(KTSG Online) - Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mức phát thải các-bon bằng 0 vào năm 2050. Nguồn vốn đóng một vai trò then chốt trong việc đạt được những mục tiêu này. Trong đó, các tổ chức tài chính đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
Ngày càng có nhiều các tổ chức tài chính áp dụng các tiêu chuẩn về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) vào hoạt động đầu tư cũng như thúc đẩy nguồn vốn vào các hoạt động kinh doanh có yếu tố bền vững.
Standard Chartered Việt Nam là một ngân hàng luôn đi đầu trong việc cung cấp nguồn vốn phục vụ cho phát triển bền vững, tập trung vào các thị trường đang nổi như Việt Nam - từ việc huy động nguồn vốn cho phát triển kinh tế, đưa ra ưu đãi cho các khoản vay xanh cho đến tạm dừng cấp vốn cho các nhà máy điện than trên thế giới.
“Chúng tôi luôn nỗ lực cung cấp nguồn vốn cần thiết phục vụ cho các sáng kiến mang đến nguồn năng lượng sạch cho người dân, thúc đẩy giao thông không phát thải các-bon và giảm thiểu phát thải các-bon trong lĩnh vực sản xuất”, bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, chia sẻ.
Đầu năm 2022, Standard Chartered đã cung cấp khoản tài trợ thương mại liên kết bền vững bằng đô la Mỹ (USD) cho Công ty TNHH Sản phẩm Giấy Leo Việt Nam (“Leo Việt Nam”). Theo đó, Ngân hàng cung cấp hạn mức tín dụng trị giá 13,5 triệu đô la Mỹ cho Leo Việt Nam nhằm đáp ứng các nhu cầu về vốn lưu động của công ty. Leo Việt Nam cam kết sẽ giảm khối lượng chất thải nguy hại và tổng khối lượng chất thải xuống mức cam kết trong khoảng thời gian nhất định. Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam sẽ có những ưu đãi về tài chính cho Leo Việt Nam nếu công ty đạt được các mục tiêu bền vững đã đề ra.
Bên lề của Hội nghị COP26 năm 2021, Ngân hàng đã trao biên bản ghi nhớ với tổng giá trị 8,5 tỉ đô la Mỹ cho 3 doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ các dự án bền vững. Ngân hàng cũng hợp tác với các ngân hàng lớn trong nước để thu xếp vốn cho một số dự án năng lượng gió tại Việt Nam. Trong năm 2022, Ngân hàng đã và đang tích cực triển khai các biên bản ghi nhớ nêu trên để cung cấp vốn cho các dự án phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Giám đốc điều hành khối doanh nghiệp và các định chế tài chính, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, chia sẻ: “Đây là một những nỗ lực của chúng tôi nhằm hỗ trợ khách hàng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua các giải pháp tài chính. Chúng tôi cam kết đóng góp vào quá trình phát triển bền vững của Việt Nam và sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các khách hàng và đối tác để cung cấp nguồn vốn cần thiết cho những lĩnh vực mang lại những tác động tích cực nhất.”
Hồi tháng 9 vừa qua, Standard Chartered Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký Biên bản ghi nhớ về ứng phó với biến đổi khí hậu dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Trần Hồng Hà và ông Bill Winters, Tổng giám đốc toàn cầu của Ngân hàng Standard Chartered, nhân dịp ông có chuyến thăm sang Việt Nam.
Nội dung hợp tác tập trung vào các hoạt động tăng cường năng lực và hỗ trợ triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu; thu hút khu vực tư nhân triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển các chương trình về tài chính chuyển đổi, tài chính xanh, bền vững và thúc đẩy phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.
Ngân hàng cũng ký Khuôn khổ hợp tác với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về bình đẳng giới dưới sự chúng kiến của Phó Thống đốc Đào Minh Tú và Tổng Giám đốc toàn cầu ông Bill Winters. Khuôn khổ hợp tác bao gồm việc tổ chức các hội thảo thường niên chia sẻ góc nhìn toàn cầu về các chủ đề phụ nữ làm lãnh đạo và nâng cao kỹ năng của phụ nữ, triển khai các chương trình trách nhiệm xã hội nhằm hỗ trợ những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và những bài học về thúc đẩy sự đa dạng và hòa đồng.
Hồi tháng 2-2022, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và Bộ Ngoại giao đã phối hợp tổ chức Tọa đàm: “Triển vọng kinh tế năm 2022 và Chính sách Tài chính xanh” tại Hà Nội, thảo luận về các xu hướng tài chính xanh trong khu vực và trên thế giới, những cách thức giúp Việt Nam huy động các nguồn tài chính xanh cũng như các giải pháp và khuyến nghị chính sách về tài chính xanh để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Tọa đàm có sự tham dự của đại diện các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, các địa phương, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đại diện các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế... cùng nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.
Trong lĩnh vực bán lẻ, Standard Chartered Việt Nam là một trong những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai sản phẩm vay mua nhà xanh và dòng thẻ tín dụng và ghi nợ làm từ vật liệu các-bon trung tính. Đây là một trong số nhiều sản phẩm mà Ngân hàng đã và sẽ ra mắt để khuyến khích khách hàng thực hiện phong cách sống xanh và tạo ra những tác động tích cực lên môi trường.
Mới đây, Standard Chartered Việt Nam đã được Tạp chí Asiamoney vinh danh là Ngân hàng phát triển bền vững tốt nhất Việt Nam năm 2022.
“Chúng tôi đặt mục tiêu đưa mức phát thải các-bon bằng 0 từ hoạt động vận hành của Ngân hàng vào năm 2030 và từ hoạt động cho vay vào năm 2050. Chúng tôi sẽ nỗ lực để đảm bảo đạt được các mục tiêu này song song với việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự thịnh vượng trong cộng đồng. Chúng tôi đã và đang tạo ra những tác động tích cực tại Việt Nam thông qua việc cung cấp nguồn vốn cho những khu vực mang lại những tác động tích cực nhất, tập trung vào các yếu tố ESG.” bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, chia sẻ.
Hiện tại, Standard Chartered Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (Britcham) đang phối hợp tổ chức chuỗi hội thảo trực tuyến nhằm thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam và ứng dụng các tiêu chí ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) trong doanh nghiệp.
Các sự kiện này bao gồm 6 buổi hội thảo trực tuyến, tập trung các chủ đề liên quan đến ESG và phát triển bền vững nhằm giúp các doanh nghiệp vạch ra chiến lược hiệu quả cho mục tiêu phát triển bền vững.