(KTSG Online) - Theo báo cáo tổng kết của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), năm 2022, khối lượng hàng hóa giao dịch tại MXV tăng 36% so với năm trước. MXV dự kiến năm 2023, khối lượng hàng hóa giao nhận sẽ đạt mức tăng trưởng gấp 2-3 lần so với năm 2022.
- Gạo Việt Nam chính thức liên thông với Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago
- Giao dịch hàng hóa qua MXV tăng nhanh
TTXVN dẫn thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), trong năm 2022, khối lượng giao dịch tại MXV đã tăng 36% so với năm trước. Giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày đạt khoảng 5.000 tỉ đồng và có lúc đạt kỷ lục với hơn 10.000 tỉ đồng.
Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam dự kiến đến cuối năm 2023, khối lượng hàng hóa giao nhận thông qua MXV sẽ đạt mức tăng trưởng gấp 2-3 lần so với năm 2022.
Đơn vị thực hiện các biện pháp để đáp ứng nhu cầu về định hướng tự chủ hạ tầng công nghệ như nâng cấp hệ thống giao dịch, cải tiến các tính năng tự động hóa, giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư nâng cao hiệu quả khi giao dịch liên thông với thế giới.
MXV cũng đề xuất Bộ Công Thương tham mưu sửa đổi Nghị định 51/2018/NĐ-CP nhằm tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa; kết nối với các đối tác quốc tế, các cảng biển và các doanh nghiệp logistics; xây dựng kênh thương mại hàng hóa cho thị trường trong nước.
Toàn thị trường hiện có hơn 22.000 tài khoản đang hoạt động. Riêng trong năm 2022, số lượng tài khoản được đăng ký là hơn 4.000 tài khoản.
Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đang niêm yết giao dịch hơn 42 sản phẩm liên thông với hầu hết các sở giao dịch hàng hóa trên thế giới, trong đó, có 4 nhóm sản phẩm chính là nông sản, năng lượng, kim loại và nguyên liệu công nghiệp.
Ngoài ra, đơn vị này đang hướng đến công tác nghiệp vụ giao nhận hàng hóa sẽ tiếp tục được mở rộng đối với các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như xuất khẩu cà phê, hồ tiêu, điều và nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.