Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp châu Á bắt đầu lập kế hoạch chống chịu biến đổi khí hậu

Song Hảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Các rủi ro và thiệt hại vật chất do biến đổi khí hậu bắt đầu xuất hiện trong các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương. Đây là khu vực có tỷ lệ tuân thủ cao thứ hai sau châu Âu - nơi có Lực lượng đặc nhiệm về công bố tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD) làm cơ quan tư vấn cho G20.

Thủ đô Bangkok trong đợt lụt tháng 7-2022. Ảnh: Getty Images

Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cũng đưa ra các quy định mới, buộc các công ty đại chúng phải công bố các chi tiết về rủi ro khí hậu và phát thải. Các bộ phận quản lý rủi ro đã tích hợp các bảng phân tích thời tiết, khí hậu vào trong các bảng đánh giá tác động. Đây là tài liệu cần thiết không chỉ với các nhà quản lý đang chuẩn bị cho doanh nghiệp đối phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan. Ngay cả các nhà đầu tư, đối tác trong chuỗi cung ứng cũng cần những dự báo như vậy.

Dự báo trước rủi ro khí hậu hàng năm

Năm 2021, chưa đầy một tiếng đồng hồ, lũ quét đã tràn ngập khu công nghiệp Bang Pu, cách Bangkok khoảng 50 ki lô mét về hướng Đông Nam. Hôm sau, nước rút bớt, nhưng thiệt hại của hãng Delta Electronics Thailand lên đến 393 triệu baht (10,7 triệu đô la Mỹ) gồm hàng tồn kho và tài sản. Các hoạt động kinh doanh bị tạm ngừng trong hai ngày sau trận lũ.

Delta có văn phòng chính, bốn nhà máy và hai nhà kho tại Bang Pu, chuyên sản xuất các linh kiện điện tử cho mạng phân phối điện, bộ sạc xe điện và trung tâm dữ liệu.

Trong đợt lụt lịch sử gần ba tháng cuối năm 2011, Thái Lan đã phải chịu thiệt hại 44 tỉ đô la khi bảy khu công nghiệp và 839 nhà máy bị thiệt hại tài sản và gián đoạn sản xuất. Mức thiệt hại này xếp sau đợt thiệt hại do lũ lụt ở Trung Quốc năm 1998.

Rủi ro của thời tiết cực đoan không phải là mới với các nhà đầu tư đang hoạt động ở Đông Nam Á. Các nhà phát triển khu công nghiệp ở ASEAN đang cố thu hút nhà đầu tư bằng các biện pháp phòng chống lũ lụt và thời tiết khắc nghiệt. Sau trận lụt khủng khiếp năm 2011, cơ quan quản lý bất động sản công nghiệp của Thái Lan đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa - cải thiện hệ thống thoát nước, nâng cao đê ngăn lũ và lắp đặt hệ thống cảnh báo và giám sát nước. Hơn 5 tỉ baht đã được chi để xây dựng các con đê tại sáu khu công nghiệp. Nhưng oái oăm là máy bơm nước lại được điều khiển thủ công.

Trận lũ quét năm 2021 ở Bang Pu khá bất ngờ, khiến việc ứng phó trở nên cấp bách. Delta giờ đã lắp đặt cho Bang Pu các bộ cảm biến và máy bơm nước tự động. Nhà chức trách cũng đang thực hiện tương tự ở các khu công nghiệp khác.

Xây dựng các kịch bản khí hậu trong kế hoạch kinh doanh

Đối với ngành thực phẩm và đồ uống, lũ lụt là nguy cơ lớn nhất. Tình trạng thiếu nguyên liệu và nước sẽ làm xấu đi triển vọng kinh doanh dài hạn.

Trong bảng phân tích các kịch bản khí hậu, hãng Nissin Foods của Nhật Bản đã xác định bốn địa điểm trong nước và một địa điểm ở nước ngoài có nguy cơ lũ lụt cao, và bảy địa điểm ở nước ngoài và bốn nhà máy ở Nhật Bản có nguy cơ thiếu nước. Nissin Foods dự đoán các tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của hãng: Nếu nhiệt độ tăng từ 1-4 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, Nissin sẽ thiếu lúa mì và đậu nành từ Mỹ, tôm từ Ấn Độ, dầu cọ từ Malaysia và Indonesia.

Tương tự, Jenica Conde Cruz, Giám đốc đổi mới và bền vững của Nestle Thailand, nói rằng việc giảm 20% sản lượng lúa mì, đậu nành, bắp và gạo sẽ ảnh hưởng mạnh đến hoạt động kinh doanh của Nestle.

Nhiệt độ gia tăng và mùa khô kéo dài làm cạn kiệt nguồn nước dự trữ cần thiết cho sinh hoạt và sản xuất. Trong đợt hạn hè năm 2021 ở Đài Loan, chính quyền đã yêu cầu các hãng chip giảm lượng nước tiêu thụ 10%, dấy lên lo ngại về gián đoạn nguồn cung. Một hãng sản chip lớn như TSMC có thể sử dụng hơn 200.000 tấn nước mỗi ngày.

Indonesia là một trong những quốc gia chịu nhiều áp lực nhất ở Đông Nam Á về trữ lượng nước. Hãng bia Heineken đã phải thu gom nước mưa, nước sông nhằm thay thế lượng nước ngầm. Tại Thái Lan, ThaiBev liệt kê năng suất cây trồng giảm do thiếu nước tưới, tiền nước và thuế tiêu thụ nước gia tăng sẽ là những rủi ro trong sản xuất.

Doanh nghiệp giờ đây phải tính đến các chi phí của biến đổi khí hậu. Khi nhiều nước siết chặt khai thác và quản lý khoáng sản, chi phí chiết tách và sản xuất các kim loại đất hiếm sẽ đắt hơn. EU - thị trường xuất khẩu lớn của nhiều nước - đã đề xuất áp mức thuế mới với các mặt hàng nhập khẩu như thép và xi măng để bảo đảm rằng chính sách thuế bình đẳng với các công ty trong khối. Nissin Foods dự kiến việc đưa giá khí thải carbon như vậy vào sản phẩm sẽ tăng thêm từ 2,6-66,5 tỉ yen (18-455 triệu đô la) trong chi phí kinh doanh trong 30 năm tới.

Tuy vậy, lập danh mục các rủi ro liên quan biến đổi khí hậu như vậy là công việc khó khăn, đòi hỏi thời gian và chuyên môn. Bởi việc định giá thiệt hại bằng những con số cụ thể không hề đơn giản.

“Thông thường chúng tôi làm việc này ít nhất sáu tháng trong năm”, KK Chong - người đứng đầu bộ phận phát triển bền vững của Delta nói về các đánh giá rủi ro khí hậu của Delta. Các giám sát viên phải trả lời các cuộc khảo sát về những rủi ro khí hậu nào có liên quan đến bộ phận của họ và tác động của chúng.

Delta phải điền các bảng câu hỏi như Chỉ số bền vững Dow Jones (DJSI) và Dự án công bố các chỉ số carbon (CDP). Các bảng câu hỏi đó bao gồm một loạt thông tin mà nhà đầu tư muốn xem, chẳng hạn như đánh giá rủi ro vật lý và cơ hội, phân tích một loạt kịch bản khí hậu, sổ liệt kê tài sản vật chất và ý nghĩa của chúng. Các công ty còn cung cấp khuôn khổ quản lý khí hậu, chiến lược xây dựng khả năng chống chịu với khí hậu và các khoản chi theo kế hoạch để chống chịu.

Lit Ping Low, đối tác dịch vụ môi trường, xã hội và quản trị tại hãng kiểm toán PwC, nhận xét: “Những loại rủi ro này thường không thể so sánh trực tiếp. Không chỉ thuần túy các thông số tài chính, nhưng nhờ vậy doanh nghiệp hiểu bộ phận nào trong công ty phải chịu nhiều rủi ro nhất. Từ đây, doanh nghiệp sẽ phát triển cách ứng phó rủi ro thích hợp”.

Sớm trở thành quy định bắt buộc

Nissin Foods đã biên soạn ma trận rủi ro khí hậu và sổ đăng ký tài sản chi tiết theo yêu cầu của TCFD. Hầu hết 10 công ty niêm yết hàng đầu của Thái Lan đều báo cáo rủi ro với các mức độ cụ thể khác nhau, bởi hiện tại nhà chức trách chưa bắt buộc. Ở phần lớn các nước châu Á, việc công bố các rủi ro khí hậu vẫn là tự nguyện. Tuy vậy, các trung tâm tài chính lớn nhất khu vực đã thực hiện các bước để giúp các doanh nghiệp dễ dàng đáp ứng.

“Việc công bố đã tập trung vào việc xác định các rủi ro hơn là chứng minh chiến lược ứng phó và chống chịu trong tương lai của doanh nghiệp. Trong cuộc khảo sát các công ty niêm yết tại Hồng Kông, 47% đã công bố các rủi ro và cơ hội về khí hậu, nhưng chỉ 6% thảo luận về các kế hoạch xây dựng khả năng chống chịu”, Low của PwC cho biết.

Năm 2022, Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA) của Nhật Bản bắt đầu yêu cầu các công ty niêm yết trên thị trường Prime của Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo công bố các rủi ro khí hậu. Sở giao dịch Singapore áp dụng quy tắc “tuân thủ hoặc giải thích” các rủi ro khí hậu và công khai chỉ số phát thải cho năm báo cáo 2022. Điều này sẽ trở thành bắt buộc ở một số lĩnh vực từ năm 2023. Các cơ quan quản lý Hồng Kông sẽ bắt buộc tiết lộ thông tin theo quy chuẩn của TCFD vào năm 2025.

Như vậy, liệu các doanh nghiệp châu Á có đủ thời gian để hành động hay không? Nhiều hãng đã phải công bố các chi tiết về rủi ro khí hậu và chỉ số phát thải, không chỉ đối với các cơ quan quản lý châu Âu mà còn đối với các khách hàng hàng đầu như Apple - ngay từ bây giờ.

“Nhiều khách hàng đang yêu cầu những thông tin như thế này. Đây là lý do tại sao chúng tôi rất coi trọng việc công bố thông tin qua DJSI và CDP. Điều đó giúp chúng tôi ý thức về những gì mà doanh nghiệp được mong đợi và cần làm tốt hơn”, KK Chong nói.

Nguồn: Nikkei Asia, OECD

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới