Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thủy điện Trung Quốc xả nước hạn chế khiến xâm nhập mặn sớm ở ĐBSCL

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đập thủy điện ở Trung Quốc xả nước hạn chế, chỉ khoảng 650-904 m3/giây, khiến dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị ảnh hưởng, làm xâm nhập mặn tác động đến vùng này xảy ra sớm hơn.

Thuỷ điện Trung Quốc xả nước hạn chế khiến xâm nhập mặn ở ĐBSCL xảy ra sớm hơn. Ảnh: Trung Chánh

Thông tin từ Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết, trong tuần từ ngày 26-1 đến 2-2, lưu lượng xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc xuống hạ lưu dao động phổ biến từ 650-904 m3/giây (lưu lượng xả lúc bình thường trên dưới 2.000 m3/giây). Đây là tuần thứ hai liên tiếp thủy điện Trung Quốc xả nước thấp xuống hạ lưu trong thời gian qua.

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, các hồ chứa trên lưu vực có tổng dung tích nước có thể điều tiết cho mùa khô năm 2023 là khoảng 36,8 tỉ m3, tương đương chỉ 56,2% tổng dung tích hữu ích. Còn riêng các hồ chứa trên lưu vực sông Mê Kông thuộc Trung Quốc có dung tích điều tiết là khoảng 12 tỉ m3, tương đương chiếm khoảng 50,5% tổng dung tích hữu ích.

Việc tích nước muộn và xả nước cầm chừng đầu mùa khô là rất có thể xảy ra và thực tế khu vực thủy điện Trung Quốc đã bắt đầu (xả nước hạn chế - PV) như trong hai tuần trở lại đây, theo nhận định của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam.

Trong khi đó, dòng chảy mùa khô về ĐBSCL lại phụ thuộc khá lớn vào việc vận hành thủy điện ở thượng nguồn.

Từ những yếu tố nêu trên, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam dự báo, lưu lượng dòng chảy qua trạm Kratie (Campuchia) trong tháng 2 đạt 3.109 m3/giây và tháng 3 là 3.871 m3/giây.

Với lưu lượng nước qua trạm Kratie được dự báo như nêu trên, nếu so với cùng kỳ mùa khô 2015-2016 sẽ có lưu lượng dòng chảy cao hơn lần lượt là 72 và 1.287 m3/giây và so với mùa khô 2019-2020 lần lượt là 723 và 1.727 m3/giây (đây là hai mùa khô có ảnh hưởng mặn lớn nhất ở ĐBSCL- PV), tức khả năng xâm nhập mặn sẽ thấp hơn hai mùa khô này.

Tuy nhiên, theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, xâm nhập mặn đã đến sớm vào tháng 12-2022 và sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng 2-2023.

Theo đó, vùng giữa ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc thành phố Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre; các vùng ven sông Tiền, sông Hậu, trong tháng 2-2023, mặn với nồng độ 4 g/lít có thể xâm nhập sâu 45-60 km. Trường hợp nếu thượng lưu vận hành xả nước bất thường có thể làm mặn vào sâu 50-65 km, làm ảnh hưởng đến việc lấy nước của các cống lấy nước.

Vùng ven biển ĐBSCL, bao gồm ven biển các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, có thể bị ảnh hưởng đến sản xuất cả mặn và ngọt. Mặn bất thường, hạn hán thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa hoàn chỉnh hệ thống kiểm soát mặn. Tháng 2-2023 mặn vào sâu 45-60 km và từ tháng 3 mặn gia tăng chủ yếu ở khu vực sông Vàm Cỏ, có thể xâm nhập 65-75 km.

Riêng với vùng thượng ĐBSCL, bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ, dự báo có thuận lợi hơn về nguồn nước so với các vùng đã nêu ở trên. Dự báo tháng 2-2023, mực nước bình quân có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm trên dưới 10 cm.

Từ dự báo nguồn nước như nêu ở trên, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết, tiềm năng nguồn nước về ĐBSCL trong mùa khô 2023 có thuận lợi so với mùa khô 2015-2016 và 2019-2020. Tuy nhiên, do sự phụ thuộc vào vận hành thủy điện trên lưu vực, nguồn nước cho sản xuất ở mùa khô năm nay được dự báo ở mức tương tự như mùa khô năm 2020-2021.

Khả năng mặn xâm nhập sâu bất thường vẫn có thể xảy ra bởi những biến động dòng chảy ở bất cứ thời gian nào do vận hành thủy điện, cho nên các địa phương cần chủ động xây dựng các giải pháp phòng chống hạn mặn phù hợp với điều kiện của vùng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới