Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hàn Quốc lo thất thế trong cuộc chiến chip toàn cầu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nghị sĩ Yang Hyang-ja, Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về bán dẫn của đảng cầm quyền Quyền lực nhân dân (PPP) ở Hàn Quốc, cảnh báo đất nước đang thất thế trong cuộc chip toàn cầu. Bà đưa ra cảnh báo này khi nhiều công ty sản xuất chip Hàn Quốc triển khai kế hoạch xây dựng nhà máy ở Mỹ và mang theo đội ngũ kỹ sư ưu tú. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đang cung cấp tài chính và chính sách hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp chip trong nước.

Yang Hyang-ja, Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về bán dẫn của đảng cầm quyền PPP ở Hàn Quốc, trả lời phỏng vấn Korea Herald tại văn phòng của bà ở Seoul hôm 29-12. Ảnh: Korea Herald

Trong ba thập niên làm việc tại Tập đoàn điện tử Samsung Electronics, Yang Hyang-ja đã giúp định hình vị thế thống trị hiện tại của tập đoàn 84 tuổi này trong lĩnh vực sản xuất chip nhớ toàn cầu. Giờ đây, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về bán dẫn của đảng PPP, bà đang đối mặt với một thách thức lớn hơn nhiều: đảm bảo Hàn Quốc vẫn duy trì vị thế dẫn đầu khi Mỹ và Trung Quốc đang lao vào cuộc chiến giành quyền thống trị bán dẫn.

Yang, người đã thăng tiến từ vị trí trợ lý nghiên cứu tại Samsung Electronics lên vai trò Phó chủ tịch Nhóm thiết kế chip flash ở mảng kinh doanh chip nhớ của tập đoàn này, là kiến trúc sư chính của nỗ lực quốc gia nhằm tài trợ và thúc đẩy ngành công nghiệp chip trong nước.

Trong cuộc trò chuyện với Bloomberg mới đây, bà nhấn mạnh sứ mệnh của bà đang ngày càng trở nên quan trọng khi Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đổ hàng tỉ đô la Mỹ để xây dựng chuỗi cung ứng chip của riêng họ, làm mờ nhạt vai trò trong tương lai của Hàn Quốc ở lĩnh vực bán dẫn.

Bà nói việc duy trì ưu thế trong ngành công nghiệp chip là vấn đề an ninh quốc gia khi Washington và Bắc Kinh đang thu hút tài năng và cung cấp tiền bạc cũng như hỗ trợ chính sách cho sự phát triển của các phiến silicon để vận hành các công nghệ tương lai từ trí tuệ nhân tạo, vũ trụ ảo (metaverse) cho thế hệ tiếp theo của máy tính và đặc biệt là năng lực quân sự.

“Chúng tôi đang trong cuộc chiến chip. Nắm giữ ưu thế về công nghệ là cách mà đất nước chúng tôi có thể dẫn đầu trong bất kỳ chương trình nghị sự nào liên quan đến an ninh, chẳng hạn như các vấn đề ngoại giao và quốc phòng, mà không bị các nước khác chi phối”, Yang Hyang-ja nói.

Ủy ban đặc biệt về bán dẫn gồm 13 thành viên của đảng cầm quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol được thành lập năm ngoái để tìm giải pháp giúp củng cố năng lực cạnh tranh chip của Hàn Quốc. Yang Hyang-ja lập luận rằng chỉ thông qua sự can thiệp mạnh mẽ và trực tiếp, Seoul mới có thể nâng cao vị thế của mình trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu trị giá 550 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Bà là một trong số các nhà hoạch định chính sách toàn cầu theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ công nghệ sau khi các gián đoạn chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch Covid-19 làm nổi bật sự phụ thuộc lẫn nhau của các nước đối với các linh kiện điện tử quan trọng.

Tổng thống Yoon Suk-yeol đã cùng góp tiếng nói với Yang Hyang-ja để kêu gọi đưa ra nhiều chính sách hơn, hỗ trợ các nhà sản xuất chip trong nước, dẫn đầu là Samsung và SK Hynix.

Nhưng những nỗ lực của bà đã không đạt kỳ vọng. Tháng trước, quốc hội Hàn Quốc đã thông qua Đạo luật K-Chips, một phiên bản tương tư như Đạo luật Khoa học và CHIPS của Mỹ.

Đạo luật này, do Yang Hyang-ja đề xuất, được thiết kế để giúp thúc đẩy nhanh quá trình phê duyệt xây dựng các nhà máy ở khu vực đô thị, đồng thời tăng số lượng trường đào tạo công nghệ. Đạo luật cung cấp khoản tín dụng thuế 8% cho các công ty lớn đầu tư vào sản xuất chất bán dẫn. Con số này thấp hơn nhiều so với đề xuất tín dụng thuế 20-25% của Yang Hyang-ja.

Bà cho biết các ưu đãi của Hàn Quốc đối với ngành công nghiệp bán dẫn kém xa với khoản  trợ cấp hàng chục tỉ đô la mà các nước khác đang cam kết phân bổ cho hoạt động sản xuất chip. Đạo luật Khoa học và CHIPS của Mỹ phân bổ khoản trợ cấp 52,7 tỉ đô la cho các hoạt động nghiên cứu và sản xuất chip ở trong nước và khoản tín dụng thuế đầu tư trị giá 24 tỉ đô la dành cho các công ty đầu tư vào thiết bị sản xuất chip và xây dựng nhà máy chip mới.

Đài Loan, quê hương của hãng chip lớn nhất thế giới TSMC, đang xem xét tăng mức giảm thuế từ 15% hiện tại lên 25% cho các công ty tăng cường chi tiêu nghiên cứu và phát triển công nghệ. Trong khi đó, Nhật Bản có kế hoạch trợ cấp 476 tỉ yen (3,6 tỉ đô la) để thu hút TSMC đầu tư xây dựng nhà máy ở nước này.

Bà Yang Hyang-ja cho rằng những tính toán về lợi ích chính trị ngắn hạn đã che khuất tầm nhìn xa rộng của các nhà lập pháp Hàn Quốc. Ngược lại, một số nghị sĩ Hàn Quốc lo ngại các ưu đãi quá hào phóng cho ngành bán dẫn sẽ đe dọa tài chính của chính phủ và chỉ mang lại lợi ích cho các công ty lớn.

Yang Hyang-ja cho biết thêm nhiều công ty Hàn Quốc có thể chuyển các cơ sở sản xuất chính của họ sang Mỹ và mang theo những kỹ sư giỏi nhất của họ. Samsung dự định xây dựng một nhà máy chip trị giá 17 tỉ đô la ở bang Texas trong 3 năm tới, đồng thời trình bày kế hoach đầu tư gần 200 tỉ đô la để xây dựng 11 nhà máy chip ở bang này trong những thập niên tới.

Yang Hyang-ja tin rằng Hàn Quốc vẫn có cơ hội để chống lại xu hướng này. Đài Loan sản xuất phần lớn các chip cao cấp sử dụng ở iPhone, máy chủ và siêu máy tính mới nhất. Điều này khiến những nước như Mỹ kêu gọi đa dạng hóa sản xuất khỏi một hòn đảo mà Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền và sẵn sàng sử dụng vũ lực để thống nhất.

“Samsung là công ty duy nhất trên thế giới có thể thay thế TSMC”, Yang Hyang-ja nói.

Bà nhấn mạnh đây là thời điểm để cung cấp nhiều ưu đãi hơn cho các công ty chip Hàn Quốc, giúp họ xây dựng năng lực sản xuất trong nước thay vì ở nước ngoài. Bà cũng kêu gọi chính phủ làm nhiều hơn nữa để giữ chân nhân tài trẻ.

Trong một cuộc phỏng vấn khác với tờ Korea Herald hôm 29-12, bà Yang Hyang-ja cho rằng duy trì lợi thế cạnh tranh trong lĩng vực chip là vấn đề sống còn đối với Hàn Quốc trong bối cảnh bức tranh địa chính trị thay đổi nhanh chóng và căng thẳng Mỹ-Trung leo thang.

Bà nói: “Người chiến thắng trong cuộc chiến chip toàn cầu sẽ kiểm soát trật tự an ninh kinh tế, trong khi kẻ thua cuộc sẽ trở thành thuộc địa của công nghệ. Khi sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, Hàn Quốc phải bảo vệ ưu thế chip của mình trên thị trường toàn cầu”.

Theo Bloomberg, Korea Herald

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới