(KTSG Online) – Khi các chương trình đào tạo nhân lực phục vụ cơ giới hoá cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị “phá sản” thì Trung tâm cơ giới hoá đang trong giai đoạn hình thành được kỳ vọng sẽ là “lò đào tạo” nhân tài ở lĩnh vực này cho ngành nông nghiệp.
- Phụ thuộc máy móc nhập khẩu, bài toán cần giải quyết trong cơ giới hoá nông nghiệp
- Cơ giới hoá trong lĩnh vực cây ăn trái vẫn còn yếu
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, mức độ ứng dụng cơ giới hoá trong nông nghiệp những năm gần đây đã có bước cải thiện đáng kể, như khâu trồng trọt đạt từ 70-100%; chăn nuôi đạt từ 55-90%.
Hiện cả nước có khoảng 7.803 doanh nghiệp cơ khí, 271 tổ chức nghiên cứu khoa học và khoảng 538.700 lao động thuần cơ khí, trong đó, có gần 20.000 cán bộ kỹ thuật được đào tạo chính quy.
Tuy nhiên, các “lò đào tạo” ngành cơ khí nông nghiệp ngày càng kém hấp dẫn khi không thể thu hút được sinh viên theo học, thậm chí một số nơi đã quyết định "đóng cửa" hoặc còn duy trì nhưng số lượng sinh viên theo học cũng không đáng kể.
“Đóng cửa” ngành cơ khí nông nghiệp vì không có sinh viên
Liên quan câu chuyện nêu trên, ông Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng trường Bách Khoa thuộc Trường Đại học Cần Thơ, cho biết, cách đây khoảng 23-24 năm, tức vào khoảng năm 1999, ngành cơ khí nông nghiệp của Trường Đại học Cần Thơ đã không còn đào tạo sinh viên hay nói cách khác đã “đóng cửa”.
Tuy nhiên, theo ông Cương, ở trường Bách Khoa thuộc Trường Đại học Cần Thơ hiện vẫn còn duy trì khoa kỹ thuật cơ khí, trong đó, có các ngành liên quan đến chế tạo máy, giao thông và ô tô. “Các thầy, cô trong khoa kỹ thuật cơ khí hiện cũng rất đắn đo, cho nên, khi xây dựng các chương trình đào tạo vẫn giữ lại những hợp phần mang tính chất cốt lõi cho việc phát triển cơ giới hoá nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm mục đích phát triển vùng này”, ông Cương nói.
Việc "đóng cửa" ngành cơ khí nông nghiệp ở trường Bách Khoa thuộc Trường Đại học Cần Thơ do khả năng thu hút sinh viên theo học ở lĩnh vực này thời gian qua không có.
Còn ở Trường Đại học Nông lâm TPHCM, tại hội thảo “Cơ giới hoá đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững”, diễn ra hồi tháng 8 năm ngoái tại thành phố Cần Thơ trong khuôn khổ sự kiện Agri Technica Asia Live 2022, ông Nguyễn Hữu Bích, Trưởng khoa Cơ khí- Công nghiệp của trường này, cho biết Đại học Nông lâm TPHCM đã có 57 năm đào tạo, tuy nhiên, qua thống kê, số sinh viên theo học ngành cơ khí nông nghiệp là rất ít.
Cụ thể, trong suốt giai đoạn từ năm 2000-2015, thì năm 2010-2011, ngành cơ khí nông nghiệp của trường không thu hút được sinh viên nào theo học, trong khi những năm trước đó cũng chỉ có 9-17 sinh viên.
Từ những năm 2012 trở đi, sinh viên theo học ngành cơ khí nông nghiệp của Trường Đại học Nông lâm TPHCM có tăng lên và đạt khoảng 70-80 sinh viên ở những năm 2015-2021, nhưng đây vẫn là con số còn khá khiêm tốn, không đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Ông Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng số lượng doanh nghiệp cơ khí nhỏ của Việt Nam rất nhiều (cả nước hiện có khoảng 7.803 doanh nghiệp cơ khí- PV), nhưng năng lực còn hạn chế. “Do đó, tôi nghĩ cần tính đến việc nâng cao năng lực các doanh nghiệp nhỏ để nâng cấp họ lên, chứ nếu không Việt Nam vẫn sẽ lệ thuộc vào các công ty cơ khí cơ giới hoá của nước ngoài (hiện có đến 80% máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hoá nông nghiệp là nhập khẩu- PV)”, ông Nhân cho biết.
Tại buổi làm việc về Trung tâm cơ giới hoá vùng ĐBSCL diễn ra ở TP Cần Thơ hôm 30-1, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thừa nhận dù nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế nhưng sinh viên theo học các ngành liên quan đến nông nghiệp là rất ít.
Theo ông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện có 4 trường đại học và 28 trường cao đẳng nhưng cũng đang “khát” sinh viên. “Ngay trong hệ thống trường nông nghiệp của chúng tôi, một số ngành như khoa học đất, lâm sinh, nông học, thuỷ sản, đánh bắt…, gần như thất nghiệp rồi (không có sinh viên theo học- PV)”, ông nói. Ông cho biết hiện đơn vị này phải chủ động đẩy mạnh các hoạt động để sinh viên thấy học ngành nông nghiệp có thể tồn tại lâu dài, mang lại thu nhập ổn định nhằm "kéo" sinh viên quay lại học.
“Lò đào tạo” nhân tài mang tên Trung tâm cơ giới hoá?
Một trong những nội dung đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh, đó là hình thành Trung tâm cơ giới hoá vùng ĐBSCL. “Ý định của chúng tôi, đây là đơn vị sự nghiệp, xã hội hoá, chứ không phải là cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, sẽ có bốn đơn vị tham gia gồm cơ quan quản lý nhà nước; trường đại học; doanh nghiệp, hợp tác xã và ngân hàng”, ông Nam nói.
Trong nghị định đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, đơn vị này sẽ đưa ra nhiều định hướng, bao gồm xây dựng tiêu chí công nhân lái máy cày nhằm từng bước hướng đến công nhân nông nghiệp; tiêu chí đánh giá năng lực chế biến, bao gồm về công nghệ, quản lý, nhân lực và thông tin. “Chính phủ có Nghị quyết đến 2030 thì Việt Nam nằm trong top 10 thế giới về chế biến, nhưng để chứng minh top 10 dựa vào tiêu chí gì lại không có, cho nên, đó là những cái chúng tôi quyết tâm hình thành trung tâm này”, ông Nam cho biết.
Bên cạnh tổ chức lại sản xuất, theo ông Nam, vấn đề quan trọng của Trung tâm cơ giới hoá là tập trung triển khai đào tạo để nâng cao tư duy, trình độ tay nghề của người sản xuất; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm giúp sinh viên thấy lĩnh vực cơ giới hoá nông nghiệp có nhiều ý tưởng để sáng tạo. “Hiện khoa cơ khí nông nghiệp ở Trường Đại học Cần Thơ đã đóng cửa, những hoạt động ở đây sẽ giúp đưa sinh viên vào tham quan, học tập nhằm nâng cao nhận thức để các em có thể bắt đầu quay lại yêu nghề cơ khí”, ông nói.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Trung tâm cơ giới hoá nông nghiệp sẽ thực hiện 8 nội dung, bao gồm nghiên cứu sáng tạo, chuyển giao công nghệ; đào tạo tập huấn, nâng cao kỹ năng nghề phục vụ cơ giới hoá; tư vấn ứng dụng máy, thiết bị công nghệ vào sản xuất; cung ứng máy, thiết bị, công nghệ và dịch vụ cơ giới hoá; dịch vụ bảo hiểm, sửa chữa máy, thiết bị, công nghệ; đầu mối liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phụ phẩm nông nghiệp, xử lý môi trường, chất thải; các dịch vụ phát triển cơ giới hoá nông nghiệp khác như hỗ trợ khởi nghiệp, cải tiến máy và cuối cùng là thu hút nguồn nhân lực (vốn, công nghệ đầu tư cho cơ giới hoá).
Theo đó, trung tâm này sẽ thực hiện ba chức năng, bao gồm nghiên cứu, trình diễn và ứng dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, trong đó, có cơ giới hoá, cung cấp các dịch vụ cơ giới hoá đồng bộ và đào tạo nhân lực cho cơ giới hoá.
Đối với các nước phát triển, theo ông Bích, bài toán cơ giới hoá là phải đào tạo nhân lực chất lượng. “Nhật Bản đã áp dụng cơ giới hoá không người lái và việc này đòi hỏi phải có nguồn nhân lực ở trình độ cao”, ông nhấn mạnh và cho rằng các trường đại học của Nhật đã đào tạo ngành cơ khí rất nhiều.
Một dẫn chứng khác được ông Bích đưa ra, đó là vào những năm 1960, Hàn Quốc không hơn gì so với Việt Nam về cơ giới hoá nông nghiệp. Thế nhưng, từ năm 2020 đến nay, Hàn Quốc đã tiến đến cơ giới hoá toàn bộ ngành nông nghiệp.
“Kết quả đó có được nhờ vào việc đào tạo nhân lực ngành cơ khí nông nghiệp của các trường đại học Hàn Quốc”, ông nói. Ông cho rằng, với Việt Nam cũng cần phải làm tốt công tác hướng nghiệp, tuyển sinh ngành cơ khí nông nghiệp; có chính sách tổng thể về đào tạo và hệ thống kỹ thuật cho ngành cơ khí nông nghiệp...