Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các tập đoàn truyền thông lớn tổn thất nặng nề trong năm 2022

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Khi năm 2022 sắp khép lại, các tập đoàn truyền thông và giải trí lớn nhất thế giới cũng chứng kiến tổng giá trị vốn hóa thị trường của họ bị thổi bay hơn 500 tỉ đô la Mỹ.

Giá cổ phiếu của các tập đoàn truyền thông giải trí lớn nhất toàn cầu giảm mạnh trong năm nay. Ảnh: Financial Times

Mức suy giảm vốn hóa lịch sử này diễn ra khi giới đầu tư bán tháo cổ phiếu trong bối cảnh chi phí cho các dịch vụ phát sóng trực tuyến (streaming) tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt ngân sách sinh hoạt và chi tiêu quảng cáo của doanh nghiệp suy giảm.

Lĩnh vực truyền thông bao gồm nhiều hoạt động từ sản xuất phim, quảng cáo đến truyền hình cáp, là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong một năm được xem là tồi tệ nhất đối với chứng khoán toàn cầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

“Đó là một cơn bão tin xấu. Tôi đã theo dõi lĩnh vực này trong một thời gian dài và tôi chưa bao giờ thấy một tập hợp điểm dữ liệu tồi tệ như vậy trước đây”, Michael Nathanson, nhà phân tích truyền thông tại MoffettNathanson nói.

Kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của Tập đoàn truyền thông và giải trí Walt Disney (Mỹ) giảm giá khoảng 45% và đang hướng tới mức giảm hàng năm lớn nhất kể năm 1974. Cổ phiếu của công ty này chịu nhiều áp lực hơn trong những ngày gần đây khi doanh thu bán vé của Avatar 2 trong đợt công chiếu cuối tuần qua không đạt như kỳ vọng. Avatar 2  được phát hành bởi 20th Century Studios, một công ty trong hệ sinh thái của Walt Disney.

Trong khi đó, cổ phiếu của Tập đoàn truyền thông và giải trí Paramount Global cũng giảm giá 42% trong năm nay và mức giảm giá của cổ phiếu nền tảng phát phim ảnhh trực tuyến Netflix là 52%.

Tình hình cổ phiếu Warner Brothers Discovery, tập đoàn truyền thông và giải trí được hình thành sau vụ sáp nhập giữa Discovery và WarnerMedia thậm chí còn tồi tệ hơn với mức giảm 63%.

Giá cổ phiếu Tập đoàn truyền thông và giải trí Walt Disney chịu áp lực sau khi Bộ phim ‘Avatar: The Way of Water’ (hay còn gọi là Avatar 2) thu về 134,1 triệu đô la Mỹ tại các rạp ở Mỹ và Canada trong tuần đầu công chiếu, thấp hơn một số dự báo của giới phân tích. Ảnh: The Direct

Hồi tuần trước, các lãnh đạo của Warner Brothers Discovery cảnh báo về việc phải đối mặt với khoản tiền tái cơ cấu lên tới 5,3 tỉ đô la Mỹ và các khoản phí khác liên quan đến thương vụ sáp nhập.

Các công ty truyền thông phát trực tuyến có xu hướng ứng phó tốt hơn trong thời kỳ bùng phát đại dịch Covid-19 khi các biện pháp hạn chế đi lại giúp thu hút thêm một lượng khán giả lớn. Cổ phiếu của các công ty truyền thông tập trung vào dịch vụ phát sóng trực tuyến đã tăng giá mạnh trong cơn bùng nổ thị trường chứng khoán bắt đầu từ tháng 3-2020.

Các tập đoàn truyền thông và giải trí đã chi hàng chục tỉ đô la Mỹ để phát triển các nội dung phát trực tuyến. Điều này tạo ra sự cạnh tranh gay gắt, giúp khán giả có thêm sự lựa chọn trong bối cảnh chi phí sinh hoạt. Điều này khuyến khích các hộ gia đình eo hẹp về tài chính chuyển đổi giữa các gói thuê bao dịch vụ xem phim ảnh và truyền hình trực tuyến.

Chỉ số Dow Jones Media Titans, theo dõi hoạt động của 30 công ty truyền thông lớn nhất thế giới, giảm đến 40% trong năm nay. Tổng vốn hóa thị trường giảm từ 1.350 nghìn tỉ đô la Mỹ xuống còn 808 tỉ đô la Mỹ.

Lãi suất tăng đã làm giảm mức định giá cổ phiếu, đặc biệt là đối với cổ phiếu hứa hẹn có mức tăng trưởng cao nhưng không đạt được kỳ vọng của lĩnh vực truyền thông. Trong năm nay, giá cổ phiếu Công ty phát âm nhạc trực tuyến Spotify (Thụy Điển) giảm 69%. Trong khi đó, mức giảm giá của cổ phiếu Roku, một nền tảng phát video trực tuyến của Mỹ tăng đến 81%.

Các đài truyền hình truyền thống cũng bị ảnh hưởng. Giá cổ phiếu của nhiều chủ sở hữu tài sản truyền hình cáp ở Mỹ giảm mạnh. Chẳng hạn, cổ phiếu của Charter Communications và  Comcast lần lượt giảm 53% và 31% trong năm nay.

Xu hướng từ bỏ truyền hình cáp  hay còn gọi là “cắt cáp” (cord-cutting) đã tăng tốc ở Mỹ. Số lượng đăng ký thuê bao truyền hình trả tiền truyền thống giảm 8,3% trong quí 3-2022 so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu của Ngân hàng Macquarie.

Tim Nollen, nhà phân tích công nghệ truyền thông tại Macquarie, cho biết giá các gói thuê bao tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực thể thao đã phần nào làm giảm tác động của lượng khách hàng sụt giảm.

Ông lưu ý, khi nền kinh tế Mỹ đang hướng đến thời kỳ suy thoái, người tiêu dùng có thể sẽ “cắt cáp” nhiều hơn nữa. Hầu hết các dịch vụ phát trực tuyến đều đang phải gánh chịu những tổn thất rất nặng nề.

Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng đang siết chặt ngân sách quảng bá thương hiệu khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Điều này gây tổn thương cho các các công ty truyền thông tin tức, bao gồm cả mạng lưới truyền hình ITV (Anh), với giá cổ phiếu giảm 36% trong năm nay.

Gần đây, ITV cho biết doanh số quảng cáo trong năm có thể suy giảm so với năm ngoái mặc dù có sự hỗ trợ từ sự kiện World Cup 2022 tại Qatar.

Để đối phó với những thách thức hiện nay, một số công ty lớn trong lĩnh vực truyền thông đang tăng giá dịch vụ, cắt giảm việc làm và có các sáng kiến khác như tung ra các gói thuê bao dịch vụ phát sóng trực tuyến kèm quảng cáo với mức phí rẻ hơn.

Trong một báo cáo công bố trong tuần này, các nhà phân tích của Ngân hàng Morgan Stanley cho rằng, nếu những động thái như vậy không mang lại lợi nhuận “có ý nghĩa” ở dịch vụ phát trực tuyến, các công ty truyền thông buộc phải từ bỏ cuộc chơi hoặc tìm cách sáp nhập đối với dịch vụ này.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới