Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp khai khoáng dồn vốn vào các dự án hỗ trợ chuyển đổi năng lượng

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Những tập đoàn khai khoáng lớn nhất toàn cầu đang chi hàng tỉ đô la Mỹ cho các thương vụ thâu tóm và rót ngân sách thêm cho các dự án mới bao gồm dự án khai thác mỏ đồng, đặt cược vào tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch đang tăng tốc trên thế giới.

Các kim loại như đồng và nickel là vật liệu cần thiết ở các dự án pin xe điện, thủy điện, điện gió.

Tập đoàn khai khoáng Rio Tinto đang mở rộng công suất khai thác ở mỏ đồng Oyu Tolgoi tại Mông Cổ. Ảnh: Bloomberg

Chạy đua thâu tóm các trữ lượng quặng đồng

Tập đoàn BHP Group (Úc), nhà khai khoáng lớn nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường sắp hoàn tất thương vụ thâu tóm công ty khai thác đồng và vàng OZ Minerals với giá hơn 6 tỉ đô la. Nếu thành công, đây là thương vụ lớn nhất của tập đoàn này kể từ năm 2011.

Thương vụ sẽ củng cố vị thế của BHP với tư cách là một trong những nhà khai thác đồng lớn nhất thế giới. OZ Minerals đang đầu tư gần 1 tỉ đô la để mở rộng các mỏ đồng ở Úc. Đồng là kim loại không thể thiếu cho cuộc chuyển đổi năng lượng với nhu cầu được dự báo tăng gần 60% trong hai thập niên tới.

Cách đây hai tháng, Tập đoàn khai khoáng Rio Tinto của Anh cũng đã mua lại cổ phần của các cổ đông thiểu số ở Turquoise Hill Resources  (Canada) trong một thỏa thuận trị giá 3,1 tỉ đô la để tăng quyền kiểm soát các trữ lượng khổng lồ tại mỏ đồng Oyu Tolgoi của công ty này ở Mông Cổ.

“Thương vụ mua lại này củng cố danh mục đầu tư đồng của chúng tôi như một phần trong chiến lược phát triển các vật liệu mà thế giới cần để đạt được mức phát thải zero ròng và mang lại giá trị lâu dài cho các cổ đông của chúng tôi”, Bold Baatar, Giám đốc điều hành mảng mỏ đồng của Rio Tinto đánh giá.

Các công ty khai khoáng khác cũng đang nắm giữ nhiều tiền mặt hơn để đầu tư cho các dự án mới. Điều này đánh dấu sự thay đổi đáng chú ý với những năm trước đây khi doanh nghiệp ưu tiên quyền lợi của cổ đông thông qua việc trả cổ tức hậu hĩnh và các chương trình mua cổ phiếu quỹ lớn.

Tuần trước, Rio Tinto cho biết, tập đoàn đặt mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng đồng hàng năm vào cuối thập niên này.

“Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm rằng thế giới cần nhiều vật liệu hơn và chúng tôi đang đẩy mạnh cuộc chơi để đáp ứng nhu cầu đó”, Peter Cunningham, Giám đốc tài chính của Rio Tinto nói.

Bằng cách vung tiền thâu tóm và đầu tư, các “ông lớn” trong ngành khai khoáng toàn cầu dường như đang chuyển động ngược hướng với các gã khổng lồ năng lượng. Các tập đoàn dầu khí hàng đầu của Mỹ như Exxon Mobil và Chevron đã cắt giảm đáng kể chi tiêu so với mức trước đại dịch Covid-19 trong bối cảnh nhiên liệu truyền thống đối mặt triển vọng nhu cầu không chắc chắn trong dài hạn.

Sự chuyển hướng này phản ánh những kỳ vọng lạc quan trong ngành công nghiệp khai khoáng, cho rằng các mỏ hiện tại sẽ không sản xuất đủ đồng, nickel và các kim loại quan trọng khác đóng vai trò quan trọng đối với tiền trình chuyển đổi năng lượng.

Điều này cũng cho thấy hoạt động kinh doanh của các tập đoàn khai khoáng đang quá phụ thuộc quá lớn các mặt hàng như quặng sắt và than đá, vốn có biên lợi nhuận cao nhưng nhu cầu có thể sụt giảm nhanh khi thế giới tăng tốc những nỗ lực khử carbon.

Hãng tư vấn thị trường hàng hóa Wood Mackenzie nhận định, ngành công nghiệp khai khoáng cần phát triển các dự án mỏ đồng mới với tốc độ nhanh chóng để hỗ trợ thế giới đạt được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Báo cáo của Wood Mackenzie ước tính, ngành này cần đầu tư 23 tỉ đô la hàng năm cho các mỏ đồng mới trong 30 năm tới, cao hơn 64% so với chi tiêu trung bình hàng năm trong ba niên kỷ qua.

Tăng ngân sách đầu tư

Các lãnh đạo của ngành khai khoáng tự tin về việc Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) do Tổng thống Joe Biden đã ban hành hồi tháng 8 năm ngoái sẽ thúc đẩy nhu cầu kim loại thiết yếu trong lĩnh vực năng lượng sạch. Đ

ạo luật IRA cung cấp các khoản tín dụng thuế và các ưu đãi khác cho các dự án năng lượng sạch ở Mỹ từ các trang trại điện gió đến các nhà máy sản xuất pin và linh kiện năng lượng mặt trời. Xe điện và các dự án năng lượng tái tạo sử dụng nhiều kim loại dẫn điện như đồng nhiều hơn xe hơi và nhà máy điện truyền thống.

Tuần trước, Rio Tinto, tập đoàn khai khoáng lớn thứ hai thế giới, cho biết sẽ nâng ngân sách đầu tư hàng năm lên con số 10 tỉ đô la vào năm 2024 và 2025, tăng khoảng 25% so với con số 8 tỉ đô la mà tập đoàn dự kiến chi trong năm nay.

Cùng với mỏ ở Mông Cổ, tập đoàn cũng có kế hoạch mở rộng hoạt động khai thác mỏ đồng Kennecott ở bang Utah (Mỹ) và sẽ tham gia phát triển một mỏ quặng sắt ở Guinea, nơi có triển vọng trở thành dự án khai thác quặng sắt chất lượng cao lớn nhất thế giới.

Để huy động nguồn tài chính cho các dự án này, Rio Tinto quyết định không trả cổ tức đặc biệt cho các cổ đông ngoài khoản cổ tức thông thường hàng năm. Những năm trước đây, Rio Tinto sử dụng một tỷ lệ cao hơn trong thu nhập cơ bản để trả cổ tức.

“Các công ty khai khoáng và nhà đầu tư nhận thấy rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung ở một số kim loại hỗ trợ chuyển đổi năng lượng, đang ngày càng lớn”, Jamie Maddock, nhà phân tích tại Công ty quản lý tài sản Quilter Cheviot của Anh nhận định.

BHP có kế hoạch chi khoảng 7,6 tỉ đô la cho các dự án và hoạt động thăm dò trong năm tài chính hiện tại. Con số này cao hơn mức chi tiêu 6,1 tỉ đô la của BHP vào một năm trước đó. Tham vọng tăng trưởng của BHP tập trung vào nỗ lực tăng sản lượng đồng và nickel.

Nick Pickens, Giám đốc nghiên cứu khai thác mỏ toàn cầu của Wood Mackenzie, nhận định các khoản đầu tư hiện tại của lĩnh vực khai khoáng chưa đủ mạnh mẽ và điều này có thể khiến giá cả hàng hóa kim loại tăng cao hơn trong tương lai nếu nguồn cung thiếu hụt.

Glencore, tập đoàn kinh doanh hàng hóa và khai khoáng của Thụy Sĩ, cho biết sẽ tăng đầu tư để sản xuất các khoáng chất kim loại quan trọng nhưng chỉ khi thị trường cần.

Tuy nhiên, các  tập đoàn khai khoáng đang đối mặt với những khó khăn khác trong việc bổ sung nguồn cung mới, bao gồm tình trạng khan hiếm nước ở các khu mỏ, quá trình phê duyệt giấy phép dài đằng đẳng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng vấp phải sự phản đối của các cộng đồng địa phương lo ngại về tác động môi trường của các mỏ mới hoặc mở rộng.

“Ngay cả khi các trữ lượng khoáng sản mới được phát hiện trong năm nay, thì cũng sẽ mất khoảng từ 10-20 năm để đưa chúng lên khỏi mặt đất”, Mike Henry, Giám đốc điều hành của BHP nói.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới