(XUÂN KTSG) - Nếu như trước đây toàn cầu hóa thể hiện chủ yếu ở việc buôn bán hàng hóa hữu hình giữa các quốc gia và sự phát triển của các tập đoàn toàn cầu, thì gần đây ta đang chứng kiến một xu hướng toàn cầu hóa mới - toàn cầu hóa số. Xu hướng này thể hiện qua các dòng dịch chuyển dữ liệu, thông tin, kiến thức, hàng hóa và dịch vụ dạng số hóa, kết nối các quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân trên toàn cầu...
- Số hóa trong lĩnh vực logistics vẫn còn chậm
- Financial Times: Việt Nam dẫn đầu toàn cầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế số hóa
Năm 1990, Tim Berners-Lee, lúc đó đang là nhà nghiên cứu làm việc cho CERN (European Organization for Nuclear Research) - một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học lớn nhất thế giới - gửi một bản báo cáo cho cấp trên của ông. Bản báo cáo này có tên là “Đề xuất cách quản lý thông tin”, trong đó Berners-Lee mô tả mạng lưới mà chúng ta ngày nay gọi là mạng lưới toàn cầu - World Wide Web (ký hiệu www nổi tiếng mà chúng ta thấy trước mỗi địa chỉ trang mạng trên Internet). Vào thời điểm này, Internet đã ra đời, các máy tính đã có thể kết nối với nhau nhưng còn ở trong tình trạng vô cùng sơ đẳng. Berners-Lee muốn các nhà nghiên cứu khoa học có thể chia sẻ, trao đổi với nhau một cách dễ dàng các thông tin khoa học, và vì thế ý tưởng xây dựng mạng lưới toàn cầu ra đời. Cấp trên của ông lúc đó đã kết luận rằng đề xuất của ông còn hơi “mơ hồ”, nhưng “khá hứa hẹn”. Được sự hậu thuẫn của CERN, Robert Cailliau, một kỹ sư người Bỉ, đã hỗ trợ Berners-Lee phát triển ý tưởng này và trang web đầu tiên ra đời chính là của CERN (www.info.cern.ch.).
Vào đầu những năm 1990, mới chỉ có khoảng 10 trang web trên toàn thế giới. Số lượng này tăng lên khoảng 3.000 vào năm 1994, và hiện nay có khoảng gần 1,9 tỉ trang web. Hơn 30 năm sau ngày Tim Berners-Lee đề xuất ý tưởng, World Wide Web đã trở thành không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của phần lớn chúng ta. Giờ đây, hơn 4,5 tỉ người “lên mạng” hơn 7 giờ mỗi ngày, để làm việc, học tập, mua bán, giao tiếp và giải trí. Chúng ta còn đang đi vào một tương lai thế giới “ảo”, y như các bộ phim viễn tưởng trước đây dự đoán!
Thế giới hiện nay đã trở thành một thế giới “siêu kết nối”. Giao dịch thương mại, trao đổi thông tin, dịch vụ tìm kiếm, giải trí, truyền thông qua mạng tiếp tục tăng cao. Các nền tảng số hóa đã thay đổi mô hình kinh doanh xuyên biên giới, làm giảm chi phí giao dịch quốc tế. Nhờ vào mạng Internet, các thị trường toàn cầu xuất hiện, nơi người dùng đến từ mọi ngóc ngách của trái đất. Với các nền tảng số hóa như eBay, Amazon, Facebook, và Alibaba, các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể tiếp cận với khách hàng quốc tế, hay các nhà cung cấp nước ngoài. Một báo cáo của Viện Nghiên cứu McKinsey cho thấy thậm chí những doanh nghiệp nhỏ nhất cũng có thể tham gia vào thương mại toàn cầu: 86% các startup có các hoạt động xuyên biên giới. Việc cá nhân sử dụng mạng để học tập, tìm việc, xây dựng mạng lưới quan hệ công việc cũng đã trở thành phổ biến trong xã hội. Theo thống kê, có khoảng 900 triệu người có quan hệ xuyên biên giới trên mạng xã hội, và khoảng 360 triệu người tham gia vào các hoạt động thương mại quốc tế.
Nhiều chuyên gia chỉ ra một nghịch lý mà ít người nhận ra: người dùng mạng xã hội tưởng mình là khách hàng, nhưng rút cục lại chính là... sản phẩm của các thuật toán của mạng xã hội.
Nếu như trước đây toàn cầu hóa thể hiện chủ yếu ở việc buôn bán hàng hóa hữu hình giữa các quốc gia và sự phát triển của các tập đoàn toàn cầu, thì gần đây ta đang chứng kiến một xu hướng toàn cầu hóa mới - toàn cầu hóa số. Xu hướng này thể hiện qua các dòng dịch chuyển dữ liệu, thông tin, kiến thức, hàng hóa và dịch vụ dạng số hóa, kết nối các quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân trên toàn cầu.
Theo thống kê của McKinsey, chỉ trong vòng 10 năm, các dòng dịch chuyển toàn cầu này đã giúp tăng GDP toàn cầu lên 10%, và đạt giá trị khoảng 7.800 tỉ đô la Mỹ vào năm 2014. Hiện nay, các dòng dịch chuyển dữ liệu chiếm tỷ trọng trong GDP toàn cầu lớn hơn cả thương mại hàng hóa hữu hình.
Trong bối cảnh đó, kiểm soát “số” trở thành yếu tố then chốt đối với các chính phủ, cũng như đối với các doanh nghiệp. Các nhà đầu tư giờ đây khi lựa chọn đầu tư sẽ xem xét cả mức độ chuyển đổi số của điểm đến, thay vì chỉ xem xét các yếu tố truyền thống như tài nguyên, lao động, thị trường tiêu dùng. Trong cùng một quốc gia, khoảng cách phát triển giữa các khu vực chuyên cung cấp hàng hóa dịch vụ số hóa quốc tế và các khu vực chỉ có năng lực cung cấp nội địa cũng tăng nhanh.
Vì khả năng kiểm soát số cũng tương ứng với quyền lực quốc gia, sẽ không ngạc nhiên khi thấy Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách đưa vào khuôn khổ pháp lý các dòng dịch chuyển dữ liệu. Hai quốc gia này được dự đoán sẽ chẳng kém cạnh gì nhau về năng lực công nghệ và kinh tế trong thế giới toàn cầu hóa số.
Cũng có khả năng rằng, cho dù các tập đoàn đa quốc gia và các nền tảng thương mại vẫn rất hùng mạnh, thì các quốc gia sẽ ngày càng áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn để có thể kiểm soát họ. Theo ông Pierre-Noel Giraud, chuyên gia kinh tế người Pháp, trong một thế giới toàn cầu hóa số, các quốc gia sẽ ngày càng khó có thể kiểm soát việc sử dụng mạng Internet ở người dân, và điều này càng làm cho cá nhân có cảm giác như mình đang thuộc về một “ngôi làng toàn cầu” (village global).
Giờ đây, đối với nhiều doanh nghiệp, mỏ vàng lớn cần khai thác chính là... thời gian của chúng ta. Các mạng xã hội tập trung vào việc thu hút một lượng người sử dụng khổng lồ, và biến thời gian trên mạng của người dùng thành doanh thu, nhờ vào quảng cáo trên mạng. Nhưng không chỉ thế, quyền lực của các mạng xã hội còn nằm trong khả năng chi phối, nhờ vào việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ảnh hưởng tới hành vi người dùng. Ví dụ, mỗi ngày chúng ta xem hơn một tỉ giờ trên YouTube (ba phần tư số lượng này là chính nhờ vào các tác động của YouTube đến người dùng). Chúng ta cũng dùng mạng Facebook, TikTok và Instagram khoảng hơn hai giờ mỗi ngày. Hậu quả là phần lớn trong chúng ta sống trong một “quả bóng thông tin”, thậm chí hấp thụ chẳng thiếu thông tin giả, độc hại. Nhiều chuyên gia chỉ ra một nghịch lý mà ít người nhận ra: người dùng mạng xã hội tưởng mình là khách hàng, nhưng rút cục lại chính là... sản phẩm của các thuật toán của mạng xã hội.
Tất nhiên, số hóa và robot hóa cũng đang dẫn đến những thay đổi sâu rộng trong thị trường lao động toàn cầu. Theo một báo cáo của Dell và Institute for the future, một trung tâm nghiên cứu đặt tại California, Mỹ, thì 85% các công việc của năm 2030 hiện giờ chưa xuất hiện, và phần lớn các công việc mới mẻ này là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Cũng thế, một số công việc sẽ biến mất: 42% các nghề nghiệp hiện nay có thể sẽ được robot hóa trong những năm tới đây. Không chỉ các công việc chân tay sẽ do robot đảm nhiệm, mà ngay cả những công việc tư vấn trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và địa ốc cũng có thể sẽ bị trí tuệ nhân tạo đảm nhận. Con người có lẽ sẽ chỉ còn giữ thế mạnh trong những ngành mà trí tuệ nhân tạo chưa thể cạnh tranh: sáng tạo.
Trong thế giới toàn cầu hóa số, có thể thấy những nguy cơ con người bị chi phối bởi công nghệ, thị trường lao động bị đảo lộn vì robot hóa, hay thậm chí việc máy móc hóa sẽ dẫn đến khả năng trái đất bị khai thác quá mức đến cạn kiệt tài nguyên. Chẳng ai có thể khẳng định rằng tương lai chúng ta sẽ hoàn toàn không bị đe dọa.
“Lịch sử loài người ngày càng giống như một cuộc chạy đua giữa giáo dục và thảm họa”, nhà văn H.G.Wells viết như thế trong tiểu thuyết The Outline of History (1920). Hơn một thế kỷ đã trôi qua, chúng ta có thể thấy những kết quả đáng kể nhờ vào nghiên cứu giáo dục: giảm độ tăng CO2 trong bầu khí quyển, làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu, ký kết hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân... Tất nhiên, Internet cũng đóng vai trò lớn trong những tiến bộ nói trên. Mạng Internet cũng chính là nơi để các công dân toàn cầu đưa ra quyết định đối với chính trái đất này trong tương lai. Để đạt được những thành tựu tương tự, mạng Internet cũng cần phải là nơi để trao đổi, thảo luận mang tính xây dựng, để tìm ra những giải pháp cho các thách thức trong tương lai. Chúng ta muốn mạng Internet thế nào - điều đó sẽ quyết định tương lai của chúng ta như thế!