Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhen nhóm hy vọng khi các hãng ô tô quay lại sản xuất tại Việt Nam

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trái với việc chuyển sang nhập ô tô nguyên chiếc hoặc thu hẹp quy mô lắp ráp, các doanh nghiệp ô tô gần đây đã khánh thành thêm nhà máy, lắp đặt dây chuyền mới hay tăng thêm dòng sản phẩm tại Việt Nam.

Điều này dẫn đến sự kỳ vọng ngành công nghiệp ô tô trong nước có thể phát triển dù 4-5 năm trước đó các liên doanh có động thái thoái lui khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước trong khu vực ASEAN giảm còn 0% vào năm 2018.

Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Đi theo sự đắt hàng của các dòng xe phổ thông

Những ngày cuối cùng của năm 2022, Toyota Việt Nam đưa thêm dây chuyền sản xuất 2 dòng xe mới là Veloz Cross và Avanza Premio vào hoạt động, thay cho việc nhập khẩu xe nguyên chiếc từ nhà máy Toyota ở Indonesia về như thời gian qua.

Tại buổi lễ xuất xưởng xe Veloz Cross và Avanza Premio, ông Hiroyuki Ueda, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam, cho rằng: “Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu bước phát triển lớn của Toyota tại Việt Nam, đồng thời là sự khẳng định mạnh mẽ cam kết thúc đẩy sản xuất trong nước của chúng tôi, qua đó, đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và đất nước Việt Nam”.

Không chỉ đưa mẫu xe Avanza và Veloz vào lắp ráp ở nhà máy Việt Nam, trước đó Toyota Việt Nam cũng cho lắp ráp mẫu xe đa dụng Fortuner đa dụng trở lại ở nhà máy Vĩnh Phúc sau khoảng 2 năm chuyển sang nhập nhập nguyên chiếc từ Indonesia. Việc lắp ráp Fortuner trở lại vào năm 2019 theo hãng xe đến từ Nhật Bản này lý giải là nhằm giúp Toyota Việt Nam chủ động hơn về nguồn cung, đáp ứng kịp thời nhu cầu vì Fortuner là mẫu xe vốn “ăn khách” trong nhiều năm qua.

Trong khi đó, Ford Việt Nam bắt đầu từ tháng 10 vừa qua lần đầu tiên lắp ráp dòng xe C-SUV mới nhất Territory tại nhà máy ở Hải Dương, nối tiếp mẫu xe bán tải Ranger thay cho nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan trước đó.

Để lắp ráp 2 mẫu xe này, năm 2020, Ford Việt Nam nhận được gói đầu tư mở rộng trị giá hơn 2.000 tỉ đồng để nâng cấp nhà máy Ford Hải Dương, đưa công suất từ 14.000 xe/năm lên mức 40.000 xe/năm với 2 ca làm việc mỗi ngày. “Dây chuyền lắp ráp được nâng cấp cho phép nhà máy Ford Hải Dương lắp ráp những dòng xe hiện đại, tiêu biểu như Ranger và Territory thế hệ mới, cùng với đó là sẵn sàng cho các dòng sản phẩm trong tương lai”, ông Ruchik Shah, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam, chia sẻ và cho biết: “Đến nay tỷ trọng xe lắp ráp trong nước đã chiếm ưu thế với hơn 70% trong tổng sản lượng bán ra của Ford tại Việt Nam, tạo ra nhiều việc làm trực tiếp, gián tiếp, cũng như đóng góp vào ngân sách của địa phương”.

Gói đầu tư mở rộng được phân bổ trên hầu hết mọi công đoạn của nhà máy, bao gồm việc xây mới xưởng hàn thân xe và xưởng sơn hiện đại có mức độ tự động hóa cao. Bên cạnh đó việc điều chỉnh xưởng lắp ráp hoàn thiện và sắp xếp lại khu vực hậu cần, vật tư nhằm tăng cường tính hiệu quả của sản xuất và nâng cao chất lượng các sản phẩm lắp ráp tại nhà máy.

Tuy nhiên, đáng chú ý là thương hiệu ô tô Hàn Quốc Hyundai ngày càng đẩy mạnh lượng xe lắp ráp ở Việt Nam. Cụ thể Tập đoàn Thành Công (TC Group) và Tập đoàn Ô tô Hyundai vào tháng 11-2022 đã khánh thành nhà máy số 2 tại Khu công nghiệp Gián Khẩu (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Nhà máy có tổng công suất thiết kế đạt 100.000 xe/năm trên tổng diện tích hơn 50 ha.

Tại lễ khai trương, theo Chủ tịch TC Group, ông Nguyễn Anh Tuấn, nhà máy số 2 tiếp nối nhà máy số 1 được chuyển giao những công nghệ mới nhất từ Hàn Quốc, sản xuất, lắp ráp trên dây chuyền thiết bị tự động hóa chính xác cao, nền tảng số hóa, đáp ứng tiêu chuẩn của dây chuyền sản xuất thông minh, xưởng thông minh và tiến tới đạt mục tiêu nhà máy thông minh. Nhà máy sẽ cung cấp ra thị trường các dòng xe chất lượng cao, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường.

Ford đẩy mạnh lắp ráp xe ô tô ở nhà máy Việt Nam. Ảnh minh họa: DNCC

Nhà máy thứ 2 có tổng công suất thiết kế đạt 100.000 xe/năm, kết hợp với nhà máy số 1 sẽ đưa tổng công suất xe Hyundai xuất xưởng đạt mức 180.000 xe/năm, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước cũng như hướng đến thị trường khác trong khu vực.

Động thái trên của các thương hiệu ô tô cho thấy trái ngược với những gì mà lãnh đạo các liên doanh từng dự báo trước đó rằng họ sẽ thu hẹp sản xuất và lắp ráp ô tô ở Việt Nam vào năm 2018 – mốc thời điểm mà thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ giảm còn 0%, theo lộ trình cắt giảm thuế của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Honda Việt Nam giữa năm 2022 cũng đưa mẫu xe CR-V về lắp ráp tại Việt Nam sau gần 3 năm nhập khẩu nguyên chiếc. Lý giải nguyên nhân đưa xe Honda CR-V về lắp ráp trong nước, lãnh đạo Honda Việt Nam khi đó cho rằng lượng tiêu thụ lớn và các yếu tố thị trường, chính sách của nhà nước thuận lợi hơn, nhiều ưu đãi hơn được coi là điểm cộng cho thị trường Việt Nam...

Thị trường ngách từ phân khúc xe sang

Đối với dòng xe cao cấp, xe sang thì việc duy trì lắp ráp sản xuất ở thị trường trong nước được cho là còn khó hơn so với dòng xe phổ thông vì lượng bán hàng còn thấp, nên khó có thể phát triển công nghiệp hỗ trợ để có thể cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Thế nhưng trong những năm gần đây, Mercedes-Benz Việt Nam không chỉ cho thấy sự suy trì hoạt động mà còn tăng tốc nhanh chóng trong việc nâng cấp và phát triển hệ thống dây chuyền sản xuất lắp ráp trong nước. Chỉ tính trong 2 năm vừa qua (2021-2022), Mercedes-Benz Việt Nam đã đầu tư 33 triệu đô la vào việc phát triển 6 công nghệ tối tân, một vài công nghệ trong số đó được ra mắt lần đầu tiên tại thị trường Việt Nam. Hầu hết các công nghệ tăng cường này đều hướng tới mục tiêu là nâng cao tính tự động hóa, cải thiện chất lượng thành phẩm xuất xưởng, đồng thời mở rộng khả năng hoàn thiện các tính năng công nghệ tiên tiến, vốn ngày càng phổ biến ở các dòng ô tô hiện đại ngày nay.

Đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng để Mercedes-Benz tiến tới lắp ráp mẫu xe thứ 4 ở thị trường Việt Nam theo công bố, ngoài E-Class, GLC-Class và C-Class đã xuất xưởng lâu nay.

Mercedes-Benz tăng cường mở rộng sản xuất tại nhà máy ở TPHCM. Ảnh minh họa: DNCC

Đáng chú ý, tại sự kiện Mercedes-Benz Driving Festival (MBDF 2022) gần đây, ông Bradley Kelly, Tổng giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam, tiết lộ dòng xe thể thao Mercedes-AMG C 43 nổi tiếng sẽ được Mercedes-Benz Việt Nam chính thức mang về thị trường Việt Nam với hình thức lắp ráp, ngay tại nhà máy của hãng tại TPHCM. Như vậy, năm 2023 này sẽ đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển Mercedes-AMG tại thị trường Việt Nam. Đây cũng là một bước tiến lớn của nhà máy Mercedes-Benz Việt Nam khi có thể đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật gắt gao và phức tạp để lắp ráp dòng xe Mercedes-AMG C 43 với những khả năng vận hành và hiệu suất tốc độ cao.

Sự kiện này sẽ tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu của Mercedes-Benz tại thị trường ô tô Việt Nam khi trở thành nhà sản xuất ô tô đầu tiên có thể mang các mẫu xe thể thao hiệu năng cao vào thị trường trong nước dưới hình thức lắp ráp (CKD).

Trong khi đó, một đối thủ đáng gờm của Mercedes Benz là BMW vốn lâu nay chủ yếu nhập khẩu nguyên chiếc về kinh doanh ở Việt Nam thế nhưng đầu tháng 12-2022 Tập đoàn ô tô Đức này xác nhận đối tác Trường Hải (Thaco Auto) sẽ lắp ráp series 3, series 5, X3, X5 tại Việt Nam.

Cụ thể BMW AG đã phát đi thông báo cùng đối tác Thaco nội địa hoá nhiều dòng xe của hãng Đức tại Việt Nam. "Thị trường Việt sở hữu tiềm năng tăng trưởng dài hạn và chúng tôi rất vui với quyết định cùng Thaco lắp ráp các dòng series 3, series 5, X3, X5. BMW cũng mong muốn đem đến cho khách hàng Việt những chiếc BMW tốt nhất, tự hào được sản xuất ngay tại Việt Nam", thông cáo của BMW nêu.

Cũng trong thông cáo này, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco nói vinh dự khi BMW là thương hiệu tiếp theo được lắp ráp tại nhà máy của công ty tại khu công nghiệp Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Hãng này đang lắp ráp, phân phối ô tô của các hãng phổ thông như Kia, Mazda, Peugeot.

Dù xác nhận việc hợp tác, lắp ráp xe BMW nhưng cả Tập đoàn BMW và Thaco đều không nói rõ thời điểm bắt đầu vận hành dây chuyền, khi nào bán ra các sản phẩm thương mại. Thaco đến nay cũng chưa có thông tin chính thức nào về các xe BMW lắp ráp. Tuy vậy, những chiếc series 3 chạy thử từng xuất hiện ở nhà máy của hãng tại Chu Lai và showroom của hãng cũng đã trưng bày mẫu xe này.

Như vậy Việt Nam là thị trường thứ 6 tại châu Á lắp ráp xe BMW. Hai nhà máy tại Ấn Độ và Thái Lan do BMW AG đầu tư, nhà máy tại Trung Quốc theo hình thức liên danh, nhà máy tại Malaysia và Indonesia do đối tác đầu tư (hình thức tương tự Việt Nam).

Theo một chuyên gia trong ngành, việc BMW cho phép Thaco lắp ráp xe ở Việt Nam dù lượng bán khá thấp 2.000-3.000 xe mỗi năm, cho thấy hãng xe Đức có mục tiêu kinh doanh lâu dài và nhận thấy tiềm năng của đối tác có thể phát triển trong những năm tới. Bên cạnh đó, khi lắp ráp trong nước giá xe BMW có thể giảm so với hiện nay, dễ tiếp cận khách hàng hơn và có thể cạnh tranh với các đối thủ ở cùng phân khúc.

Kỳ vọng gì cho ngành công nghiệp ô tô?

Trên thực tế, lâu nay hoạt động lắp ráp ô tô trong nước được cho là kém cạnh tranh so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia,... xuất phát từ sự yếu kém, chậm phát triển của công nghiệp phụ trợ. Tình trạng nhập khẩu phần lớn linh kiện đã khiến chi phí sản xuất lắp ráp xe trong nước cao hơn từ 10-20%, dẫn đến giá bán xe cao hơn so với các nước trong khu vực.

Lý giải cho việc này các liên doanh ô tô đổ lỗi cho dung lượng thị trường chưa đủ lớn để đầu tư phát triển. Mặt khác, việc ngành công nghiệp ô tô không thể nâng cao tỷ lệ nội địa hóa như mục tiêu đề ra còn bởi những hạn chế từ chính sách của Nhà nước.

Theo giới phân tích, thời gian qua có khá nhiều chính sách hỗ trợ và ưu đãi được Chính phủ và chính quyền địa phương cấp tỉnh (nơi doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô đặt nhà máy) áp dụng, nhưng những chính sách cần khả thi hơn, thực tế và dễ áp dụng hơn. Bở lẽ hệ thống chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô còn có những mâu thuẫn, thiếu nhất quán, thiếu tính ổn định dẫn đến thị trường đến nay vẫn còn cho là còn nhỏ bé.

Giai đoạn 2020-2025 được đánh giá là thời kỳ ô tô hóa tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Đơn cử như chủ trương hạn chế tiêu dùng ô tô cá nhân mâu thuẫn với quan điểm và định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô và điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô.

Thị trường nhỏ, không hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước bên cạnh việc còn nhiều khó khăn thì việc sản xuất chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng nội địa, khả năng xuất khẩu thấp nên khó có thể đảm bảo quy mô sản xuất kinh tế. Không chỉ mâu thuẫn, chính sách còn thay đổi liên tục và quá nhanh trong một thời gian ngắn.

Đó là những khoảng xám và được xem là cái vòng luẩn quẩn tồn tại lâu nay trong việc phát triển công nghiệp ô tô trong nước.

Trên thực tế hiện tại người sở hữu ô tô còn rất thấp và quy mô dân số gần 100 triệu dân của Việt Nam là một trị trường khá lớn. Đáng chú ý, thị trường ô tô Việt Nam năm 2022 cũng ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ sau thời gian “ngủ đông” do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Cụ thể theo thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng bán hàng của các nhà sản xuất thuộc hiệp hội đã đạt gần 370.000 xe sau 11 tháng 2022. Tính gộp một số nhà sản xuất đã công bố lượng xe bán gồm TC Motor với hơn 72.000 xe thuộc thương hiệu Hyundai và VinFast với hơn 18.000 xe, tổng mức tiêu thụ của thị trường ô tô Việt Nam đã đạt hơn 459.300 xe.

Như vậy, chỉ cần tiêu thụ khoảng hơn 40.000 xe nữa trong tháng 12, thị trường ô tô Việt Nam sẽ cán mốc doanh số 500.000 xe. Cũng cần lưu ý con số hơn 459.000 xe bán ra là chưa tính đến doanh số của một số hãng lớn không công bố thông tin như Nissan, Volkswagen, Subaru hay một số hãng xe sang như Mercedes-Benz, Audi, Volvo hay Jaguar Land Rover...

Trong 3 năm gần đây, lượng bán hàng đều đạt mốc xấp xỉ hơn 400.000 xe trong khi các năm trước đó, sức tiêu thụ chỉ đạt hơn 200.000-300.000 xe/năm.

Theo chia sẻ của cựu giám đốc một liên doanh ô tô ở Việt Nam, mốc 500.000 xe rất quan trọng bởi đây là mốc đánh dấu một thị trường ô tô được xem là lớn trong khu vực. Hiện tại ở Đông Nam Á, có 3 thị trường đạt mức doanh số trên 500.000 xe gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Bộ Công Thương cũng nhận định, giai đoạn 2020-2025 là thời kỳ ô tô hóa tại Việt Nam, khi trung bình mới chỉ có trên 50 xe/1.000 dân. Trong khi đó, mức sống của người dân ngày càng cao, kéo theo nhu cầu thụ hưởng cuộc sống tăng lên. Dự báo, tiềm năng thị trường ô tô đến năm 2025 sẽ đạt mức khoảng 800.000 - 900.000 xe/năm, trong đó dòng xe dưới 9 chỗ sẽ tăng trưởng mạnh, chiếm trên 70% thị trường. Điều này sẽ tạo ra sự bùng nổ cho phân khúc xe gia đình và xe cá nhân trong thời gian tới.

Trong bối cảnh các hãng xe tăng cường mở rộng sản xuất và lắp ráp cùng với dung lượng thị trường đang tăng lên, giới phân tích cho rằng đây là thời điểm thích hợp để có chính sách và quyết định hợp lý nhằm phát triển công nghiệp ô tô trong nước. Bởi lẽ dù doanh nghiệp ô tô có nỗ lực hết sức, nhưng nếu thiếu chính sách hỗ trợ từ Nhà nước thì rủi ro rất lớn.

Đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho rằng, Việt Nam là một nền kinh tế đang chuyển đổi, vì vậy, việc phải điều chỉnh, thay đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp là cần thiết. Mặt khác phát triển được công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô sẽ là động lực, thúc đẩy các ngành công nghiệp khác như luyện kim, nhựa, cao su, hóa chất, dệt may, điện - điện tử… phát triển, góp phần giải quyết nhu cầu việc làm, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế và kích thích tiêu dùng trong nước.

Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco, quy luật phát triển ngành công nghiệp ô tô trên thế giới từ trước đến nay là đi từ lắp ráp đến sản xuất linh kiện và gia tăng tỷ lệ nội địa hoá. Nếu có các chính sách ưu đãi hợp lý, chắc chắn ngành công nghiệp ô tô sẽ phát triển, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước xuất khẩu ngày càng nhiều.

Còn theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, nhìn từ sự phát triển ngành công nghiệp ô tô trên thế giới cho thấy, không có doanh nghiệp nào đầu tư chỉ tập trung vào mỗi thị trường nội địa. Phải hướng tới xuất khẩu ô tô để mở rộng thị trường ra bên ngoài, tăng sản lượng, tối đa hóa chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh. Càng xuất khẩu nhiều, càng khẳng định năng lực của ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong nước. Thực tế đã chứng minh, công nghiệp chế biến, chế tạo chính là chìa khóa để tạo nên sự thịnh vượng của một quốc gia.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới