc qua sông Soài Rạp và cầu Phước Khánh có tĩnh không 55 m, cao nhất Việt Nam, bắc qua sông Lòng Tàu. Do sông Soài Rạp và Lòng Tàu là hai tuyến đường thuỷ huyết mạch nên hai cầu này phải có độ tĩnh không cao để cho tàu biển có trọng tải 50.000 tấn vào được các cảng biển ở TPHCM.