Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lệnh cấm vận của EU sẽ không chặn đứng xuất khẩu diesel của Nga

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Kể từ ngày mai (5-2), Liên minh châu Âu (EU) chính thức cấm nhập khẩu các chế phẩm dầu mỏ của Nga bao gồm dầu diesel bằng đường biển. EU kỳ vọng lệnh cấm này sẽ hạn chế doanh thu dầu mỏ của Nga, nguồn tài chính quan trọng để giúp Moscow duy trì các chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Nga sẽ nhanh chóng tìm được các thị trường mới sẵn sàng mua dầu diesel giá rẻ của Nga để sử dụng trong nước và bán lại dầu diesel do họ tự sản xuất hoặc nhập khẩu từ các nguồn khác sang châu Âu với giá cao hơn.

Một tàu chở dầu diesel của Nga giao hàng ở kho cảng nhiên liệu Purfleet tại thị trấn Purfleet, Anh hồi tháng 4-2022. Anh đã cấm nhập khẩu dầu thô và các chế phẩm dầu mỏ của Nga kể từ đầu tháng 12 năm ngoái. Ảnh: Bloomberg

Nga có thể duy trì xuất khẩu diesel nhờ ngưỡng giá trần khá cao

Trong nhiều thập niên, các đội tàu chở dầu di chuyển con thoi giữa một cụm cảng nhỏ ở tây bắc châu Âu và Biển Baltic (tiếp giáp với Nga), với mỗi chiếc tàu chở khoảng 40 triệu lít dầu diesel của Nga để giúp duy trì hoạt động kinh tế của châu Âu. Bắt đầu từ ngày 5-2,  hoat động đó sẽ dừng lại khi EU triển khai lệnh cấm nhập khẩu các chế phẩm dầu mỏ của Nga bằng đường biển.

Ban đầu, thông tin về lệnh cấm vận này gây ra một số lo ngại về việc hoạt động xuất khẩu dầu diesel sẽ bị tắc nghẽn, có thể khiến giá nhiên liệu này trên thị trường quốc tế tăng cao. Tuy nhiên, các quy tắc mới được thiết kế lỏng lẻo đến mức chúng sẽ làm giảm bớt tổn thương cho Nga lẫn châu Âu. Ngay trước khi lệnh cấm vận có hiệu lực, các cường quốc của khối G7, EU và Úc đã nhất trí áp giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ cao cấp của Nga, bao gồm dầu diesel ở mức 100 đô la/thùng. Họ cũng đồng tính áp mức giá trần 45 đô la/thùng cho những sản phẩm dầu mỏ cấp thấp hơn như dầu đốt lò và một số loại naphtha. Điều này có nghĩa là bất kỳ nước thứ ba nào muốn sử dụng các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, vận chuyển của châu Âu để mua nhiên liệu của Nga phải tuân thủ cơ chế giá trần trên. Châu Âu và Anh hiện là các nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm và tái bảo hiểm lớn nhất thế giới đối với vận tải biển.

Thay vì cản trở hoạt động xuất khẩu của Nga, ngưỡng giá trần khá cao đối với dầu diesel của Nga dường như được thiết kế để Nga tiếp tục duy trì hoạt động xuất khẩu nhiên liệu này. Những bên được hưởng lợi lớn nhất rất có thể sẽ là các thương nhân và công ty vận chuyển dầu vì cơ chế giá trần nói trên cho phép nhiên liệu của Nga tiếp tục chảy ra thị trường quốc tế thông qua các tuyến đường vòng, phức tạp hơn.

“Sớm muộn gì thị trường cũng sẽ tìm được trạng thái cân bằng, tất nhiên là với cái giá phải trả cho tất cả các bên. Tôi không nghĩ sẽ có bất kỳ cuộc khủng hoảng lớn nào”, Dario Scaffardi, cựu giám đốc điều hành của Saras (Ý), một trong những công ty lọc dầu lớn nhất châu Âu, nhận định.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều không chắc chắn về những thay đổi của dòng chảy diesel từ Nga. Châu Âu, nơi các lĩnh vực giao thông vận tải, công nghiệp và nông nghiệp đều tiêu thụ rất nhiều dầu diesel, đã phải chịu đựng nhiều tháng căng thẳng về năng lượng do tác động của cuộc Nga-Ukraine. Cuộc khủng hoảng năng lượng đã khiến chi phí nhiên liệu tăng vọt ở châu Âu và đẩy một số nền kinh tế trong khu vực tiến đến bờ vực suy thoái.

Các nước thứ ba sẵn sàng mua dầu diesel giá rẻ của Nga

Các nước châu Âu đã khẩn trương mua nhiên liệu dự trữ trong những tháng gần đây, với các lô hàng dầu diesel nhập khẩu vào EU trong quí  cuối cùng của năm ngoái đạt mức cao nhất từ đầu năm 2016. Các lô hàng dầu diesel nhập khẩu vào EU trong đầu năm 2023 vẫn duy trì ở mức cao hơn bình thường.

Nhưng sẽ có rất nhiều cách hợp pháp để luồn lách lệnh cấm vận của EU đối với nhiên liệu Nga. Chẳng hạn, dầu thô của Nga có khả năng được chế biến ở các nước như Ấn Độ và sau đó được gửi đến châu Âu dưới dạng dầu diesel không phải của Nga.

Eugene Lindell, người phụ trách bộ phân các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Facts Global Energy, nói: “Chúng tôi không cho rằng nguồn cung dầu diesel cho châu Âu sẽ cạn kiệt”.

Hiện tại, Nga dường như không lo lắng nhiều về rủi ro gián đoạn xuất khẩu nhiên liệu. Moscow có kế hoạch xuất khẩu khoảng 730.000 thùng dầu diesel mỗi ngày từ các cảng chính ở phía tây của đất nước trong tháng này, theo dữ liệu thu thập của Bloomberg có được. Đó sẽ lượng dầu diesel xuất khẩu hàng tháng lớn nhất của Nga kể từ ít nhất là đầu năm 2020.

Việc Nga có thể đạt kế hoạch xuất khẩu đó hay không tùy thuộc vào việc nước này có thể thâm nhập các thị trường mới tốt như thế nào. Ví dụ, Moscow thuyết phục các nước thứ ba mua dầu diesel giá rẻ của Nga, rồi sau đó, sau đó, bán lại dầu diesel mà họ tự sản xuất hoặc nhập khẩu từ các nước khác,  sang châu Âu.

Triển vọng này có thể thể hấp dẫn đối với các thương nhân ở các nước có thể mua diesel giá rẻ của Nga và bán lại nguồn cung diesel khác của họ vào EU với giá cao hơn.

Hồi đầu tuần này, giá dầu diesel của Nga xuất khẩu từ Biển Baltic ở mức khoảng 90 đô la/thùng, thấp hơn 25% so với giá dầu diesel giao cho các nước ở tây bắc châu Âu, theo dữ liệu của Argus Media. Với các lo ngại về việc giao dịch với Moscow, giá dầu diesel xuất khẩu của Nga có thể chiết khấu sâu hơn nữa.

Trong tháng 12 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhập khẩu một lượng dầu diesel kỷ lục của Nga, đồng thời, xuất khẩu diesel của nước này cũng tăng lên mức cao kỷ lục. Tương tự, nhập khẩu dầu diesel của Morocco, tăng vọt trong tháng trước, với sự gia tăng lớn từ Nga.

Rủi ro tăng giá khi nếu xuất khẩu nhiên liệu của Nga giảm

Tuy nhiên, việc Nga phải chuyển hướng xuất khẩu nhiên liệu sang các thị trường mới có thể làm gia tăng rủi ro gián đoạn bất ngờ hoặc sự trì trệ trong chuỗi cung ứng.

Các con tàu chở nhiên liệu của Nga sẽ phải di chuyển những hành trình xa hơn, gây áp lực cho công suất vận chuyển. Theo Ben Luckock, đồng giám đốc giao dịch dầu của Công ty kinh doanh hàng Trafigura, Nga cần tìm thị trường mới cho một lượng nhiên liệu khổng lồ.

Ông nói: “Chúng ta đang tạo ra sự hoạt động kém hiệu quả trong một thị trường dầu mỏ đã trải qua nhiều thập niên trở nên cực kỳ hiệu quả. Sự kém hiệu quả có xu hướng làm tăng giá nhiên liệu”.

Nhiên liệu của Nga vẫn có thể được bán hợp pháp trên mức giá trần của phương Tây cho những bên mua không sử dụng dụng dịch vụ tài chính, bảo hiểm hay vận chuyển của phương Tây. Một lượng lớn tàu chở dầu ‘bóng tối’ đã Nga tập hợp cho mục đích này.

Tuy nhiên, tất cả những điều đó vẫn có thể không đủ để xử lý toàn bộ lượng nhiên liệu xuất khẩu của Nga. Hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie dự báo xuất khẩu dầu diesel của nước này sẽ giảm khoảng 200.000 thùng/ngày trong quí 1-2023 so với quí trước đó.

Mark Williams, giám đốc nghiên cứu các sản phẩm lọc dầu của Woodmac, dự đoán khi thị trường hoảng loạn, giá dầu diesel sẽ tăng đột biến, dù không lên đến mức cao đỉnh điểm trong vào năm 2022 Ông nói: “Thị trường đã có thời gian để xây dựng lượng dầu diesel dự trữ và tìm nguồn cung thay thế”.

Giá dầu diesel tăng vọt ở châu Âu khi Nga phát động “chiến dịch quân sự” ở Ukraine gần một năm trước. Kể từ đó, giá nhiên liệu này đã giảm phần nào.

Các chuyên gia dự báo trong thời gian ban đầu sau khi lệnh cấm vận của EU có hiệu lực, một số gián đoạn nguồn cung nhiên liệu từ Nga sẽ xảy ra.  Nga và những công ty kinh doanh nhiên liệu của nước này sẽ cần tìm khách hàng thay thế để mua khoảng 600.000 thùng diesel mà Nga xuất khẩu sang EU mỗi ngày trước đây, cũng như thu xếp hoạt động chuyển và tín dụng.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới