Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Phương Tây thảo luận áp giá trần với các chế phẩm dầu mỏ của Nga

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Mỹ và các đồng minh ở châu Âu đang thảo luận về mức giá trần đối với các chế phẩm dầu mỏ của Nga để chính thức áp đặt vào ngày 5-2 trong một động thái mở rộng các đòn trừng phạt của họ đối với ngành năng lượng của Nga.

EU đề xuất áp trần giá dầu diesel xuất khẩu của Nga ở mức 100 đô la/thùng. Ảnh: Bloomberg

Các nguồn tin cho biết Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách thiết kế hai mức giá trần để áp dụng cho nhóm chế phẩm dầu có giá trị cao như dầu diesel và nhóm chế phẩm có giá trị thấp như dầu đốt lò (fuel oil). Tháng trước, họ cũng áp đặt mức giá trần 60 đô la/thùng đối với dầu Urals của Nga.

Các quan chức phương Tây đang nỗ lực hạn chế nguồn doanh thu khổng lồ của Điện Kremlin, mà một phần lớn được sử dụng để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng họ vẫn muốn bảo đảm dầu của Nga có sẵn trên thị trường để ổn định giá toàn cầu.

Hôm 27-1, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU đã đề xuất với các nước thành viên về mức trần 100 đô la/thùng đối với các sản phẩm như dầu diesel và 45 đô la/thùng đối với các sản phẩm như dầu đốt lò. Các nguồn tin cho biết các bên vẫn chưa đạt thỏa thuận cuối cùng về các mức giá trần này, và các nhà ngoại giao của phương Tây ​​sẽ tiếp tục đàm phán vào ngày 31-1 tới.

Cơ chế giới hạn giá dầu Nga của phương Tây vận hành bằng cách cấm các công ty bảo hiểm, ngân hàng và hãng vận tải biển của phương Tây, vốn là nền tảng cho phần lớn thương mại hàng hải toàn cầu, xử lý dầu của Nga trừ khi nó được bán dưới giá quy định.

Kế hoạch áp trần giá đối với các chế phẩm dầu mỏ của Nga vào ngày 5-2 trùng với thời điểm EU cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga. Đây là hai đòn trừng phạt mà một số nhà quan sát thị trường cảnh báo có thể gây bất ổn giá dầu diesel toàn cầu.

Để lựa chọn giá trần cho các chế phẩm dầu mỏ của Nga đòi hỏi có sự nhất trí của nhóm cường quốc G7, EU và Úc. Các quan chức phương Tây nhận định việc tìm được tiếng nói chung giữa 27 nước thành viên EU sẽ là nhiệm vụ ngoại giao phức tạp nhất đối với thỏa thuận áp giá trần đối với các chế phẩm dầu mỏ của Nga

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen từ chối bình luận về mức giá trần cụ thể.

Bà nói: “Chúng tôi đang thảo luận với tất cả các đối tác của mình, liên minh G7 và cộng đồng châu Âu về mức giá trần phù hợp, nhưng tôi được lạc quan rằng chúng tôi sẽ có thể đạt được thỏa thuận trước ngày 5-2”.

Các nước châu Âu đã chạy đua đàm phán trong nhiều tuần trong tháng 11 để thống nhất mức giá trần dầu Nga 60 đô la/thùng, kịp triển khai vào ngày 5-12. Trong cuộc đàm phán đó, Ba Lan, Litva và Estonia, cũng như Ukraine, đều kêu gọi áp đặt mức trần giá thấp hơn nhiều so với 60 đô la/thùng để cắt giảm sâu hơn doanh thu dầu mỏ của Điện Kremlin. Nhưng Mỹ ủng hộ mức giá trần cao hơn trong nỗ lực bảo vệ thị trường dầu toàn cầu.

Các quan chức Mỹ và châu Âu kỳ vọng các cuộc đàm phán về giới hạn giá đối với các chế phẩm dầu mỏ của Nga sẽ không khó khăn như vậy. Các quan chức G7 đang hợp tác chặt chẽ hơn với Ba Lan trong vấn đề này. Trong tháng 1, các quan chức Bộ Tài chính Mỹ đã đến Ba Lan để thảo luận về các mức giá trần với hai nhóm sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga.

Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh có thể đối mặt cuộc tranh cãi thứ hai về mức trần giá dầu Nga sau khi các thứ trưởng Bộ Tài chính của G7 đồng ý xem xét lại mức giá trần 60 đô la vào tuần trước. Một nhóm các nước Đông Âu do Estonia, Lithuania và Ba Lan dẫn đầu muốn đẩy mức trần giá dầu Nga xuống thấp hơn nữa.

Trong một đề xuất được chia sẻ với các nước thành viên EU khác vào đầu tuần này, họ đã trích dẫn các ước tính từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng giá thị trường dầu trung bình của dầu Nga là 54 đô la/thùng vào tháng 12 và 52 đô la/thùng vào tháng 1. Họ muốn hạ thấp mức trần giá dầu Nga xuống còn 40-50 đô la/thùng.

Nhưng Washington tìm cách duy trì ở mức 60 đô la hiện tại vì cho rằng nó đang có tác dụng làm giảm giá dầu Nga.

Trong cuộc đàm phán tại Brussels hôm 27-1, EU cũng nhất trí gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga thêm sáu tháng nữa. Quyết định này ảnh hưởng đến một loạt các đòn trừng phạt Moscow do EU áp đặt vào năm ngoái sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Theo WSJ, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới