Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt: linh hoạt để phù hợp với những yêu cầu mới

Quỳnh Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi gọi tắt là Luật số 03/2022/QH15 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2022) đã có một số điều chỉnh về mức thuế suất đối với Biểu thuế TTĐB (cụ thể là đối với ô tô chạy điện) theo hướng giảm mạnh mức thuế trong vòng 4 năm để khuyến khích các dòng xe thân thiện môi trường.

Tuy nhiên, đối với danh mục các loại hàng hóa xa xỉ chịu thuế TTĐB hoặc không khuyến khích tiêu dùng, nhiều loại sẽ được điều tiết theo hướng tăng lên linh hoạt và phù hợp.

Linh hoạt với thuế TTĐB

Cách đây khoảng một tháng (22-11-2022), Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 2438/QĐ-BTC về “Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025” với nội dung cải cách chính sách thuế TTĐB sẽ đi theo lộ trình sau: điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế.

Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB để điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng trong xã hội cũng như định hướng của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, rà soát để điều chỉnh mức thuế tiêu thụ đặc biệt một số mặt hàng để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Ngoài ra, nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 7 Luật thuế TTĐB, mức thuế TTĐB áp dụng đối với thuốc lá là 75%; rượu từ 35 - 65%; bia là 65%.

Bằng việc điều chỉnh giảm thuế TTĐB riêng với ô tô điện trong vòng 4 năm (2022-2027) từ mức 25% xuống còn 3%, đồng thời sửa đổi tăng thuế với các mặt hàng như thuốc lá, rượu bia, biểu thuế suất TTĐB đang ngày càng tiến gần đến sự phù hợp.

Riêng vấn đề nghiên cứu áp dụng cách tính thuế mới với các loại hàng hóa xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng trong danh mục chịu thuế theo hướng áp thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và thuế suất tuyệt đối trong danh mục chịu thuế, đang còn nhiều cân nhắc khác nhau.

Đối với mặt hàng thuốc lá, hiện đang chịu mức thuế suất cao nhất trong danh mục lên đến 75%, việc tiếp tục điều chỉnh theo hướng tăng thuế để hạn chế tiêu dùng là cần thiết.

Các hội thảo cải cách thuế TTĐB luôn thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp chịu thuế và Hiệp hội tư vấn thuế.

Theo báo cáo mới nhất được công bố bởi Công ty TNHH kiểm toán PwC Việt Nam: “Nghiên cứu về hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)”, cho rằng việc cải cách thuế TTĐB đối với thuốc lá tại Việt Nam là cần thiết. Đối với thuốc lá, việc nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (%) và thuế suất tuyệt đối (tính chung là thuế hỗn hợp) đối với thuốc lá cũng là định hướng mà Chính phủ đã đưa ra trong chiến lược và kế hoạch cải cách hệ thống thuế Việt Nam, phù hợp với xu hướng thế giới đang áp dụng.

Hướng tới lộ trình tính thuế TTĐB cụ thể, phù hợp

Theo đánh giá của PwC Việt Nam, một cơ cấu thuế hiệu quả là cơ cấu có khả năng cân bằng các mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và tạo ra nguồn thu thuế bền vững đồng thời kiểm soát được việc tiêu dùng bất hợp pháp.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán và Tư vấn PwC Việt Nam cho hay, trong 3 phương thức đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hiện phổ biến trên thế giới, số quốc gia chọn đánh thuế tuyệt đối nhiều nhất (66 quốc gia), tiếp đến là thuế hỗn hợp (61 quốc gia) và thuế theo tỷ lệ phần trăm (47 quốc gia) xét tại thời điểm năm 2018.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân (Tổng Giám đốc Công ty PwC) chia sẻ những nghiên cứu về Thuế TTĐB tại một hội thảo tại Hà Nội hồi đầu năm 2022.

Với cơ cấu thuế tuyệt đối, khoảng cách giá giữa các sản phẩm cao cấp và giá thấp hơn sẽ được thu hẹp hơn, từ đó tạo động lực giảm sử dụng các sản phẩm chất lượng thấp hơn với giá rẻ. Xu hướng này có thể thấy ở 21 quốc gia EU áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp (chi phối bởi thành phần thuế tuyệt đối).

PwC Việt Nam đã nêu một số phương án cải cách cơ cấu thuế TTĐB cùng với lộ trình thực hiện trong thời gian ngắn hạn và định hướng dài hạn.

Theo đó, phương án 1 là chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp sau đó tăng dần thành phần tuyệt đối và giảm dần thành phần tương đối. Trong tương lai, khi phù hợp sẽ chuyển sang hệ thống thuế tuyệt đối đơn bậc; phương án 2 là chuyển sang hệ thống thuế tuyệt đối đa bậc (ví dụ: 4 bậc). Sau đó thu hẹp dần số bậc để trở thành hệ thống tuyệt đối đơn bậc.

Mỗi phương án nêu trên đều có những ưu và nhược điểm riêng, nhưng nhìn chung, PwC Việt Nam cho rằng phương án 1 là phương án hợp lý hơn cho Việt Nam. Phương án này cũng phù hợp với định hướng cải cách của Bộ Tài chính.

Điểm khác biệt chính là thay vì tăng thuế một cách đột ngột, mức tăng thuế được thực hiện dần theo lộ trình để doanh nghiệp và thị trường thích ứng dần dần.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, phương án sửa đổi nên theo lộ trình, trong đó hai năm đầu thực hiện phương pháp thuế hỗn hợp – bao gồm tương đối và tuyệt đối, tiếp đến sẽ nâng dần theo lộ trình 2 năm tiếp theo.

Về lâu dài, Báo cáo của PwC Việt Nam đề xuất Việt Nam tiến dần đến một hệ thống thuế tuyệt đối sau 10 hoặc 15 năm. Bởi cơ cấu thuế tuyệt đối là một cơ cấu thuế ưu việt hơn so với cơ cấu thuế hỗn hợp hoặc cơ cấu thuế theo tỷ lệ phần trăm, vì việc thu thuế sẽ dựa trên sản lượng thuốc lá tiêu thụ. Cơ cấu thuế tuyệt đối cũng giúp tránh được vấn đề chênh lệch giá lớn giữa giá xuất xưởng và giá bán lẻ.

Trong bối cảnh chung của Việt Nam hiện nay, bà Đinh Thị Quỳnh Vân đề xuất, cần tăng thuế có lộ trình, minh bạch, mức tăng nên cao hơn tỷ lệ lạm phát.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới