(KTSG Online) - Sự xuất hiện của các công cụ chatbot vận hành dựa vào trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh cho phép mọi người dựa vào Microsoft và Google để tìm câu trả lời và sự trợ giúp trong công việc và học hành, thay vì chỉ vì tìm kiếm thông tin đơn thuần. Điều đó có thể đưa các dịch vụ của họ len lỏi sâu vào cuộc sống của chúng ta bao giờ hết, hay nói cách khác, hai gã khổng lồ công nghệ này như “những chú hổ mọc thêm cánh”.
- Nghĩ chậm về ChatGPT - liệu có phải là một quả bong bóng khác?
- Google đầu tư gần 400 triệu đô la vào đối thủ của ChatGPT
Quyền lực hơn khi sở hữu công cụ trả lời đáng tin cậy
Có hai điểm chính rút ra từ màn ra mắt của chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) có tên gọi ChatGPT của OpenAI, được Microsoft hậu thuận và gần đây là Bard của Google. Đầu tiên, người dùng sẽ ồ lên rằng chúng có thể thay đổi mọi thứ. Và thứ hai, đó là một nhận thức chung rằng để các công cụ chatbot dựa trên công nghệ AI này tạo tác động thực sự, mọi người cần phải đặt nhiều niềm tin vào chúng và các công ty đằng sau chúng.
Khi AI đưa ra câu trả lời chứ không chỉ là những thông tin mà chúng ta dựa vào đó để đưa ra quyết định, chúng ta sẽ phải tin tưởng vào công nghệ này nhiều hơn so với trước đây. Thế hệ công cụ tìm kiếm dựa trên chatbot mới này nên được gọi là “công cụ trả lời”, thay vì “công cụ tìm kiếm” vì chúng có thể cung cấp đường link đến trang web liên quan và tóm tắt nội dung của nó. Nhưng để một công cụ trả lời như vậy có tính hữu dụng thực sự, chúng ta cần đủ tin tưởng vào nó. Điều này cũng đúng với các công cụ AI giúp tạo văn bản, bảng tính, ngôn ngữ lập trình, hình ảnh và bất kỳ thứ gì khác mà chúng ta tạo trên thiết bị của mình. Cả Microsoft và Google đều cam kết sẽ tích hợp công cụ AI vào các dịch vụ năng suất công việc hiện có của họ là Microsoft 365 và Google Workspace.
Các công nghệ này cũng như công cụ tìm kiếm dựa trên chatbot đều dựa trên thế hệ AI tạo sinh, có khả năng tạo nội dung bằng lời nói và hình ảnh. Và sự tin tưởng mà chúng tạo ra thêm cho người dùng sẽ chuyển nhiều quyền lực hơn nữa vào tay các tập đoàn công nghệ nghệ lớn nhất đứng đằng sau chúng.
AI tạo sinh sẽ đưa công nghệ thâm nhập sâu hơn vào cuộc sống và công việc của chúng ta. Nó không chỉ trả lời các câu hỏi mà còn hỗ trợ chúng ta viết các bài phát biểu hoặc thậm chí sáng tác thơ và tác phẩm nghệ thuật. Và do nguồn lực tài chính, trí tuệ và tài nguyên điện toán cần thiết để phát triển và vận hành công nghệ AI tạo sinh là rất lớn nên những công ty kiểm soát các hệ thống AI này sẽ phải là những công ty công nghệ lớn nhất, giàu nhất.
OpenAI, công ty phát triển chatbot ChatGPT và AI tạo hình ảnh DALL-E 2 thổi bùng phần lớn cơn sốt hiện nay, dường như là một ngoại lệ đối với điều đó. OpenAI chỉ là công ty tương đối nhỏ và thành lập chưa lâu (2015) nhưng đã tạo ra sự đổi mới đáng chú ý đối với AI. Tuy nhiên, công ty này đã nhanh chóng “ngã vào vòng tay” của Microsoft, một phần vì cần sức mạnh điện toán của tập đoàn này để vận hành các hệ thống AI. Sau khi đầu tư 1 tỉ đô la vào OpenAI, gần đây, Microsoft tuyên bố rót thêm 10 tỉ đô la nữa.
Sự tập trung quyền lực càng lớn là điều quan trọng vì công nghệ AI tạo sinh vừa cực kỳ mạnh mẽ nhưng vừa có nhiều khiếm khuyết. Nó có xu hướng cung cấp thông tin không chính xác một cách tự tin. Điều này có nghĩa là bước đầu tiên trong tiến trình biến công nghệ này trở thành xu hướng chủ đạo là cần phải phát triển nó thêm, và bước thứ hai là giảm số lượng lỗi mà nó không thể tránh khỏi hiện nay.
Nói cách khác, niềm tin vào AI sẽ trở thành chiến hào mới mà các công ty công nghệ lớn sẽ phải chiến đấu để bảo vệ. Nếu thường xuyên đánh mất lòng tin của người dùng, sản phẩm của họ sẽ bị người dùng quay lưng. Ví dụ, hồi tháng 11, Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook, đã cung cấp cho công chúng một chatbot AI tìm kiếm kiến thức khoa học có tên gọi là Galactica. Nhưng những câu trả lời không chính xác mà nó đưa ra đã thu hút những lời chỉ trích gay gắt đến mức Meta đã đóng quyền truy cập công khai vào nó chỉ sau ba ngày đó.
Cần nguồn lực khổng lồ để huấn luyện và vận hành hệ thống AI tạo sinh
Việc chứng minh AI đáng tin cậy hơn có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ hơn là việc AI đóng vai trò như kho lưu trữ câu trả lời lớn nhất, tốt nhất hoặc nhanh nhất. Đây dường như là sự đánh cược của Google, vì công ty đã nhấn mạnh trong các thông báo gần đây và một bài thuyết trình vào hôm 8-2 rằng khi thử nghiệm và triển khai các hệ thống AI tạo sinh và dựa trên hội thoại, công ty sẽ cố gắng đạt được mục tiêu “AI có trách nhiệm”.
Rõ ràng, việc tạo xây dựng một công nghệ AI đáng tin cậy sẽ đòi hỏi nguồn lực khổng lồ mà chỉ có những tập đoàn công nghệ có quy mô như Microsoft và Google mới đáp ứng nổi.
Tinglong Dai, giáo sư chuyên ngành quản lý hoạt động tại Đại học Johns Hopkins, người nghiên cứu về tương tác giữa con người và AI, cho biết có hai lý do cho điều này. Thứ nhất, cần hàng chục nghìn máy tính trong cơ sở hạ tầng đám mây hiện tại của các công ty công nghệ lớn như Microsoft và Google để huấn luyện và vận hành các hệ thống AI tạo sinh.
Lý do thứ hai là AI tạo sinh đáng tin cậy đòi hỏi nguồn nhân lực khổng lồ để liên tục thử nghiệm và điều chỉnh các mô hình ngôn ngữ AI nhằm đảm bảo rằng chúng không phát ra quá nhiều lời lẽ vô nghĩa hoặc thành kiến và xúc phạm.
Google tiết lộ đã kêu gọi mọi nhân viên thử nghiệm nghiệm Bard, công cụ tìm kiếm dựa trên chatbot mới của hãng và lưu ý mọi vấn đề với kết quả trả lời của nó. Microsoft cũng đã tích hợp phiên bản nâng cao của ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing của mình. Nhưng công ty chỉ cung cấp dịch vụ này trên cơ sở hạn chế cho công chúng nhằm mục đích thử nghiệm. ChatGPT đã được chứng minh là dễ bị tổn thương trước những nỗ lực “bẻ khóa” quy trình kiểm duyệt của nó để khiến nó trả lời những nội dung không phù hợp.
Các công ty công nghệ lớn có thể khắc phục các vấn đề phát sinh từ việc triển khai AI tạo sinh của họ bằng cách thử nghiệm các hệ thống này trên quy mô lớn.
Google đã có hàng thập niên thực hành hoạt động thu thập phản hồi để cải thiện kết quả tìm kiếm do thuật toán tạo ra. Ví dụ, các phương thức phản hồi như vậy từ lâu đã là một tính năng của cả Google Search và Google Maps.
Theo WSJ