Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà đầu tư nước ngoài kén chọn hơn trên thị trường chứng khoán châu Á

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau khi kiếm được các khoản lợi nhuận dễ dàng từ đà phục hồi nhanh chóng và rộng khắp trên thị trường chứng khoán châu Á nhờ thông tin Trung Quốc tái mở cửa, các nhà đầu tư nước ngoài đang kén chọn hơn. Họ đặt tầm ngắm vào các cổ phiếu giảm giá mạnh trong các lĩnh vực bán lẻ, khách sạn và công nghệ.

Nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm mục tiêu vào các cổ phiếu giảm giá mạnh trong các lĩnh vực gồm bán lẻ, khách sạn và công nghệ ở châu Á. Ảnh: Reuters

Làn sóng lạc quan ban đầu từ quyết định nới lỏng các hạn chế liên quan đến Covid-19 ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hồi tháng 11 năm ngoái đã đẩy tăng giá một loạt cổ phiếu thương mại và du lịch ở châu Á.

Nhưng ba tháng sau đó, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng đã đến lúc phải hành động sáng suốt hơn. Robert Secker, chuyên gia quản lý danh mục đầu tư tại bộ phận cổ phần của Công ty quản lý đầu tư T. Rowe Price (Mỹ), nói: “Chúng tôi tin rằng giai đoạn phục hồi tiếp theo của thị trường chứng khoán châi Á sẽ tập trung vào các công ty có thể mang lại tăng trưởng thu nhập ổn định”.

Herald van der Linde, Giám đốc chiến lược cổ phần tại châu Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng HSBC chỉ ra rằng cổ phiếu du lịch và sòng bài đang bắt đầu được hưởng lợi.

Ông nói: “Tôi cho rằng trong thời gian còn lại của năm 2023, sự chú ý sẽ dồn vào việc đà phục hồi ở Trung Quốc tác động đến các công ty tiêu dùng và ngân hàng bên ngoài Trung Quốc như thế nào”.

Đối với các nhà đầu tư đang kiếm mức lợi nhuận khả quan tiếp theo, các nhà phân tích đề gợi ý các lĩnh vực có thể hưởng lợi từ nhu cầu bị dồn nén của người tiêu dùng Trung Quốc, chẳng hạn như các công ty điều hành chuỗi khách sạn, nhà bán lẻ và các ngành gặp khó khăn trong thời kỳ đại dịch Covid-19, gồm các nhà tuyển dụng trực tuyến và các công ty điều hành chuỗi trung tâm mua sắm .

Giới đầu tư nước ngoài kỳ vọng rằng khoản tiết kiệm hộ gia đình Trung Quốc tăng thêm 2.600 tỉ đô là vào năm ngoái sẽ được chi tiêu và thúc đẩy các lĩnh vực này. Quỹ Value Partners Asia đang mua vào cổ phiếu phần cứng của ngành công nghệ và ngành bán dẫn ở Đài Loan.

Man Wing Chung, nhà quản lý của Value Partners Asia cho biết mức định giá của các cổ phiếu trong lĩnh vực này đã giảm nhiều do tâm lý tiêu cực trong chu kỳ đi xuống của ngành công nghệ

Cổ phiếu của TSMC, nhà sản xuất chip của Đài Loan tăng 45% so với mức thấp nhất trong tháng 10, nhưng vẫn giao dịch ở mức 15,5 lần so với thu nhập tương lai, dưới mức trung bình 5 năm là 18,8 lần.

Nhờ các kỳ vọng người dân ở nước đông dân nhất thế giới sẽ đổ xô đi du lịch sau ba năm phong tỏa nghiêm ngặt, cổ phiếu của các công ty sòng bài ở Macau như Sands China, Wynn Macau, MGM China đều tăng hơn gấp đôi trong ba tháng qua.

Cổ phiếu của hãng hàng không quốc gia Singapore (Singapore Airlines) tăng 12%, trong khi cổ phiếu của nền tảng đặt chỗ du lịch trực tuyến Trip.com (Trung Quốc)  tăng 68% trong cùng kỳ.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang được hưởng lợi nhiều nhất, với chỉ số MSCI Trung Quốc  tăng gần 50% kể từ đầu tháng 11, vượt xa mức tăng 13% của chỉ số MSCI Đông Nam Á  và mức tăng 26% trong chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương.

Điều đó đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài chuyển sang săn lùng các lĩnh vực và công ty có mức định giá thấp bên ngoài Trung Quốc.

Ngoài ra, vì Trung Quốc chiếm hơn 20% kim ngạch xuất khẩu từ ASEAN nên đà phục hồi ở nước này sẽ thúc đẩy tăng trưởng của toàn khu vực, Man Wing Chung  nhận định.

Dữ liệu từ các sàn giao dịch chứng khoán ở Đài Loan, Ấn Độ, Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Hàn Quốc cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng lượng cổ phiếu trị giá 8,8 tỉ đô la trong tháng 1, trong đó, chứng khoán Đài Loan và Hàn Quốc chứng kiến mức hút ròng vốn ngoại hàng tháng cao nhất trong hai năm qua.

Giới nhà đầu tư đặt cược rằng triển vọng phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2023 sẽ phần nào giảm bớt tác động của cơn suy thoái toàn cầu tiềm tàng.

Theo Man Wing Chung , những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu phần lớn đã được định giá trên các thị trường chứng khoán châu Á và những lợi ích từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại vẫn chưa được phản ánh đầy đủ.

Với lạm phát toàn cầu đang hạ nhiệt sự kỳ vọng các ngân hàng trung ương lớn sớm chấm dứt chu kỳ thắt chặt tiền tệ, sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài chuyển sang mức độ suy thoái toàn cầu

Christy Tan, nhà chiến lược đầu tư tại Viện Franklin Templeton Franklin Templeton Institute, nói: “Mọi người dường như biết thế giới sẽ trải qua suy thoái ở mức độ nhẹ. Mặt khác, tiến trình tái mở cửa thương mại của Trung Quốc mới chỉ ở giai đoạn đầu và có thể tạo ra thêm những tác động tích cực cho chứng khoán châu Á vào cuối năm nay”.

Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới