Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Vietnam Airlines có thể bị hủy niêm yết cổ phiếu tại HOSE vì lỗ kéo dài

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) -  Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) vừa có văn bản gửi Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) lưu ý về khả năng bị hủy niêm yết cổ phiếu do kinh doanh thua lỗ kéo dài.

Dù doanh thu tăng trở lại nhưng Vietnam Airlines vẫn chưa thoát khỏi tình trạng lỗ lã trong năm 2022. Ảnh minh hoạ: Anh Quân

Trong văn bản này, HOSE thông báo Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) về khả năng cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.

Theo báo cáo tài chính của Vietnam Airlines, trong quí 4-2022, chi phí tài chính của Vietnam Airlines tăng gấp 3,6 lần cùng kỳ, lên hơn 1.000 tỉ đồng, chủ yếu là lỗ chênh lệch tỷ giá và lãi vay. Cộng thêm vào đó là chi phí bán hàng tăng lên hơn 1.000 tỉ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ dẫn đến Vietnam Airlines lỗ ròng gần 2.700 tỉ đồng trong quí 4-2022, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 1.000 tỉ đồng.

Tính chung cả năm 2022, Vietnam Airlines lỗ ròng 10.400 tỉ đồng, dù doanh thu gấp 2,5 lần cùng kỳ, đạt 70.500 tỉ đồng. Theo lý giải của Vietnam Airlines, kết quả thua lỗ quí 4-2022 là do thị trường quốc tế phục hồi chậm, chi phí nhiên liệu tăng mạnh, xung đột Nga-Ukraine, các biến động về tỷ giá và lãi suất tăng.

Với 12 quí lỗ liên tiếp, Vietnam Airlines đang lỗ lũy kế hơn 34.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 10.000 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa cổ phiếu của Vietnam Airlines đối diện với nguy cơ bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục lỗ ròng hoặc vốn chủ sở hữu là con số âm.

Ngày 1-6-2022, HOSE đã ban hành quyết định giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines do vốn chủ sở hữu âm 2.160 tỉ đồng, dựa theo BCTC hợp nhất quí 1-2022 và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên BCTC kiểm toán 2 năm gần nhất (2020, 2021) là số âm.

Theo quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ, cổ phiếu của một công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết trong trường hợp kết quả sản xuất kinh doanh bị lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong BCTC kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới