Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khai minh ở Anh, Pháp, Mỹ trong thời kỳ ánh sáng

Nguyễn Minh Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nói về thời kỳ khai minh, người ta thường nghĩ đến nước Pháp trước tiên. Nhưng qua công trình của nhà sử học Gertrude Himmelfarb(*), chúng ta sẽ được rõ thêm về thời kỳ này ở các quốc gia khác, đặc biệt là ở Anh và Mỹ.

Tư tưởng của các triết gia khai sáng Pháp đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nhà cách mạng Mỹ.

Thuật ngữ enlightenment (sự khai minh hay khai sáng) xuất hiện sớm trên các tác phẩm chính thống ở Pháp. Cụm từ “Thế kỷ Ánh sáng” được thầy dòng và là nhà thẩm mỹ Jean Baptiste Dubos sử dụng năm 1733, và triết gia Jean Jacques Rousseau sử dụng năm 1750.

Gertrude Himmelfarb (1922-2019) thì phát triển đề tài khai minh của mình sau hai sự kiện: một là từ lời mời của Đức Giáo hoàng John Paul II tham dự chuyên đề “Khai minh ngày nay” vào năm 1996; hai là từ loạt bài giảng về Elie Kedourie (nhà sử học người Anh về Trung Đông) tại Viện Hàn lâm nước Anh vào tháng 5-2001.

Trong lời giới thiệu mở đầu cuốn Những con đường đến tính hiện đại, Gertrude Himmelfarb có nhấn mạnh cuốn sách “là một nỗ lực đầy tham vọng… và (tôi) chịu trách nhiệm đối với những quan điểm hoặc những sai lầm của mình” - khi mà tác giả đi ra khỏi những ý niệm mà các philosophe (trí thức Pháp thế kỷ 18)(**) tạo ra, để giới thiệu về sự khai minh ở Anh và Mỹ.

Bản chất của khai minh ở Pháp là lý tính (raison d’être), mà nói đến lý tính thì nói đến trí thức Pháp. Theo nghĩa đó, khai minh ở Pháp là “cải cách không phải đạt đến một tôn giáo cao hơn, mà là một quyền uy cao hơn của lý tính”. Còn tại Anh và Mỹ, nơi lý tính không có vai trò quá nổi trội, lực thúc đẩy khai minh ở Anh là “những đức hạnh xã hội” hay “những cảm xúc xã hội”; còn lực thúc đẩy ở Mỹ là “tự do chính trị” - động cơ của cách mạng và nền tảng cho nền cộng hòa.

Với các nhà triết học đạo đức người Anh và các nhà sáng lập nước Mỹ, lý tính chỉ là công cụ để đạt đến mục đích xã hội rộng lớn hơn chứ bản thân lý tính không phải là mục đích. Nhưng dù có những điểm nổi bật khác biệt về tác động và hệ quả chính trị, thì về mặt lịch sử và xã hội, sự khai minh ở các nước này “đều có điểm chung là dành sự tôn trọng cho lý tính và tự do, khoa học và công nghiệp, công bằng và hạnh phúc”.

Khai minh của người Anh: xã hội học về đức hạnh

Theo Bá tước Shaftesbury, một chính trị gia dưới thời Vua Charles 2, tôn giáo, tâm tư, cảm giác hay lý trí chỉ là những công cụ hỗ trợ (hoặc ngăn trở) đức hạnh chứ không phải là nguồn gốc trực tiếp hay sơ thủy của đức hạnh. Cái đi trước những yếu tố này là “cảm thức đạo đức” - cảm thức về đúng và sai. Chính cảm thức này chi phối bên trong và hằn sâu trong bản tính con người.

Đạo đức xã hội là một đặc trưng của sự khai minh ở Anh. “Lòng nhân từ”, “lòng bác ái”, “tình đồng loại”, hay “cảm xúc tự nhiên dành cho người khác” là nền tảng đạo đức xã hội thấm nhuần diễn ngôn triết học và đạo đức học nước Anh xuyên suốt thế kỷ 18.

Theo chính trị gia, nhà kinh tế người Scotland - David Hume, “vui sướng và đau khổ đều có quan hệ với cảm thức đạo đức”, và những khu biệt đạo đức không bắt nguồn từ lý tính mà từ cảm thức đạo đức. Ngay cả với Adam Smith, nhà tư tưởng được nhắc tới nhiều hơn như là người thuộc trường phái tự do kinh tế, thì tác phẩm Lý thuyết về tình cảm đạo đức của ông vẫn giữ một vị trí quan trọng trong ý thức của tác giả.

Adam Smith mở đầu tác phẩm này như sau: “Con người dẫu có ích kỷ thế nào đi nữa thì vẫn có trong bản tính của mình một vài nguyên tắc nào đó khiến anh ta lưu tâm về vận may của những người khác và làm cho hạnh phúc của họ trở nên cần thiết cho mình”, và để trở nên đức hạnh, con người phải luôn hoàn thiện bản tính tự nhiên của mình.

Trong tiến trình khai minh ở Anh, các cảm thức đạo đức không phải đi lên theo thể thống nhất. Có nhiều quan niệm trái ngược nhau gây ra những công kích từ các học giả cũng như từ người đọc các tác phẩm của họ

Khai minh ở Anh mang tính cải cách hơn là lật đổ. Không gây ra sự bất tín đối với tôn giáo, quá trình khai minh mang tính tôn trọng, có sự lạc quan và quân bình, cảm thức đạo đức và cảm thức chung được mọi người chia sẻ chứ không chỉ riêng ở người có học thức.

Khai minh của người Pháp: ý hệ của lý tính

Tại Anh, các tác giả viết lý thuyết về chính quyền và những người cầm quyền đều hợp tác với nhau. Trong khi ở Pháp, lý tính là phẩm tính đứng đầu trong định nghĩa khai minh, và ý niệm lý tính có một đối trọng của nó là ý niệm tôn giáo.

Mở đầu tiến trình khai minh ở Pháp, triết gia Denis Diderot phát biểu về người bình thường không có vai trò trong “thời đại triết học”, rằng “quần chúng không được tạo ra để thúc đẩy hoặc thấu hiểu gì về bước tiến của tinh thần nhân loại”. Còn Voltaire (nhà tư tưởng, tên thật là François-Marie Arouet) thì viết cho Diderot như sau: “Tôn giáo phải được xóa sổ nơi những người đáng kính và hãy dành nó cho những người thấp hèn bởi nó được tạo ra cho họ”.

Ý niệm tự do tại Pháp là một chủ đề thận trọng trong giai đoạn này. Các trí thức Pháp tập trung mở rộng các ý niệm lý tính đến nỗi họ chẳng nghĩ gì, thậm chí còn ít thông cảm hơn về nhân dân.

nhiên, Rousseau là người tán dương ý niệm lòng bác ái, hay cho rằng “tình cảm bên trong” là một đặc điểm của nhân loại. Song Rousseau và các trí thức Pháp khác đều có xu hướng đặt “toàn thể nhân loại” lên trên “cá nhân”, “giống loài” ở trên “đồng loại”.

Khác với “cảm thức đạo đức” hay cảm thức chung của người Anh, “phần lớn các nhà tư tưởng khai minh đều phản đối việc dạy học cho nông dân, trong khi giáo hội và hàng giáo sĩ thì ủng hộ”, Daniel Roche - sử gia và là nhà xã hội học, đã viết.

Lý luận của các nhà khai minh Pháp là người dân vô học vì họ không được khai minh, họ không được khai minh vì họ không có năng lực lý tính. Muốn đưa lý tính lên đối trọng với tôn giáo trong bối cảnh các định chế giáo dục nằm trong tay nhà thờ, các trí thức Pháp cho rằng mở rộng giáo dục sẽ chỉ làm cho con người thêm “u mê và đần độn”, theo cách nhìn của họ đối với tôn giáo (cụ thể là nhà thờ).

Khi nhận định về cách mạng Pháp năm 1789, gần nửa thế kỷ sau, chính trị gia Alexis de Tocqueville vẫn nói: “Lý tưởng của cách mạng Pháp đặt ra không đơn thuần là một sự thay đổi trong hệ thống xã hội của nước Pháp mà còn là sự tái sinh của cả chủng loại con người”. Nhưng với nhà triết học chính trị Hannah Arendt ở thế kỷ 20, bà không tán thành nhận định về bản tính con người được tái tạo, thay vào đó, bà nói: “Cách mạng (Pháp) được sinh ra từ lòng bác ái cho nhân dân khốn cùng”.

Cách mạng Pháp, bên cạnh những điều mà các nhà cách mạng lúc đó đạt được như là chống chủ nghĩa giáo sĩ, phế truất quyền uy của nhà thờ/giáo hội, giải phóng người theo đạo Tin Lành, Do Thái giáo, hợp pháp hóa hôn nhân dân sự và ly hôn, thì nó cũng để lại những “di sản đáng tiếc” như phản đối tổ chức từ thiện do nhà thờ điều hành khiến những người bần cùng không còn nguồn lực nào, và các cơ sở trường học của nhà thờ cũng bị bãi bỏ mà không có gì thay thế.

Khai minh của người Mỹ: chính trị của tự do

Cách mạng của người Mỹ thì ở trong tâm trí và trái tim của nhân dân. Gốc rễ của cách mạng không phải ở trong tôn giáo mà ở trong chính trị, trong các thực thể chính trị. Các nhà lập quốc xây dựng Hiến pháp không những cho thế hệ hiện tại mà còn cho các thế hệ tương lai, được điều chỉnh bằng những tu chính án phù hợp hoàn cảnh, cũng như khẳng định những luật định và những nguyên tắc nền tảng.

“Chúng ta có quyền bắt đầu lại thế giới một lần nữa”, Thomas Paine - triết gia theo chủ nghĩa tự do cổ điển, đã vui mừng khi họ thiết lập nền cộng hòa mới, tách khỏi sự “che chở” của người Anh.

“Chính trị của tự do” là thuật ngữ được xây dựng trên tinh thần nhiệt huyết của các nhà sáng lập nước Mỹ và hệ quả của “xã hội học về đức hạnh”. Mối quan hệ giữa xã hội đức hạnh và chính trị tự do là trung tâm điểm của tư tưởng Mỹ.

Các nhà lập pháp Mỹ không dựa vào cảm thức đạo đức cũng như lý tính trong việc sáng tạo ra định chế chính trị của mình, mà họ dành cho đức hạnh cá nhân và đức hạnh xã hội một vai trò trọng yếu hình thành những lề lối của người dân như một nền tảng của thể chế chính trị.

Benjamin Rush, người ký bản Tuyên ngôn độc lập Mỹ, nói: “Tự do mà không có đức hạnh thì đó chẳng phải là phước lành trời ban”. Các nhà lập pháp Mỹ đều công nhận đức hạnh và tôn giáo nhưng không ghi vào Hiến pháp Mỹ, vì “chúng được bén rễ sâu trong bản tính con người, trong lề lối, định chế bất thành văn trong xã hội”, là cơ sở hạ tầng của chính quyền.

Một người cha lập quốc khác của nước Mỹ là Thomas Jefferson, đã tuyên bố: “Chúng tôi không bị xâm hại ngoại trừ khi Thượng đế thịnh nộ”.

Nước Mỹ không cần hình thức hóa hay định chế hóa tôn giáo, cũng không chấp nhận một tôn giáo chính thức. Sự tách biệt nhà thờ và nhà nước không phải là dấu hiệu tách biệt nhà thờ và xã hội, tôn giáo được bắt rễ nhiều hơn trong xã hội vì nó không bị kiểm soát và thiết lập bởi chính quyền, là “cái đầu tiên của những định chế chính trị, là điều kiện tiên quyết của tự do và đạo đức, vì thế cũng là của chính thể cộng hòa”.

Các nhà lập quốc Mỹ không xem tôn giáo là mối đe dọa đối với tự do. Thời khai minh, nhiều vị hiệu trưởng trường đại học và các nhà khoa học có mối quan hệ với thần học hoặc là nhà thần học (về một tôn giáo hoặc một giáo phái) và hoàn toàn không phủ nhận hay chống lại đức tin.

Khác với thời kỳ khai minh của Anh quốc có tinh thần hoài nghi, hay việc chống nhà thờ như ở Pháp, sự khai minh của nước Mỹ tiếp diễn theo cách mà Tocqueville nói: chính “niềm tin vào tính hoàn hảo của con người” thuyết phục ông về sự trường tồn của nước Mỹ, “những lề lối của tinh thần”, “những lề lối của con tim” là những cam kết lâu dài với sự khai minh của nước Mỹ.

(*) Đọc The roads to modernity (Những con đường đến tính hiện đại, Nguyễn Sỹ Nguyên dịch, Mai Sơn hiệu đính, NXB Tri Thức)

(**) Trong phạm vi bài viết này, tác giả sử dụng cụm từ “trí thức Pháp” để chỉ về “philosophes”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới