(KTSG) - Tết nào cũng vậy, lớp thời trung học đều gặp mặt trong buổi cà phê xuyên trưa mùng 4 này. Không phải mọi người đều đến đủ nhưng những người muốn đến mà không thể đến đều bằng nhiều cách thông báo việc không có mặt của mình, số không đến cũng không nói gì thì không cần bàn đến dù họ chiếm con số không nhỏ.
Năm nay, bàn cà phê đầu năm chỉ có 15 trong 45 bạn học nhưng câu chuyện chính bàn tới có lẽ không là chuyện của riêng mười mấy người trong bàn.
Bạn tôi là giáo viên dạy trung học cơ sở ở trường nội thị thuộc một tỉnh Nam Trung bộ. Nhà bạn thuộc diện tài chính vững chắc, không giàu nứt đố đổ vách nhưng bất động sản và tiền mặt có thừa. Bạn được hai mặt con vừa nếp vừa tẻ, học rất giỏi, rất ngoan lại thêm người chồng giỏi giang.
Trong mắt bạn học chúng tôi, bạn sung túc nhưng vẫn sống giản dị như thời còn đi học nên ai cũng quý, mừng vui với hạnh phúc của bạn. Nhưng bức tranh đẹp của khoảng bao mươi năm trước đó không còn nguyên vẹn nữa.
Cuối năm rồi, bạn cưới vợ cho người con trai lớn, cũng là lúc bạn tìm người bạn thân nhất thời cấp ba trút hết nỗi niềm trong lòng: Con gái nhỏ bị trầm cảm ngày càng nghiêm trọng.
Người bạn thân ấy cũng là bạn cùng lớp tôi thuật lại rằng, cô con gái học rất giỏi, đã dành được học bổng toàn phần ở một trường đại học danh tiếng của Nga, chuyên ngành kỹ thuật và được nhiều công ty nước ngoài mời làm việc sau khi tốt nghiệp.
Cháu cũng đi làm một thời gian, nhưng sau đó lại trở về quê nhà. Cháu suốt ngày loay hoay trong phòng riêng, không chịu gặp gỡ ai, ăn uống cũng ít, người gầy nhom và mất ngủ. Bạn đã khuyên hãy đưa cháu đi khám bệnh và điều trị ở Sài Gòn, hiện cũng chưa biết sao.
Bàn cà phê lúc này bắt đầu sôi sùng sục với câu hỏi: “Tại sao con gái của bạn tôi lại trở nên như vậy?”. Hàng loạt giả thuyết đã được đưa ra. Theo người bạn thân, bạn tôi là người sống theo khuôn khổ của gia đình, quen với việc cha mẹ bảo sao thì phải làm theo như vậy, từ nếp sinh hoạt hàng ngày đến việc sẽ thi vào trường cấp ba nào, đại học nào, chọn ngành học nào, dự kiến sẽ làm ở đâu sau khi ra trường và phải thực thi các bậc tam cấp thành đạt ra sao… hầu như đã được vạch sẵn tự kiếp nào vậy.
Bạn tôi đã áp khuôn mẫu đó lên cả hai con của mình để rồi khi con gái mắc bệnh, bạn cũng vô tình rơi vào tình trạng căng thẳng, bất an mà người bạn thân cho là “không khéo thì con bệnh, mẹ cũng bệnh theo vì suốt ngày gọi điện thoại “than con mèo nhà ai sao cứ thả vào nhà mình”.
Áp đặt con cái làm điều mình chưa làm được thời trẻ hay nghĩ rằng con nên - cần làm để bảo đảm cho cuộc sống tốt đẹp tương lai là chuyện được nói tới từ lâu nhưng chưa bao giờ cũ, bởi nó dính dáng đến thế hệ tiếp nối - những người đang sống ở thế kỷ 21 này. Và chuyện của bạn tôi không phải là duy nhất.
Một bạn học khác cũng chung lớp trung học nay sống ở Sài Gòn - không phải ở quê nhà Nam Trung bộ - cho hay vợ chồng bạn cũng là cặp bố mẹ áp đặt con cái, nhất là trong việc học hành. Hai con trai của bạn từ bé đã răm rắp tuân theo định hướng nghề nghiệp của cha mẹ: phải vào Y-Dược. Nay con trai lớn đã vào một trường đại học ngành y được bốn năm, con trai thứ đang học 12, chuẩn bị hồ sơ vào trường dược.
Bạn nói: “Cha mẹ nào cũng áp đặt con cái hết, nhưng theo cách nào để nó hiểu và chấp thuận làm theo mới là điều quan trọng”.
Tôi nghĩ tới các đồ án mà con tôi đang làm. Trong các nội dung soạn thảo đầu tiên luôn có chi tiết mô tả về mục tiêu hướng tới ai (người sử dụng, người thụ hưởng?), để làm gì (giải quyết những chuyện gì?) và phần này thay đổi trong mỗi đồ án.
Điểm xác định này là điểm tựa cho những nội dung khác nhau trong đồ án để làm ra thành phẩm cuối cho người sử dụng đã nêu trên. Và nó cũng giúp tạo ra những điểm khác biệt giữa các đồ án của con tôi và các bạn đồng học vì mỗi đồ án hướng về ai thì thành phẩm dành cho người dùng đó mà.
Có lẽ bạn nói đúng rằng các cặp bố mẹ nào cũng muốn con cái mình nên học hành ra sao hay làm điều này mà không phải điều kia dựa vào quan điểm riêng, kinh nghiệm sống đã có nhưng tùy theo cách mỗi người làm mà có kết quả tốt, như ý hoặc ngược lại là một hậu quả đáng buồn, còn bị cho là “áp đặt, cứng nhắc, lạc hậu”.