(KTSG Online) - Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định không siết tín dụng đổ vào bất động sản. Vào năm 2022, bất động sản vẫn chiếm trên 21% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. Tại hội nghị về tín dụng bất động sản, các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bất động sản đã tham gia góp ý, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, qua đó Ngân hàng Nhà nước sẽ tổng hợp, đề xuất báo cáo Thủ tướng trước ngày 15-2.
- Thị trường bất động sản 2023: ‘Cờ’ sẽ nằm trong tay ai?
- Bất động sản ‘đi dây thăng bằng’ giữa khó khăn tài chính, thanh khoản
- Bất động sản trải qua năm buồn, gian nan chặng đường phía trước
Cổng thông tin Ngân hàng Nhà nước thông tin, ngay sau cuộc họp chiều 7-2 về giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản, người mua, giảm chi phí để hạ lãi vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 8-2, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức hội nghị về tín dụng bất động sản để các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bất động sản đóng góp ý kiến.
Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định đến nay chưa có văn bản nào mang nội dung Ngân hàng Nhà nước siết chặt tín dụng với lĩnh vực bất động sản. Ngân hàng Nhà nước vẫn cấp tín dụng cho bất động sản với mức tăng trưởng cao và dư nợ lớn trong năm qua. Với các dự án, phương án vay vốn khả thi, các ngân hàng thương mại vẫn cho vay theo đúng quy định.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, những diễn biến trên thị trường cũng như những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản có tác động trực tiếp đến chất lượng tín dụng, sự ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên các hoạt động của Ngân hàng Nhà nước chỉ kiểm soát chặt chẽ những rủi ro tín dụng vào một số lĩnh vực, phân khúc có độ rủi ro cao trong lĩnh vực bất động sản như đầu cơ, doanh nghiệp kinh doanh mang tính đầu cơ, kinh doanh phân khúc hạng cao cấp, giá trị lớn, có tính chất thị trường bong bóng, đóng băng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới hệ thống…
Dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỉ đồng, tăng hơn 24% so với cuối năm 2021 và là một trong những lĩnh vực được giải ngân với mức tăng cao nhất. Tính đến cuối 2022, bất động sản chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ với nền kinh tế - là mức cao nhất trong 5 năm qua.
Trong đó, nguồn vốn tập trung chủ yếu vào nhu cầu tiêu dùng/tự sử dụng (chiếm gần 69%). Cho vay kinh doanh bất động sản chỉ chiếm hơn 31% (tăng 11,5% so với đầu năm). Xét về phân khúc bất động sản, dư nợ giải ngân cho nhu cầu nhà ở chiếm hơn 62%, quyền sử dụng đất chiếm gần 21%, khu công nghiệp và khu chế xuất gần 2,7%, khác là 13,8%.
Cũng theo báo cáo của các ngân hàng và Bộ Xây dựng, khó khăn vướng mắc của thị trường bất động sản hiện tập trung chủ yếu ở các vấn đề về thủ tục pháp lý (chiếm 70% khó khăn, vướng mắc của thị trường), trình tự thủ tục đầu tư, về nguồn vốn trái phiếu. Do đó để tháo gỡ, theo Ngân hàng Nhà nước, cần sự triển khai đồng bộ các giải pháp từ phía các bộ, ngành liên quan.
Vì thế Ngân hàng Nhà nước khẳng định, nguồn vốn chảy vào bất động sản thời gian tới sẽ tập trung vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo pháp lý, các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ tốt, trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở.
Ngân hàng Nhà nước vẫn chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ người dân trong việc mua nhà tự sử dụng, mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân – Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục kiểm soát rủi ro khi cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung; kinh doanh có tính đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của tổ chức tín dụng...
Theo TTXVN, đại diện các doanh nghiệp bất động sản tại hội nghị kiến nghị cho phép tái cơ cấu các khoản vay đến hạn. Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đề nghị cách làm tương tự tái cơ cấu các khoản vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19, giúp các doanh nghiêp không bị chuyển nhóm nợ xấu và vẫn tiếp cận được vốn vay để thực hiện các dự án dang dở.
Đại diện Novaland đồng thuận với phương án cơ cấu lại các khoản nợ cho phù hợp hơn với tình hình đang diễn ra ở Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp không rơi vào tình trạng vỡ nợ hay vi phạm, vi phạm chéo các khoản vay. Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép cơ cấu, giãn nợ để tránh trường hợp nhảy nợ, hỗ trợ cho việc giải ngân các khoản nợ tiếp theo để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Đại diện Vingroup đề nghị các ngân hàng tài trợ cho hoạt động mua bán, đặt cọc, chuyển nhượng phần vốn góp và cổ phần trong các công ty đầu tư dự án và hoạt động M&A. Lãi suất vay vốn cần được điều chỉnh lại, song song với việc duy trì tỷ lệ tài sản đảm bảo như các khoản vay thông thường đối với các dự án có đầy đủ cơ sở pháp lý.
Mọi ngành kinh tế đều phải được đánh giá dựa trên tính chuẩn mực pháp lý/ quan hệ thị trường/ hiệu quả kinh tế. Do vậy không nên đặt vấn đề ngành này, ngành kia phải được ưu tiên, hoặc không, trừ phi trong những bối cảnh đặc thù, hãn hữu. Nếu không điều hành vĩ mô dễ bị phân tán, méo mó, sa đà, không tập trung vào các mục tiêu trọng tâm của toàn bộ nền kinh tế. Nên xem tín dụng bất động sản là hoạt động kinh doanh bình thường của hệ thống NH. Vấn đề không phải là hệ thống ngân hàng hoặc doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Thực tế này khi nào mà chả có. Chỉ có những khó khăn, thử thách ta chưa muốn đoạn tuyệt, vượt qua, một lần và mãi mãi, mà thôi.
Đổi mới lâu rồi. Phân vai vẫn chưa rõ. Mãi ôm đồm. NHNN chỉ lo chuyện lạm phát/ lãi suất/ tỷ giá. NHTM, chủ doanh nghiệp tự lo làm ăn kinh doanh. Không có vốn thì phải biết dừng lại, cắt giảm, tái cơ cấu, bán tài sản. Phá sản cũng không phải là phương cách xa lạ, thậm chí rất bình thường trong bối cảnh thị trường. Nguyên lý đã rõ. Thực tiễn đã chín. Muốn làm ăn lâu dài thì phải thấu hiểu. Không ai làm thay cho ta được đâu. Như thế kinh tế đất nước mới ổn và phất lên được.
LS cao không phải hoàn toàn tiêu cực. Đó là phản ứng bình thường của thị trường khi có những nhân tố bất ổn, rủi ro tăng lên. Đây còn là đòn trừng phạt đáng giá cho những tư duy kinh doanh chụp giật, đánh quả… khá phổ biến như hiện nay. Mỗi một NH sẽ có một khẩu vị rủi ro riêng, vậy nên NHNN cũng không thể can thiệp chủ quan vào mặt bằng lãi suất thị trường. Vay bằng mọi giá sẽ khác với vay bằng mọi cách. Lãi suất tốt là lãi suất cả hai bên đều mong muốn. Nhưng chưa hẳn là lãi suất tốt nhất đối với mỗi bên.