Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đấu giá 3 khối băng tần cho mạng 4G và 5G, giá khởi điểm gần 5.800 tỉ đồng/khối

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giá khởi điểm của cả 3 khối băng tần A1: 2.300 - 2.330MHz; A2: 2.330 - 2.360MHz; A3: 2.360 - 2.390MHz là trên 5.798 tỉ đồng/khối. Bước giá với cả 3 khối là 10 tỉ đồng/khối, thời hạn sử dụng 15 năm.

Đồ hoạ: baochinhphu.vn

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2300-2400MHz, cho hệ thống thông tin di động 4G và 5G, theo Baochinhphu.vn.

Theo quyết định, điều kiện tham gia đấu giá được quy định tại Điều 11 Nghị định số 88/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần cũng như tuân thủ quy định của pháp luật về viễn thông đối với sở hữu trong kinh doanh dịch vụ viễn thông, hình thức, điều kiện và tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp tham gia đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2300-2400 MHz có thể triển khai mạng và dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ IMT-Advanced (4G) hoặc IMT-2020 (5G).

Băng tần đấu giá là băng tần 2300-2400 MHz. Băng tần này được quy hoạch cho hệ thống thông tin di động mặt đất IMT của Việt Nam theo Thông tư số 29/2021/TT-BTTTT. Các khối băng tần đấu giá gồm A1: 2300 - 2330 MHz, A2: 2330 - 2360 MHz, A3: 2360 - 2390 MHz.

Riêng khối băng tần 2390-2400 MHz được quy hoạch làm băng tần bảo vệ, không đấu giá cho hệ thống thông tin di động mặt đất IMT tại cuộc đấu giá này.

Quyết định cũng nêu rõ, doanh nghiệp trúng đấu giá băng tần 2300-2400 MHz được cấp giấy phép sử dụng với thời hạn 15 năm và được sử dụng để triển khai hệ thống thông tin di động mặt đất theo tiêu chuẩn IMT-Advanced và các phiên bản tiếp theo theo quy định tại Thông tư số 29/2021/TT-BTTTT.

Giá khởi điểm của cả 3 khối băng tần A1, A2 và A3 đều là trên 5.798 tỉ đồng/khối. Bước giá với cả 3 khối là 10 tỉ đồng/khối.

Trước năm 2016, lượng tần số đã cấp phát đủ cho nhu cầu của các doanh nghiệp và không có nhu cầu cấp phát thêm. Sau thời điểm năm 2016, các nhà mạng bắt đầu phát sinh nhu cầu mới.

Cuối năm 2021, Nghị định 88/2021/NĐ-CP quy định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần đã được ban hành. Bộ Thông tin và Truyền thông đã áp dụng Nghị định này để thực hiện tiến trình đấu giá tần số 4G và 5G.

1 BÌNH LUẬN

  1. Đấu giá băng tần, thu tiền được là tốt. Nhưng cáp quang internet đứt mãi, không rõ lợi ích của nhà cung cấp/ người tiêu dùng sẽ ra sao. Không thể nói đến 5G, sau đó là 6G… một khi luôn ở thế bị động về dung lượng và chất lượng cáp như hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới