Nghề bán đất trồng kiểng
Nguyễn Văn Tín, chủ vựa đất Liễu Chi ở Gò Vấp. Ảnh: Lê Toàn. |
(TBKTSG) - Nhu cầu trồng hoa, cây cảnh ở thành phố ngày càng nhiều đã mở ra cơ hội cho những người làm nghề bán đất trồng cây. Với Nguyễn Văn Tín, chủ vựa đất Liễu Chi trên đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp, trung thực và làm ăn chân chính là bí quyết thành công.
Đáp ứng nhu cầu thị trường
“Thêm cho ảnh chút nữa”, Tín nói vọng ra. Người làm công lấy xẻng đập vụn miếng đất rồi xúc một bụm cỡ hai vốc tay đổ vào bao. Anh ta nhoẻn miệng: “Đất đen mới nguyên từ đồng về đấy!”.
Đúng là đất đồng thiệt. Màu đất nâu đen, thịt mềm, sờ vào mát rượi. Cái mùi ngai ngái lẫn mùi thơm của rơm rạ nghe thoang thoảng. Tôi xách bao đất, loại bao thức ăn gia súc, đựng được chưa tới hai phần ba với tất cả sự nâng niu. Nâng niu không chỉ vì nó có giá 10.000 đồng mà vì cảm giác bồi hồi của một kẻ xa quê đã lâu. Tôi cũng mường tượng cảnh mấy gốc kiểng, bụi mướp ở nhà đâm chồi, nảy lộc mơn mởn sau khi được bón thứ dưỡng chất màu mỡ của ruộng đồng.
Tín người đậm, chân tay to bè như một gã lực điền. Thấy tôi xách bao đất, anh thanh minh: “Anh thông cảm, giá mấy bữa rày lên dữ quá. Một xe đất trước 500.000 đồng, giờ lên 600.000. Một xe tro trấu, xơ dừa từ 100.000 tăng lên 120.000 đồng. Ngay cái bao cũng phải trả thêm 300 đồng một cái. Riêng phân bò mấy bữa nay em không dám lấy về, sợ khách chê giá cao…”.
Tôi là khách quen mấy tháng nay của vựa đất Liễu Chi. Ba tháng trước, tôi xây nhà mới, có để dành một vạt đất khoảng 30 mét vuông để trồng rau, cây kiểng. Nhưng đất ở đây toàn những cát, sỏi, hoặc bị bạc màu, ô nhiễm. Muốn trồng cây không còn cách nào khác là phải kiếm đất tốt thay vào. Biết tìm ở đâu đây?
Sau mấy lần tìm kiếm quanh quẩn trong khu dân cư không có kết quả, cuối cùng theo chỉ dẫn của một người bạn, tôi đành… đi mua đất trồng kiểng. Tưởng chẳng đến nỗi, vậy mà không ngờ đất có giá đến thế. Nếu đổ hết vạt đất, chí ít tôi phải mua trăm bao, vị chi tốn cả triệu đồng, chưa kể phải mua thêm phân, tro trấu, xơ dừa… Xem ra thị trường đất trồng kiểng cũng thật tiềm năng!
Nghề chơi cũng lắm truân chuyên
“Nhờ cái nghề này mà em tậu được hai chiếc xe tải rồi đó”, Tín cười cười nói về kết quả công việc của mình. Con đường trở thành một chủ vựa đất trồng kiểng của Tín kể cũng lắm truân chuyên. Nếu không có nhân duyên đưa đẩy, chắc giờ này anh vẫn còn lang thang dưới Bến Tre, quê anh.
Dạo đó, Tín làm nghề thu mua cây kiểng, bán lại cho thương lái đưa về thành phố tiêu thụ. Từ mấy thương lái, anh quen được một vựa kiểng trên đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp. Tín cả mừng khi họ đề nghị anh cung cấp kiểng với giá cao hơn. Chuyến giao hàng thứ nhất êm xuôi. Chuyến thứ hai cũng êm. Nhưng những chuyến sau đó thì bắt đầu trục trặc chuyện thanh toán. Họ đề nghị giao thêm vài chuyến nữa rồi trả tiền luôn một thể cho tiện. Tín theo lao. Kết cục là chủ vựa kiểng trốn mất, ôm theo khoản nợ 20 triệu đồng tiền bán kiểng chịu.
Tín sục sạo khắp con đường Phan Huy Ích nhưng vẫn không tìm thấy kẻ lừa đảo. Nhưng trong cái rủi có cái may. Một người thương tình khuyên anh mở ngay vựa kiểng trên đường Phan Huy Ích, họ sẵn sàng lo mặt bằng. Đang thất cơ lỡ vận, Tín đồng ý ngay.
“Lúc đầu, em chỉ nghĩ kiếm sống cho qua ngày. Vậy mà gặp hên, bán được lắm anh ạ. Cây em về Bến Tre lấy tận gốc, đưa lên Sài Gòn bán tận ngọn. Ngoài ra, em còn lấy thêm đất, phân bò của các vựa bán kèm…”, Tín hỉ hả.
Làm chủ vựa kiểng được ba năm, Tín chợt nghĩ: mình có điều kiện sao không mở luôn vựa bán đất mà phải đi lấy lẻ? Vả lại, nhu cầu đất trồng kiểng ngày càng tăng, bán đất hầu như không lỗ trong khi bán cây kiểng rất thất thường, lại cần mặt bằng lớn.
Nghĩ là làm. Đất, phân bò thì có sẵn “đường dây” ở Hóc Môn, Củ Chi, chỉ cần điện thoại là có người chở tới. “Ở đâu ra sẵn vậy?”, tôi hỏi. “Lấy từ các công trình xây dựng trên đất ruộng. Mỗi khi có công trình sắp san lấp, lập tức có người đến hỏi mua. Đất được mua phải là lớp màu mỡ trên cùng, người ta chỉ đào lấy cỡ 10 phân thôi”, Tín giải thích.
Còn để mua tro trấu, xơ dừa, Tín phải về tuốt miền Tây, nơi có những xí nghiệp chế biến dừa và các lò gạch đốt bằng trấu. Lúc đầu, anh thuê luôn một xe tải 10 tấn, lấy xong tro trấu ở Vĩnh Long, rồi quay sang Bến Tre mua xơ dừa.
Đất, tro trấu, xơ dừa, phân bò sau khi mua về được đóng bao và đưa đi bỏ cho các vựa kiểng, những bạn hàng lâu nay của Tín. Anh còn giao hàng tận nơi cho các công trình lớn như biệt thự, trường học, bệnh viện, khách sạn… Công việc ngày càng tấn tới.
Để chủ động trong việc giao hàng, Tín dồn tiền mua một chiếc xe tải nhỏ. Đến năm 2004, Tín mạnh dạn tậu thêm một chiếc nữa. Những chiếc xe này được tận dụng hết công suất, lúc không giao hàng thì anh nhận chở thuê. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn Tín đã trả xong khoản nợ vay mua xe. Thế nhưng, tài sản lớn nhất mà người đàn ông 38 tuổi này tạo dựng được là một mạng lưới phân phối đất với hơn 20 vựa kiểng nhận bỏ mối, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 300-500 bao. Tôi nhẩm tính, nếu mỗi bao trung bình 8.000 đồng, mỗi ngày sẽ có doanh thu 2,4-4 triệu đồng, mỗi tháng sẽ là 72-120 triệu đồng. Với một vựa đất gồm năm lao động (2 tài xế và 3 người bỏ bao) như của Tín, doanh thu ấy là một thành tích.
Trung thực, làm ăn chân chính, Tín đã rút ra được bí quyết như vậy trong hơn 10 năm trời lăn lộn trên thương trường. “Cạnh tranh giờ gắt lắm. Chuyện giành mối xảy ra như cơm bữa. May cho em là vẫn được nhiều người thương, thậm chí có vựa sau một thời gian chuyển sang lấy của nơi khác, lại quay về với em…”, Tín tâm sự.
NGUYÊN TẤN