(KTSG Online) - Doanh số bán trái phiếu ESG (trái phiếu huy động vốn cho những dự án hướng đến các tiêu chuẩn cao về môi trường, xã hội và quản trị) trên toàn cầu sẽ sụt giảm lần đầu tiên trong năm nay do sự biến động của thị trường và lãi suất cao hơn.
- Cổ phiếu ESG ở châu Á vào tầm ngắm của các quỹ đầu tư
- Đầu tư cho ESG: Thế giới đang sôi sục, nhà đầu tư Việt đã hiểu đến đâu?
Năm tới có thể chứng kiến sự phục hồi nhẹ của trái phiếu ESG nhưng các nhà phân tích cho rằng thị trường này sẽ chưa quay trở lại mức tăng trưởng thần tốc của một thập niên qua, nâng trị giá hạng mục tài sản này lên tổng cộng 5.600 tỉ đô la Mỹ. Điểm sáng duy nhất có thể là châu Á, nơi thị trường trái phiếu ESG chỉ mới phát triển mạnh trong những năm gần đây.
Hiện tại có rất nhiều yếu tố có nguy cơ cản trở trái phiếu ESG, từ quy định quản lý siết chặt hoạt động phát hành trái phiếu này ở châu Âu và phản ứng chính trị chống lại đầu tư ESG ở Mỹ cho đến đến sự soi xét chặt chẽ hơn từ các nhà đầu tư.
Carolyn L. Campbell, nhà chiến lược tại Ngân hàng Morgan Stanley, nói: “Chúng tôi cho rằng những lo ngại về “tẩy rửa xanh” và lãi suất cao hơn sẽ tiếp tục cản trở nguồn cung trái phiếu ESG tổng thể, khiến doanh số vẫn nằm dưới mức cao kỷ lục của năm 2021”.
“Tẩy rửa xanh” ám chỉ đến việc đưa ra tuyên bố không có cơ sở để đánh lừa người tiêu dùng tin rằng sản phẩm của một công ty là thân thiện với môi trường hoặc có tác động môi trường tích cực hơn so với thực tế.
Trong khi các nhà phân tích của Ngân hàng Morgan Stanley và Ngân hàng Barclays dự đoán doanh số bán trái phiếu ESG chỉ đạt chưa đến 1.000 tỉ đô la Mỹ doanh số trong năm 2023, nhiều nhà quan sát thị trường khác không đưa ra dự báo vì tình trạng bất ổn sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra.
Doanh số bán trái phiếu ESG, bao gồm trái phiếu xanh, trên toàn cầu đạt khoảng 870 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, giảm 15% so với mức kỷ lục 1.100 tỉ đô la Mỹ trong năm 2021, theo dữ liệu của Bloomberg Intelligence.
Châu Âu, nơi trái phiếu ESG hiện chiếm 1/4 thị trường sơ cấp, dự kiến sẽ tiếp tục dẫn đầu lĩnh vực này với doanh số khoảng 350 tỉ euro (372 tỉ đô la Mỹ) trong năm tới. Tuy nhiên, ngay cả ở khu vực này, triển vọng trái phiếu ESG cũng đối mặt nhiều thách thức.
Trong một báo cáo mới đây, hai nhà phân tích Christopher Ratti và Remus Negoita của Bloomberg Intelligence cho biết các chính phủ ở châu Âu đã giảm chi tiêu xã hội sau đại dịch Covid-19. Trong khi đó khủng hoảng năng lượng và cơn suy thoái kinh tế đang rình rập, có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách ở khu vực này có thể ưu tiên an ninh quốc gia và thanh khoản tài chính hơn là tính bền vững lâu dài.
Theo các nhà chiến lược của Ngân hàng ING, doanh số bán trái phiếu ESG do các chính phủ và các cơ quan chính phủ ở châu Âu phát hành sẽ chỉ tăng trưởng nhẹ trong năm tới. Họ nhận định hoạt động phát hành trái phiếu ESG của các tổ chức tài chính ở châu Âu sẽ chững lại.
Stephan Kippe, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường trái phiếu khu vực đồng tiền chung euro (eurozone) ở Ngân hàng Commerzbank (Đức), nhận định tăng trưởng trong phân khúc trái phiếu này dường như khó xảy ra nếu không có bất kỳ sự kiện bất ngờ nào, chẳng hạn như EU hoặc các nước thành viên sử dụng trái phiếu ESG như một phương tiện để huy động vốn cho các biện pháp hỗ trợ chi phí năng lượng.
Các cơ quan quản lý cũng đang trở nên cứng rắn hơn khi họ tìm cách ngăn chặn hành vi “tẩy rửa xanh” sau khi các công ty, từ chuỗi bán lẻ Tesco đến hãng thời trang Chanel, bị chỉ trích vì đặt ra các mục tiêu thổi phồng khi bán trái phiếu ESG. Các nhà lập pháp ở châu Âu muốn các kế hoạch bảo vệ khí hậu phải là điều bắt buộc đối với tất cả các tổ chức phát hành trái phiếu ESG.
Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA), có trụ sở ở London, cho biết tác động tiềm ẩn của việc thắt chặt quản lý đối với thị trường trái phiếu bền vững và vị trí dẫn đầu rõ ràng của châu Âu đối với thị trường này chưa được đánh giá kỹ lưỡng.
Tại Mỹ, thị trường trái phiếu ESG đang cảm thấy sức nóng từ các các nhà chính trị. Các quan chức Đảng Cộng hòa đã chỉ trích gay gắt khái niệm đầu tư ESG. Họ lo ngại trào lưu đầu tư này sẽ khiến nguồn vốn dành cho các công ty sản xuất nhiên liệu hóa thạch truyền thống bị cắt giảm. Kể từ đầu năm nay, các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã đưa ra hơn 40 dự luật mới ở 17 tiểu bang để hạn chế các hoạt động kinh doanh bền vững hoặc dựa trên đạo đức.
Theo ngân hàng BNP Paribas, nhà thu xếp các đợt phát hành trái phiếu xanh lớn nhất toàn cầu trong năm nay, động thái giám sát chặt chẽ có thể làm trì hoãn hoặc ảnh hưởng đến doanh số phát hành trái phiếu ESG.
Anne van Riel, người đứng đầu thị trường vốn tài chính bền vững ở châu Mỹ tại BNP Paribas, cho biết các giao dịch ESG đã chỉ mất vài tuần để thu xếp vào năm 2021 hiện đang mất hàng tháng, đặc biệt là đối với các trái phiếu liên quan đến tính bền vững.
Theo Emily Weng, thành viên của nhóm chịu trách nhiệm về thị trường trái phiếu được dán nhãn ESG tại quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock, những nỗ lực siết chặt hoạt động quản lý có nghĩa là các bên liên quan phải thẩm định trái phiếu ESG để đảm bảo chúng thực sự xanh.
Bức tranh thị trường trái phiếu ESG của Mỹ và châu Âu tương phản với châu Á, nơi doanh số bán trái phiếu ESG dự kiến sẽ tiếp tục tăng từ mức cơ sở thấp hơn. Trên thực tế, BNP Paribas kỳ vọng Trung Quốc sẽ là động lực chính cho tăng trưởng trái phiếu xanh nhờ chính sách hỗ trợ địa phương và sự đồng bộ gần đây của quy tắc phát hành trái phiếu xanh trong nước với các tiêu chuẩn quốc tế.
Doanh số phát hành phiếu xanh ở Trung Quốc đã tăng lên 90 tỉ đô la Mỹ trong năm nay từ khoảng 68 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021, theo dữ liệu của Bloomberg Intelligence.
BNP Paribas cũng kỳ vọng doanh số bán trái phiếu xanh ở phần còn lại của châu Á sẽ tăng 10% trong năm 2023, với Ấn Độ đang có kế hoạch phát hành trái phiếu xanh có chủ quyền đầu tiên vào năm tới.
Tại Nhật Bản, trái phiếu ESG định danh bằng đồng yen từ những bên đi vay trong nước đã tăng khoảng 50% lên khoảng 3 nghìn tỉ yen (23 tỉ đô la Mỹ) trong năm nay và hiện chiếm gần 1/4 doanh số bán trái phiếu doanh nghiệp ở Nhật Bản, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.
Kazuyuki Aihara, người đứng đầu các sản phẩm tài chính bền vững tại Nomura Securities Co., nói: “Năm tới, doanh số bán trái phiếu ESG ở Nhật Bản có thể tăng thêm 1 nghìn tỉ yen so với mức của năm nay”.
Theo Bloomberg