Thứ Bảy, 17/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tỷ giá một năm nhìn lại: giảm nhiệt nhưng chưa giảm lo

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tỷ giá năm 2022 có lúc lập đỉnh mới khi đồng đô la Mỹ tăng mạnh mẽ, nhưng đã hạ nhiệt vào cuối năm. Về bức tranh tỷ giá năm sau, hầu hết các chuyên gia cho rằng áp lực lên tiền đồng chưa kết thúc nhưng sẽ “nhẹ nhàng” hơn.

Tỷ giá tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó trong nửa cuối năm 2022. Ảnh minh hoạ: L.Vũ.

Đảo chiều mạnh vào cuối năm

Giữ ổn định tỷ giá là một bài toán khó mà Ngân hàng Nhà nước năm nay đối mặt, bên cạnh câu chuyện của việc điều hành tín dụng và giữ vững thanh khoản hệ thống.

Có thời điểm tiền đồng giảm khoảng 8,5% so với đô la Mỹ, nhưng vào cuối năm, mức giảm chỉ còn về gần 4%. Con số này cho thấy áp lực tỷ giá đã giảm đáng kể trong bối cảnh bức tranh tài chính toàn cầu vẫn còn nhiều biến động lớn.

Tỷ giá ghi nhận tiếp tục giảm mạnh trong những tuần cuối cùng của năm 2022. Tính đến chiều ngày 30-12, tỷ giá thị trường phi chính thức được chào ở mức 23.697 đồng/đô la chiều mua vào và 23.767 đồng/đô la chiều bán ra, tức giảm mạnh gần 7% so với con số đỉnh được lập vào đầu tháng 11.

Tương tự, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng cũng giao dịch khá ổn định trong tuần cuối của năm và tiếp tục xu hướng giảm. Tại Vietcombank, tỷ giá niêm yết ngày cuối năm là 23.730 đồng/đô la, giảm mạnh khoảng 4,6% so với mức đỉnh gần nhất. Còn tỷ giá trung tâm niêm yết tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cuối năm là 23.612 đồng/đô la.

Tính đến cuối năm, tỷ giá trung tâm tăng gần 2,4% so với hồi đầu năm, còn tỷ giá niêm yết tại Vietcombank tăng 3,5%.

Sau giai đoạn đi ngang khá ổn định trong giai đoạn 2018-2021, thậm chí có năm tỷ giá còn giảm, tiền đồng bắt đầu mất giá đáng kể trong nửa cuối năm 2022 dưới áp lực tăng lãi suất đồng đô la Mỹ.

Sức mạnh đồng đô la tăng nhanh khiến nhiều đồng tiền trên thế giới mất giá mạnh, Việt Nam không ngoại lệ dù mức giảm giá tiền đồng thuộc vào nhóm thấp nhất thế giới. Nguồn: MBS.

Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) năm lần nâng lãi suất đồng đô la để kiềm chế lạm phát đang tăng nhanh. Hệ quả là chỉ số DXY, đo lường sức mạnh đồng đô la với rổ ngoại tệ mạnh, lập mức cao kỷ lục kể từ khi ra đời năm 2002.

Để ứng phó, NHNN thực hiện nhiều giải pháp như bán ngoại tệ từ quỹ dự trữ ngoại hối. Theo Công ty chứng khoán KBSV, ước tổng lượng ngoại tệ đã bán khoảng 25 tỉ đô la (trong đó 18 tỉ đô đã thực hiện và khoảng 7 tỉ đô bán kỳ hạn).

Bên cạnh đó, các giải pháp khác cũng lần lượt được thực hiện như tăng biến độ tỷ giá giao ngay từ mức 3% lên 5%, nhưng đáng kể là hai lần liên tục tăng lãi suất 2 điểm phần trăm trong vòng một tháng.

“Nhìn chung, tâm lý găm giữ đô la có thể đã được giải tỏa nhờ chênh lệch tăng cao giữa lãi suất huy động tiền đồng và đô la”, khối phân tích của công ty chứng khoán SSI đánh giá.

Bên cạnh đó, theo SSI, tỷ giá cuối năm giảm còn nhờ các yếu tố cơ bản liên quan đến nguồn cung ngoại tệ cũng có nhiều điểm tích cực, chẳng hạn như vốn FDI giải ngân, lượng vốn đầu tư gián tiếp, cán cân thương mại thăng dư hay dòng tiền từ các khoản vay ngoại tệ mới được giải ngân vào cuối năm.

Tỷ giá thị trường tự do bất ngờ tăng mạnh vào thời điểm tháng 10 và 11. Nguồn: MBS.

Mặt khác, một lý do khiến tỷ giá giảm mạnh trong thời gian gần đây còn đến từ các yếu tố bên ngoài.

Bên cạnh diễn biến đi xuống ở mức “vừa phải” của chỉ số DXY giúp giảm áp lực tiền đồng, ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng của VinaCapital, lưu ý thêm về diễn biến đáng chú ý khác về sự song hành tăng giá của đồng nhân dân tệ và cả tiền đồng (đều ở mức 5%) trong hai tuần đầu tiên của tháng 12, dù dưới góc độ kinh tế, chưa rõ vì cơ chế tác động cụ thể dưới góc độ kinh tế.

“Tâm lý thị trường thường lấn át các yếu tố kinh tế trên thị trường ngoại hối và tâm lý tích cực khi Trung Quốc mở cửa trở lại đã dẫn đến sự tăng giá mạnh của đồng nhân dân tệ và tiền đồng. Điều ngược lại xảy ra vào tháng 8-2015, khi đồng nhân dân tệ đột ngột giảm 3%, tiền đồng cũng giảm 3% ngay lập tức, mặc dù Việt Nam được hưởng lợi từ sự mất giá của đồng tiền Trung Quốc”, ông Michael Kokalari bình luận thêm.

Áp lực chưa dừng lại

Hầu hết các chuyên gia đều đồng thuận rằng diễn biến tỷ giá năm nay sẽ phụ thuộc chủ yếu vào động thái của Fed. Trong một kịch bản cơ sở, tỷ giá vẫn ổn định ở mức tăng phổ biến khoảng 2-3% như ở giai đoạn trước đây.

“Giai đoạn này diễn biến thị trường ngoại hối sẽ tiếp tục có mức độ phụ thuộc lớn vào diễn biến thị trường thế giới”, theo báo cáo chiến lược của công ty chứng khoán VCBS nhận định.

Áp lực trên thị trường ngoại hối cũng đè lên các ngân hàng thương mại khi tỷ giá thị tại các ngân hàng liên tục đụng mức trần quy định, dù NHNN nới biến độ, tăng giá mua ngoại tệ và tỷ giá trung tâm. Nguồn: VCBS.

Mặt khác, áp lực ngoại hối có thể trở lại nhưng khó có thể ở mức tiêu cực như trong năm 2022 vì sức ép cũng đã giảm dần.

“Theo kế hoạch, Fed vẫn sẽ tăng thêm lãi suất trong năm 2023, tuy nhiên áp lực sẽ nhẹ hơn do đô la đã chững đà tăng so với hầu hết các đồng tiền khác, bao gồm cả tiền đồng”, báo cáo chiến lược của Công ty chứng khoán MBS nhận định.

Khối phân tích của MBS cũng cho rằng trong năm 2023, tiền đồng dự kiến mất giá khoảng 2% trong bối cảnh Fed sẽ dừng tăng lãi suất vào sau thời điểm tháng 3-2023.

Ở phía cơ quan quản lý, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (NHNN) cho rằng việc Việt Nam rất khó đi ngược dòng chảy chung của thế giới, khi Fed sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất.

“Mặc dù sức ép đã giảm đi nhưng chưa thể chủ quan, đồng đô la sẽ còn nhiều biến động nếu lạm phát kinh tế mỹ không được kiểm soát. NHNN tiếp tục kiên định mục tiêu duy trì ổn định của thị trường ngoại tệ, có thể quay lại mua ngoại hối khi điều kiện thị trường thuận lợi”, ông Quang chia sẻ thêm về chính sách ngoại hối trong cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng vào cuối tháng 12.

Vào giữa tháng 12, NHNN công bố giá mua ngoại tệ can thiệp thị trường với hình thức mua ngay tại mức giá 23.450 đồng/đô la, thấp hơn đáng kể tỷ giá đang giao dịch tại các ngân hàng thương mại. Động thái này tiếp tục ổn định tâm lý kỳ vọng mất giá tiền đồng trong hai tuần cuối của năm.

Tuy nhiên, sức ép mất giá tiền đồng còn đến từ giá hàng hoá bên ngoài leo thang, bên cạnh câu chuyện tăng lãi suất. Cùng với đó, câu chuyện xuất khẩu tăng chậm trong bối cảnh nhu cầu quốc tế suy yếu, cũng sẽ đặt áp lực thách thức đến dòng chảy ngoại tệ trong năm sau.

“Các yếu tố bên ngoài đã trở nên thuận lợi hơn trong những tuần gần đây, với việc Fed nhiều khả năng giảm tốc độ điều chỉnh tăng lãi suất và áp lực tỷ giá ngoại tệ dịu bớt. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản tăng càng chứng minh chu kỳ tăng lãi suất của NHNN vẫn đang trên đà diễn ra”, báo cáo kinh tế khu vực ASEAN công bố đầu tháng 12 của HSBC nhận định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới