Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hoa Tết ế ẩm và chuyện làm kinh tế nông nghiệp  

Minh Duy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tết Quý Mão này, nhiều tiểu thương và nông dân bán hoa tại TPHCM không thể có cái tết trọn vẹn vì hoa, cây kiểng ế ẩm. Việc buôn bán tệ đến nỗi, tận chiều tối 30 Tết mà người bán vẫn tất bật rao hàng, chấp nhận giảm giá thấp nhất có thể để không phải đổ bỏ hoặc tốn thêm tiền thuê xe chở hoa trở lại vườn.

Dọc nhiều tuyến đường ở quận 7, chợ Bình Điền… giá một cặp cúc mâm xôi từ khoảng 400.000 đồng của vài ngày trước giảm còn 100.000 đồng, thậm chí thấp hơn nếu mua vài chậu; cặp vạn thọ chỉ còn 40.000 đồng thay vì 200.000 đồng hay chậu tắc cỡ vừa chỉ còn hơn 300.000 đồng, rẻ hơn vài ngày trước đến hơn một nửa… nhưng cũng không có mấy người mua.

Ở khu vực chợ hoa Phú Mỹ Hưng, đến 7 giờ tối 30 Tết, dù đã phải dọn hàng để trả lại mặt bằng từ nhiều giờ trước nhưng một số người bán vẫn nán lại trên vài chiếc xe tải chở hoa, kiểng để mời chào khách mua hàng. Nhiều tiệm cây cảnh tại thành phố cũng không thoát được cảnh đìu hiu, như chủ một tiệm cây cảnh ở Nhà Bè đã phải mang hơn chục chậu hoa lớn, giá bình thường cũng cỡ vài ba trăm ngàn/chậu cho khách quen vì đã đến ngày về quê ăn Tết mà không thể bán hết.

Nhiều người cho biết, đây là mùa hoa ế nhất trong nhiều năm trở lại đây. Hoa cây cảnh ngập tràn trên khắp các con phố nhưng người mua lại ít.

Có phải người ta ngày càng ít mua hoa Tết không? Khó có thể trả lời chính xác vì chưa có thống kê hay báo cáo chính thức nào về số liệu này. Tuy nhiên, quan sát có thể thấy, vài năm gần đây, những người bán hoa Tết trên phố đã có thêm những đối thủ đáng gờm. Đó là những cửa hàng trực tuyến, nơi có những tệp khách hàng mục tiêu và nhanh nhạy trong việc tiếp thị sản phẩm cũng như đọc đúng "vị” của khách hàng.

Có thể nói, việc những cành đào huyền - cành đào có thân cây trườn qua mép chậu đổ xuống phía dưới giống như dòng thác đổ, hay hoa tuyết mai… thu hút người tiêu dùng phía Nam trong vài cái tết gần đây cũng bắt nguồn từ sự tiếp thị mạnh mẽ của những người bán hàng trực tuyến.

Những cửa hàng này không những tiếp thị từ rất sớm mà còn săn lùng những loại hoa lạ để đáp ứng nhu cầu cần cái mới của khách hàng. Nhiều cửa hàng còn chủ động nguồn cung bằng cách đặt nhà vườn trồng các loại hoa theo yêu cầu và liên tục chụp ảnh, quay phim vườn hoa để kêu gọi khách mua.

Đây là những điều mà những người trồng và bán hoa Tết truyền thống còn thiếu. Cứ mỗi năm, nhà vườn và các tiểu thương lại đem hoa lên phố để bán nhưng chưa chú trọng đến việc tiếp thị, cho khách hàng thấy được nét đẹp của hoa để kích thích sức mua và cũng không chủ động tạo nên tệp khách hàng riêng.

Cứ ai đến mua thì bán, không lại bó gối ngồi chờ chứ chưa quan tâm đến việc hỏi điện thoại, tài khoản trên mạng xã hội của chị Năm, chị Bảy… để lưu lại mà chào hàng. Người bán cũng chưa hỏi ý khách thích, không thích loại hoa nào để căn chỉnh số lượng trồng cho mùa tới.

Thật lòng mà nói, vào dịp tết khi nhìn hoa mai, hoa cúc, hoa đồng tiền hay những cây tắc lúc lỉu trái vàng ươm thường đem lại cảm giác rực rỡ tươi mới, nhưng nếu đâu đâu cũng bạt ngàn các loại hoa, cây kiểng này thì cảm giác thú vị và bị thu hút sẽ dần bị mai một. Thế nhưng, đây lại là những loại hoa được bán nhiều nhất trên đường và tại các chợ hoa, không những ở TPHCM mà còn ở khu vực phía Nam. Người mua cần nhiều loại hoa hơn để lựa chọn chứ không muốn cứ đến tết lại phải... mua hoa cúc vàng.

Tuy nhiên, khâu lập cơ sở dữ liệu của khách hàng, tiếp thị và lai tạo giống mới đều là những yêu cầu khó với người nông dân. Như chuyện tiếp thị và bán hàng, nhờ internet bùng nổ, nhiều cô, bác ở nông thôn đã biết livestream trên mạng xã hội, biết gọi video để trò chuyện với người thân nhưng để tiến đến bước ứng dụng công nghệ cho việc làm ăn thì lại ít có người làm được. Chuyện này cần sự hướng dẫn và đầu tư thêm của địa phương và cơ quan quản lý.

Trong năm 2022, ngành nông nghiệp đã đạt được kết quả kinh doanh rất tốt. Xuất siêu lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chiếm 75% tổng giá trị xuất siêu toàn nền kinh tế. Có nhiều ý kiến cho rằng, thành công quan trọng nhất của nông nghiệp trong năm qua và thời gian gần đây là người dân đã chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Nông dân không chỉ sản xuất theo quy mô lớn, hiện đại mà còn chủ động mở rộng các kênh bán hàng mới để tìm kiếm khách hàng và làm ra sản phẩm phù hợp với yêu cầu mới để tăng sức cạnh tranh.

Với nghề trồng hoa, tư duy này cần được chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa để những câu chuyện về hoa tết ế ẩm, về những người nông dân phải gạt nước mắt chặt bỏ hoa chỉ vài giờ trước khi đón giao thừa sẽ không còn tiếp diễn ở những dịp tết sau.

1 BÌNH LUẬN

  1. Phương thức làm ăn tiểu nông thường canh tác theo kiểu may rủi. Tất nhiên, rủi ro cũng có thể phát sinh, nhưng không đến nỗi phải phá sản. Năm này không được, sang năm làm tiếp, nhưng làm mãi vẫn không giàu lên được. Muốn chuyển sang làm ăn bài bản, phải có tư duy lớn, vốn mạnh, kỹ thuật cao. Đây là trở ngại lớn nhất đối với người sản xuất. Con đường để đổi mới và phát triển, trước hết là thông qua các hợp tác xã chuyên canh, từ đó phát huy thế mạnh tập thể, huy động thêm nhiều nguồn lực, đẩy mạnh tái cơ cấu sản phẩm và thị trường. Quan trọng nhất vẫn là cây gì, hoa gì, sao cho giá trị gia tăng cao và dài lâu. Những người chăm hoa mai là ví dụ, cứ mỗi cây đẹp kiếm vài chục triệu là bình thường. Qua đêm 30 Tết, vẫn không ngán, hoa vẫn còn nhiều cơ hội để lấy tiền thiên hạ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới