Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chuẩn hóa và thống nhất quy định về kiểm tra xuất xứ hàng hóa

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Việc sửa đổi, bổ sung quy định kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu sẽ đáp ứng mục tiêu chuẩn hóa và thống nhất quy định kiểm tra phù hợp với các cam kết quốc tế của các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết.

Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh minh họa: Vasep

Hiện nay Thông tư thay thế Thông tư số 38/2018/TT-BTC, Thông tư số 62/2019/TT-BTC, Thông tư số 47/2020/TT-BTC và Thông tư số 07/2021/TT-BTC quy định về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được Tổng cục Hải quan xây dựng và hoàn thiện sau khi thực hiện nhiều vòng lấy ý kiến các bên có liên quan.

Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, dự thảo thông tư mới sẽ hợp nhất các nội dung hướng dẫn kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại các thông tư trên để xây dựng thông tư thay thế nhằm tạo thuận lợi cho quá trình nghiên cứu, thực hiện; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện như việc khai và nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ; sử dụng thông báo xác định trước xuất xứ, nộp bổ sung C/O sau khi hàng hoá đã thông quan, nộp C/O đối với trường hợp hàng hoá thay đổi mục đích sử dụng, quy định liên quan đến thời điểm nộp C/O, về các trường hợp phải nộp C/O...

Việc ban hành thông tư mới cũng nhằm chuẩn hóa và thống nhất quy định về việc kiểm tra xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế. Lý do là tại thời điểm ban hành Thông tư số 38/2018/TT-BTC thì các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP…) chưa được ký kết để triển khai nên chưa có hướng dẫn tại Thông tư số 38/2018/TT-BTC.

Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, trên cơ sở đánh giá rà soát tổng thể quá trình thực hiện các thông tư đã có nhiều bất cập trong quản lý về xuất xứ hàng hóa như cách thức quản lý kiểm tra chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho các doanh nghiệp được cấp phép theo mã REX (Hiệp định EVFTA), mã EORI (UKVFTA), CE (Hiệp định ATIGA sửa đổi và Hiệp định RCEP),….

Bên cạnh đó, nhiều yêu cầu quản lý theo cách tiếp cận mới như áp dụng bảo lãnh cho hàng hóa nợ, chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ, hình thức nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (nộp qua hệ thống V5, nộp bản sao,...) cần được bổ sung và hướng dẫn cụ thể ở thông tư để cơ quan hải quan có cơ sở pháp lý thực hiện...

Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, dự thảo thông tư mới sẽ đáp ứng yêu cầu triển khai các hoạt động liên quan đến hiện đại hóa hải quan, tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng các hình thức mới về chứng nhận xuất xứ. Đồng thời, hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Hải quan, Nghị định số 59/NĐ-CP về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; Nghị định số 31/2018/NĐ-CP về xuất xứ hàng hóa và thực hiện theo các cam kết quốc tế về xuất xứ mà Việt Nam là thành viên.

Để cắt giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, giảm rủi ro cho công chức hải quan, tiến tới hải quan phi giấy tờ, dự thảo thông tư không quy định người khai hải quan phải nộp bản giấy mà chỉ cần scan gửi qua hệ thống cho cơ quan hải quan và đối với văn bản thông báo xác định trước, người khai hải quan không phải nộp bản chính mà công chức hải quan sẽ kiểm tra trên hệ thống.

Về hình thức của chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hoá nhập khẩu, để phù hợp với thực tiễn thương mại và các cam kết quốc tế trong các FTA mới, dự thảo thông tư quy định, đối với các hiệp định Việt Nam là thành viên áp dụng hình thức tự chứng nhận xuất xứ như Hiệp định CPTPP, EVFTA, ATIGA ngoài C/O, người khai hải quan có thể được lựa chọn nộp chứng từ tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa thuộc diện quản lý xuất xứ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới