Thứ hai, 13/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chất lượng Internet và câu chuyện đầu tư ‘liệu cơm gắp mắm’

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Số lượng các tuyến cáp quang biển tại Việt Nam được đánh giá là khá ít trong bối cảnh thuộc Top 20 thị trường có lượng người sử dụng Internet trên thế giới. Cơ sở hạ tầng cùng các nền tảng kết nối Internet đã được cải thiện trong những năm gần đây nhưng vẫn chưa tương xứng với nhu cầu sử dụng ngày càng tăng của người dân. Việc đầu tư cáp quang biển của các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang phải cân đối theo kiểu "liệu cơm gắp mắm".

Truy cập Internet tại Việt Nam bị ảnh hưởng mỗi khi đứt cáp quang biển. Ảnh minh họa: Vân Ly

Hạ tầng Internet chưa đáp ứng kịp nhu cầu

Với một số người, Tết Nguyên đán là thời gian dành cho việc nghỉ ngơi, giải trí, xem phim, nghe nhạc trực tuyến... Trong đó, có một số dịch vụ do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp (máy chủ của họ đặt ở nước ngoài - PV) nên cần kết nối và truy cập Internet quốc tế thông suốt.

Ngày 30 Tết vừa qua (21-1), tuyến cáp quang biển quốc tế APG đã gặp sự cố trên nhánh S9 hướng kết nối đi Singapore. Đây hiện là tuyến cáp quang biển có kết nối quốc tế có dung lượng lớn nhất trong các tuyến cáp mà các doanh nghiệp internet Việt đang sử dụng. Trước đó, vào ngày 26-12-2022, tuyến cáp này cũng đã bị lỗi trên nhánh S6 gần Hồng Kông...

APG cũng là tuyến cáp quang biển có sự tham gia đầu tư và sử dụng của tất cả các nhà cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT và CMC.

Ngoài tuyến cáp APG, một tuyến cáp biển khác là AAG cũng đang có các lỗi phát sinh từ cuối năm 2022 và đến nay chưa sửa chữa xong... Đây là hai tuyến cáp thường chiếm hơn nửa tổng dung lượng kết nối Việt Nam đi quốc tế.

Thông  thường, sau khi gặp sự cố, thời gian để sửa chữa một tuyến cáp quang biển có khi một vài tuần hoặc vài tháng – tùy theo sự phức tạp của sự cố, vị trí cáp gặp sự cố hoặc việc thu xếp thời gian sửa chữa của đơn vị vận hành.

Còn trong khi tuyến cáp chưa được sửa chữa, các nhà cung cấp dịch vụ internet trong nước sẽ chuyển lưu lượng kết nối quốc tế sang các tuyến cáp biển còn lại hoặc các tuyến cáp đất liền khác. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc truy cập internet của người dùng đến các dịch vụ quốc tế vẫn chậm hơn thông thường.

Do đặc điểm địa lý, nên chỉ có cáp quang biển mới đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu kết nối internet của Việt Nam ra quốc tế, tới các châu lục khác, trong khi các tuyến cáp đất liền chỉ có thể giúp Việt Nam kết nối với Trung Quốc, Lào, Campuchia. Hơn nữa, do phần lớn diện tích của thế giới là biển, nên việc đầu tư cáp quang biển sẽ thuận tiện cho việc kết nối các lục địa khác nhau.

Theo các chuyên gia, trong 5 năm gần đây, các tuyến cáp quang biển Việt Nam gặp sự cố trung bình 10 lần mỗi năm, mỗi lần trục trặc kéo dài cả tháng. Sự cố có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như động đất, đứt cáp, lỗi cáp...

Hiện Việt Nam có tổng cộng 7 tuyến cáp quang biển, trong đó 5 tuyến đang hoạt động và 2 tuyến dự kiến sẽ đưa vào vận hành trong thời gian tới. Các chuyên gia cho biết, trên toàn cầu, các nước đang có số tuyến cáp internet nhiều có thể kể đến Mỹ 93 tuyến, Anh 56 tuyến, Nhật 27 tuyến hay Pháp 23 tuyến, Singapore có 30 tuyến cáp, Malaysia 22 tuyến và Thái Lan có 10 tuyến...

Hạ tầng internet tại Việt Nam trong 10 năm qua liên tục được hoàn thiện và tăng trưởng mạnh. Theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2013 tổng dung lượng kết nối internet quốc tế của Việt Nam chỉ khoảng 800Mbps (Mb trên giây) thì đến hết năm 2022 con số này đạt khoảng 14,2 triệu Mbps – gấp khoảng 18 lần sau 10 năm.

Tổng dung lượng kết nối internet quốc tế của Việt Nam tăng trưởng trong 10 năm qua - nguồn Cục Viễn thông. Ảnh: Vân Ly

Như vậy, hạ tầng kết nối internet quốc tế của Việt Nam được đánh giá đã ngày càng hoàn thiện hơn, nhưng vẫn ở mức thấp so với khu vực và trên thế giới (so sánh theo số tuyến cáp quang biển mà các doanh nghiệp đầu tư). Trong khi nhu cầu sử dụng của người dùng internet ngày càng cao, với mức tăng trung bình 30% mỗi năm. Số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Việt Nam là 1 trong top 20 nước có số người sử dụng internet cao nhất thế giới (khoảng 70% dân số, trong khi đó trung bình của thế giới khoảng 52%).

Nhà đầu tư e dè, thận trọng

Thực tế, hiện Việt Nam đầu tư và sử dụng ít tuyến cáp quang biển hơn các nước. Vậy tại sao chúng ta không đầu tư thêm? Hiện nay các tuyến cáp quang biển thường đi qua, kết nối nhiều nước. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet của các nước có tuyến cáp đi qua có thể tham gia đầu tư để sử dụng tuyến cáp này. Doanh nghiệp Việt khi tham gia đầu tư vào một tuyến cáp quang biển thường dành khoản tài chính thấp nhất 5-10 triệu đô la Mỹ và cao thì có khi lên tới 50 triệu đô la Mỹ (đầu tư càng nhiều tiền thì được sử dụng số lượng băng thông càng lớn).

Nếu muốn việc truy cập internet của Việt Nam không bị ảnh hưởng mỗi khi một tuyến cáp nào đó ngừng hoạt động do sự cố hoặc bảo dưỡng bảo trì, thì các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet phải đầu tư càng nhiều tuyến cáp quang biển càng tốt.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các tuyến cáp quang biển theo cách liệu cơm gắp mắm – đầu tư theo cân đối với sự tăng trưởng của số lượng khách hàng và khả năng tài chính của mình. Do các doanh nghiệp (cả nhà nước và tư nhân) đều phải hướng đến kinh doanh có lợi nhuận, nên Chính phủ không ép buộc doanh nghiệp đầu tư cáp quang biển.

Nhưng việc đầu tư cho hệ thống cáp quang biển là đầu tư cho hạ tầng internet quốc gia. Do đó mỗi khi doanh nghiệp có ý định đầu tư đều phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc tập đoàn FPT, cho biết tăng cường đầu tư vào các tuyến cáp quang biển sẽ giúp cho FPT có thêm phương án bảo vệ và duy trì sự ổn định cho hạ tầng mạng viễn thông quốc tế, đảm bảo an toàn mạng lưới. Đồng thời việc này cũng đảm bảo nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông cơ bản ngày càng tăng cao cần nhiều băng thông với các dịch vụ như internet, truyền hình thoại, truyền số liệu cùng với các dịch vụ mới về phân tán, điện toán đám mây (cloud computing)...

Tham gia đầu tư một tuyến cáp quang biển có điểm cập bờ Việt Nam thì tổng số các doanh nghiệp Việt cần phải tham gia góp vốn khoảng 60-80 triệu đô-la Mỹ. FPT thường đầu tư vào mỗi tuyến cáp khoảng 10-15 triệu đô la Mỹ – với FPT thì đây là khoản tiền không nhỏ, ông Khoa cho biết.

Hơn nữa ông Khoa cho rằng việc các nhà cung cấp dịch vụ internet khi đầu tư cáp quang biển còn phải cân đối giữa dung lượng đầu tư so với dung lượng sử dụng của khách hàng. Khi nào lượng người dùng nhiều lên, cần dung lượng lớn thì sẽ tăng cường đầu tư. Ngay lập tức nếu doanh nghiệp đầu tư nhiều tuyến cáp quang biển thì hiệu quả đầu tư sẽ kém đi – mà phần lớn tiền đầu tư bằng vốn vay – đầu tư nhiều không dùng đến cùng với thời gian sẽ hết khấu hao, lãng phí. “Việc đầu tư cáp quang biển phụ thuộc vào bài toán kinh tế chứ không có rào cản trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư,” ông Khoa nói.

Còn lãnh đạo của tập đoàn Viettel cũng cho biết, việc tự đầu tư vào một tuyến cáp quang biển nào đó không chỉ giúp các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tăng tính chủ động, mà còn giúp chi phí rẻ hơn đi thuê cáp quang biển tới vài chục lần. Để nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hoạt động tốt thì phải đầu tư ít nhất ba tuyến cáp quang biển. Đầu tư thêm càng nhiều tuyến cáp quang biển đến nhiều hướng kết nối khác nhau thì tính dự phòng càng cao, khi một tuyến cáp nào đó gặp sự cố. Bên cạnh đó Viettel muốn tăng cường băng thông kết nối internet quốc tế để chuẩn bị cho lượng thuê bao internet cố định và di động băng thông rộng tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, nhất là khi Việt Nam chuẩn bị triển khai 5G.

Mặc dù các nhà cung cấp dịch vụ internet đều biết được ích lợi của việc đầu tư thêm các tuyến cáp quang biển. Tuy nhiên việc tăng đầu tư thêm nhiều tuyến cáp quang biển cũng không thể tự làm.

Các chuyên gia giải thích, do cáp quang biển đi qua nhiều quốc gia khác nhau nên không thể một tổ chức hoặc doanh nghiệp nào đứng ra làm. Do đó các doanh nghiệp internet Việt Nam cần chờ đợi cơ hội khi có tuyến cáp quốc tế nào đang được các nước đầu tư thì đăng kí tham gia góp vốn.

Được biết, ngoài các tuyến cáp quang biển mà các doanh nghiệp Việt đang đầu tư và sử dụng, Viettel mới đây cho biết tuyến cáp biển quốc tế ADC do tập đoàn này tham gia đầu tư đã cập bờ tại Quy Nhơn, Bình Định và dự kiến sẽ đưa vào vận hành trong năm nay. Đây là tuyến cáp quang có dung lượng băng thông lớn nhất Việt Nam, gấp 3 lần tuyến cáp lớn nhất hiện tại mà các doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia đầu tư và sử dụng là APG - góp phần cung cấp một lượng lớn dung lượng tốc độ cao kết nối từ Việt Nam đi quốc tế. Viettel là thành viên Việt Nam duy nhất đầu tư vào tuyến cáp quang biển ADC này.

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, cho rằng việc các doanh nghiệp đầu tư thêm các tuyến cáp quang biển sẽ giúp đáp ứng nhu cầu băng thông quốc tế và góp phần giảm giá thành, giúp thúc đẩy phát triển các dịch vụ Internet và viễn thông.

Thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ có nhiều hướng kết nối quốc tế hơn, do đó ông Bình cho rằng internet sẽ có chất lượng ổn định hơn, giá thành thấp hơn. Các tuyến cáp biển mới đều được áp dụng những công nghệ mới nhất, do đó dung lượng và giá thành đều có khả năng tốt hơn các tuyến cáp biển hiện tại. Việc có thêm nhiều tuyến cáp quang biển với nhiều hướng kết nối khác nhau, nhiều điểm cập bờ khác nhau (Đà Nẵng, Quy Nhơn, Vũng Tàu) giúp tính dự phòng cao hơn, tăng tính an toàn cho hệ thống các kết nối quốc tế của Việt Nam.

Theo ông  Bình, sự phụ thuộc internet Việt Nam vào các tuyến cáp quang biển quốc tế đã cho thấy nhu cầu trong nước về truy cập internet rất lớn. Điều này cũng như cho thấy phần lớn nội dung và ứng dụng vẫn từ nước ngoài. Các hoạt động chuyển đổi số càng mạnh mẽ, trong khi năng lực đáp ứng trong nước chưa sẵn sàng, thì nhu cầu kết nối internet quốc tế càng tăng.

Theo các chuyên gia, để giảm áp lực cho kết nối internet quốc tế và kết nối dịch vụ không bị ảnh hưởng mỗi khi cáp quang biển gặp sự cố, các doanh nghiệp có thể chuyển sang sử dụng các dịch vụ do doanh nghiệp nội cung cấp. Hoặc có thể lựa chọn dịch vụ của những doanh nghiệp ngoại có đặt hạ tầng công nghệ (máy chủ cung cấp dịch vụ) ở trong nước.

1 BÌNH LUẬN

  1. Hiện tại 2 trung tâm dữ liệu lớn của các tập đoàn quốc tế đặt tại Singapore và HongKong, do đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ truy cập Internet của Vietnam mỗi khi có sự cố đứt cáp. Thiết nghĩ chính phủ nên tìm cách thúc đẩy các tập đoàn CNTT và hạ tầng dữ liệu quốc tế đặt trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, đơn cử như Amazon đã đặt 1 số máy chủ dịch vụ tại Hà Nội, cũng như Youtube đã có 1 số cụm máy chủ ở TPHCM và Hà Nội. Chúng ta nên khuyến khích họ phát triển hơn nữa ở Vietnam.
    Việc thuyết phục các công ty quốc tế sử dụng những dịch vụ trong nước là rất khó vì nhiều lý do: lòng tin về an toàn thông tin, dịch vụ có thể sử dụng cho các chi nhánh ở toàn cầu.
    Đơn cử như ở doanh nghiệp tôi đang làm việc(1 công ty đa quốc gia) khi dịch Covid-19 xảy ra, tất cả nhân viên đều làm việc ở nhà trừ bộ phận IT, nhưng khi truy cập vào hệ thống của công ty thì bị chập chờn vì lý do công ty mẹ sử dụng dịch vụ VPN toàn cầu của Cisco và server được đặt ở Singapore. Tôi ở Q.6, truy cập vào máy tính công ty ở Q.Bình Thạnh thì gói tin đi vòng qua Singapore để đi và về.
    Sau khoảng thời gian đầu đầy khó khăn thì công ty ở TPHCM cũng đã cấu hình được server trực tiếp ở Vietnam, qua trung tâm dữ liệu của CMC. (Đó là 1 câu chuyện dài để thuyết phục bộ phận an ninh thông tin của công ty mẹ)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới