Thứ bảy, 28/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thịt heo ở Trung Quốc ế ẩm, giá giảm sâu trong dịp Tết

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giá heo hơi ở Trung Quốc đã giảm 11 tuần liên tiếp, xuống mức thấp hơn chi phí chăn nuôi, do sản lượng tăng và nhu cầu giảm khi người dân Trung Quốc bớt tụ tập ăn uống đón chào năm mới để tránh lây nhiễm Covid-19.

Khách hàng mua thịt heo tại một siêu thị ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây của Trung Quốc hôm 12 -1. Ảnh: VCG/Getty

Nông dân nuôi heo của Trung Quốc đã nỗ lực vỗ béo đàn heo khi họ dự đoán nhu cầu và giá sẽ tăng trong tháng 12 trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán bắt đầu vào ngày 21-1. Tuy nhiên, trái vời kỳ vọng của họ, nhu cầu thịt heo giảm mạnh do số ca nhiễm Covid-19 tăng bùng nổ trên cả nước.

Tại Trung Quốc, những ngày cuối năm âm lịch thường là lúc đùi heo xông khói nguyên khối và xúc xích khô cháy hàng khi các hộ gia đình chuẩn bị cho Tết Nguyên đán.

Nhưng khi hàng trăm triệu người dân Trung Quốc chống chọi đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng chưa từng thấy, niềm yêu thích của họ đối với các món ăn tiệc tùng trong các cuộc tụ họp với bạn bè và gia đình đang bị đóng băng. Giá thịt heo, loại thịt được tiêu thụ phổ biến Trung Quốc, giảm sâu.

Phát biểu tại cuộc họp ở Bắc Kinh, Zeng Yande, giám đốc bộ phận kế hoạch phát triển của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, cho hay giá heo hơi trung bình giảm trong 11 tuần liên tiếp xuống 16,3 nhân dân tệ (2,4 đô la)/kg vào giữa tháng 1, thấp hơn mức chi phí chăn nuôi heo 16,7 nhân dân tệ/kg.

Ngành công nghiệp thực phẩm của Trung Quốc một lần nữa phải hứng chịu tổn thương kinh tế khắc nghiệt nhất của đại dịch, dù vấn đề lần này bắt nguồn từ việc Bắc Kinh đột ngột rút khỏi chính sách ‘zero Covid’. Khi dịch bệnh lây lan khắp đất nước, mọi người hạn chế gặp nhau tại nhà riêng hoặc tại nhà hàng và chi tiêu ít hơn cho những mặt hàng đắt tiền hơn như thịt, trong khi, người nhiễm Covid-19 chỉ ăn những bữa ăn nhẹ.

“Tôi đang thực sự đang ăn ít thịt heo hơn”, Will Xu, một nhà quản lý quỹ đầu tư, sống ở Thượng Hải, nói. Ông nhiễm Covid-19 vào giữa tháng 12 và không có kế hoạch đi du lịch trong dịp Tết Nguyên đán. Ông nói tiếp: “Bây giờ chúng tôi cũng ăn ở ngoài ít hơn. Có vẻ như việc bị nhiễm Covid-19 khiến tôi thấy ngán thịt”.

Zhou Huan, chủ một cửa hàng bán thịt ở Bắc Kinh, nói: “Doanh số bán thịt tăng rất chậm và nhu cầu rất yếu”. Zhou cho biết lượng mua giảm khoảng 2/3 so với dự kiến vào thời điểm này trong năm sau khi chính phủ từ bỏ chính sách ‘zero Covid’ vào đầu tháng 12. “Mọi người đột nhiên biến mất. Không ai ra ngoài”, ông nói.

Theo McKinsey & Co, thịt heo là nguồn cung cấp protein chủ yếu của Trung Quốc, chiếm khoảng 60% tổng lượng thịt tiêu thụ ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Nuôi heo là công việc kinh doanh của hàng triệu hộ gia đình cho đến những tập đoàn nông nghiệp lớn và những công ty chế biến thức chăn nuôi. Và Tết Nguyên đán, rơi vào cuối tháng 1, là thời điểm thịt heo thường có nhu cầu cao nhất.

Nhưng các con số năm nay lại nói lên một câu chuyện khác khi mức tiêu thụ thịt heo ngày càng suy yếu càng trầm trọng do nguồn cung tăng khi nông dân đổ xô bán và mổ giết mổ heo sau khi chính sách ‘zero Covid’ kết thúc, cho phép hàng hóa di chuyển tự do hơn.

Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, lượng thịt heo giao dịch các chợ đầu mối chính của Trung Quốc trong tháng trước đã giảm xuống còn khoảng 64.000 tấn, chỉ gần bằng một nửa so với một năm trước. Những người nuôi heo đang thua lỗ sau khi giá thịt heo giảm khoảng 1/3 kể từ đầu tháng 12, theo dữ liệu của Shanghai JC Intelligence Co.

Pan Chenjun, nhà phân tích cấp cao của Ngân hàng Rabobank, nói: “Mức tiêu thụ thịt heo có thể đã chạm đáy, nhưng giá có thể giảm hơn nữa. Nhu cầu thịt heo trong Tết năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái và thậm chí còn kém hơn năm trước. Số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày ở Trung Quốc vừa qua mức đỉnh nhưng không có nghĩa là nhu cầu thịt heo sẽ phục hồi ngay lập tức”.

Các tác động đang lan ra bên ngoài ngành chăn nuôi heo trong nước. Thịt heo là thành phần thực phẩm quan trọng trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc. Vì vậy, giá thịt heo ở Trung Quốc giảm sẽ được các ngân hàng trung ương trên thế giới hoan nghênh khi họ đang lo lắng việc Trung Quốc tái mở cửa kinh tế sẽ tác động đến lạm phát. Các số liệu mới nhất trong tháng 12 cho thấy lạm phát thịt heo giảm tốc so với cùng kỳ năm ngoái và giảm trên cơ sở hàng tháng. Nhưng đó là tin không vui đối với nông dân ở những nước xuất khẩu nông sản, đang cung cấp thức ăn chăn nuôi cho đàn heo Trung Quốc. Chỉ riêng hóa đơn nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc đã lên tới 60 tỉ đô la vào năm ngoái.

Theo  Pan Chenjun, nhu cầu thịt heo của Trung Quốc sẽ cải thiện dần trong tương lai và mức tiêu thụ tổng thể vào năm 2023 sẽ tốt hơn so với năm 2022. Bà nói: “Có những bất ổn lớn sau khi Trung Quốc tái mở cửa kinh tế. Vẫn chưa thể biết liệu mức tiêu thụ thịt heo có thể trở lại mức trước đại dịch Covid-19 hay không. Rất nhiều yếu tố đang tác động đến nhu cầu thịt heo trong năm nay chẳng hạn tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp”.

Hôm 18-1, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc kêu gọi giảm sản lượng thịt heo đang dư thừa, gây áp lực lên giá cả. Zeng Yande, giám đốc phận kế hoạch phát triển của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết đàn heo nái của Trung Quốc đang được mở rộng, đạt gần 44 triệu con vào cuối năm 2022, cao hơn mức hợp lý.

“Chúng tôi mong rằng phần lớn các trang trại chăn nuôi sẽ ổn định số lượng heo nái sinh sản chất lượng cao và sớm có biện pháp đối phó với tình trạng giá heo giảm”, ông nói.

Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, sản lượng thịt heo của cả nước trong năm 2022 tăng 4,6% so với năm trước đó, lên mức 55,41 triệu tấn, cao nhất kể từ năm 2014.

Theo Bloomberg, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới