(KTSG Online) - TSMC (Đài Loan), hãng sản xuất chip gia công lớn nhất thế giới, đang xúc tiến đàm phán với các nhà cung cấp chính về kế hoạch thành lập nhà máy đầu tiên ở châu Âu tại thành phố Dresden của Đức.
- Đài Loan lo mất ‘lá chắn silicon’ khi cả thế giới trải thảm đỏ với TSMC
- Vì sao tỉ phú Warren Buffett đặt cược lớn vào hãng chip TSMC của Đài Loan?
- ‘Cha đẻ’ ngành chip Đài Loan cảnh báo toàn cầu hóa đã đến hồi kết
Nhà máy này, nếu được xây dựng, sẽ cho phép TSMC tận dụng nhu cầu đang bùng nổ từ ngành công nghiệp ô tô của khu vực.
Nikkei Asia hôm 23-12 dẫn các nguồn tin cho hay TSMC sẽ cử một nhóm lãnh lạo cấp cao đến Đức vào đầu năm 2023 để thảo luận về mức độ hỗ trợ của chính phủ Đức cho nhà máy tiềm năng này cũng như năng lực của chuỗi cung ứng địa phương để đáp ứng nhu cầu của TMSC. Đây sẽ là chuyến đi thứ hai đến Đức trong vòng sáu tháng của các lãnh đạo TSMC.
Sau cuộc đàm phán vào đầu năm tới, quyết định cuối cùng về việc TSMC có đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ vào một nhà máy ở Dresden hay không sẽ được đưa ra. Nếu TSMC đồng ý đầu tư, nhà máy này sẽ bắt đầu được xây dựng sớm nhất là vào năm 2024.
Năm ngoái, các khách hàng ở châu Âu đã yêu cầu TSMC xem xét xây dựng một nhà máy sản xuất chip ở khu vực này. Nhưng TSMC đã tạm dừng đánh giá ban đầu cho kế hoạch đó sau khi chiến sự ở Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2.
Tuy nhiên, nhu cầu ngày càng tăng từ các nhà sản xuất ô tô châu Âu đối với nguồn cung chip được sản xuất trong khu vực đã khiến TSMC phải xem xét lại ý tưởng này, các nguồn tin cho biết.
Nếu TSMC quyết định xây dựng nhà máy sản xuất chip ở Đức, điều này sẽ tạo ra một động lực lớn đối với EU, vốn đang chạy đua để cắt giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu chip, thành phần quan trọng trong mọi thứ, từ điện thoại thông minh đến ô tô, từ châu Á. Đầu năm nay, Brussels đã phê duyệt khoản trợ cấp trị giá 43 tỉ euro nhằm thu hút các nhà sản xuất chip đến châu Âu.
Các cuộc đàm phán của TSMC với một số nhà cung cấp vật liệu và thiết bị sẽ tập trung vào việc liệu họ có thể thực hiện các khoản đầu tư cần thiết để hỗ trợ nhà máy tại Đức hay không. Sản xuất chip là một quy trình phức tạp dựa trên hơn 50 loại thiết bị, chẳng hạn như máy in thạch bản và máy khắc, cùng với hơn 2.000 nguyên vật liệu bao gồm hóa chất và khí công nghiệp.
“Chúng tôi sẽ nỗ lực hỗ trợ khách hàng của mình. Chúng tôi sẽ không để họ đi một mình giữa sa mạc”, lãnh đạo của một công ty dự kiến cung cấp vật liệu cho nhà máy chip ở Dresden nói, đồng thời cho biết thêm công ty ông cần có sự hỗ trợ của nhà nước.
Chi phí năng lượng tăng vọt và lạm phát cao hơn cũng thúc đẩy Tập đoàn chip Intel của Mỹ tìm kiếm thêm sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ Đức cho kế hoạch xây dựng nhà máy chip trị giá 17 tỉ euro ở thành phố Magdeburg, phía đông nước Đức.
Các nguồn tin cho biết Intel vẫn cam kết đầu tư vào châu Âu nhưng tập đoàn này muốn nhà máy ở Magdeburg phải có tính cạnh tranh.
Nếu xúc tiến xây dựng nhà máy ở Dresden, TSMC sẽ tập trung vào các công nghệ chip 22 nanometer và 28 nanometer, tương tự như những công nghệ mà công ty dự định sản xuất tại nhà máy đang được phát triển cùng với Sony ở Nhật Bản. Nanometer là đơn vị đo kích thước của mỗi bóng bán dẫn (transistor) trên một con chip. Kích thước bóng bán dẫn càng nhỏ, con chip sẽ càng mạnh và cao cấp hơn.
Điều mà TSMC đang cân nhắc là liệu việc xây dựng một nhà máy ở Dresden có gây căng thẳng cho lực lượng lao động trình độ cao của công ty hay không. TSMC đã cử hàng trăm kỹ sư đến hỗ trợ các nhà máy mới mà công ty đang xây dựng ở Mỹ. Nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới cũng cho biết cần triển khai thêm 500-600 kỹ sư để hỗ trợ thiết lập nhà máy ở Nhật Bản.
Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi chiếm khoảng 6% doanh số bán hàng toàn cầu của TSMC. Con số này chỉ là một phần nhỏ trong 65% doanh số toàn cầu mà TSMC thu được từ thị trường Bắc Mỹ.
Người phát ngôn của TSMC nói rằng không loại trừ khả năng nào liên quan đến kế hoạch xây dựng nhà máy chip ở Dresden.
Động thái mở rộng sự hiện diện ở nước ngoài của TSMC diễn ra khi các nhà sản xuất chip toàn cầu như Intel và Samsung cũng chạy đua mở rộng công suất. Ba nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới này đã cam kết đầu tư tổng cộng ít nhất 380 tỉ đô la Mỹ trong thập niên tới để xây dựng các nhà máy mới ở Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Ireland và Israel.
Tại Mỹ, Đạo luật Khoa học và CHIPS, được Tổng thống Joe Biden ký ban hành hồi đầu tháng 8, đã kích hoạt 200 tỉ đô la Mỹ đầu tư từ khu vực tư nhân vào năng lực sản xuất chip của đất nước, theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn, có trụ sở ở Washington.
Tốc độ mở rộng công suất nhanh chóng của các hãng chip hàng đầu thế giới đặt ra câu hỏi về nguy cơ ngành chip đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung nếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
Nhưng với các dự báo cho rằng thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ đạt giá trị 1 nghìn tỉ đô la Mỹ vào năm 2030, các nhà sản xuất chip phải quyết định ngay bây giờ về cách họ sẽ đáp ứng nhu cầu dự kiến đó vì họ sẽ mất nhiều năm để xây dựng một nhà máy quy mô lớn.
Theo Nikkei Asia