Bạn nghĩ gì về "Chiếm phố Wall"?
Người phản kháng biểu tình nằm trước Trung tâm chứng khoán New York trên đại lộ Wall Street. Ảnh TL |
(TBKTSG Online) - Trong gần một tháng qua, phong trào phản kháng “Chiếm phố Wall” (Occupy Wall Street) đã làm rúng động nước Mỹ và bắt đầu lan sang các nước khác, kể cả Hàn Quốc ở châu Á. Bạn nghĩ như thế nào về sự kiện này? Xin mời đóng góp ý kiến thảo luận trong box bên dưới.
>> Xem thêm thông tin trong chủ đề "Chiếm phố Wall"
Tòa soạn TBKTSG Online cung cấp một số thông tin nền để bạn tham khảo trước.
“Chiếm phố Wall” là một phong trào phản kháng xã hội do một nhóm các nhà hoạt động ở Mỹ khởi xướng, tự tuyên bố rằng họ đứng lên chống lại sự tham lam của các công ty, bất công xã hội và những sự bất bình đẳng khác giữa người giàu và người nghèo. Phố Wall (Wall Street) ở New York là nơi tập trung các tập đoàn ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, đầu tư lớn nhất thế giới, được coi là biểu tượng của chủ nghĩa tư bản tài phiệt.
Từ nước Mỹ, phong trào "Chiếm phố Wall" đã bắt đầu có tầm vóc toàn cầu. Có người coi đây là cuộc đấu tranh giai cấp giữa người giàu và người nghèo trong thời đại mới, có người cho rằng đây là kết quả sự xung đột giữa hai quan điểm kinh tế về tương quan giữa nhà nước và thị trường trong hoạt động kinh tế. Dù thế nào, ý nghĩa và tác động của nó chắc chắn sẽ lan rộng ra ngoài biên giới nước Mỹ.
99% chống 1%
Vào ngày 17-9-2011, nhóm “Chiếm phố Wall” bắt đầu tổ chức cuộc tuần hành phản kháng đầu tiên ở trung tâm tài chính thành phố New York; họ cắm trại trong công viên Zuccotti ở Manhattan, chỉ cách Trung tâm giao dịch chứng khoán Wall Street vài dãy phố.
Theo một số nhà tổ chức, ý định của phong trào “Chiếm phố Wall” là sẽ cắm trại trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, giống như những phong trào phản kháng đã bùng nổ đầu năm nay tại nhiều nước rất khác nhau như Ai Cập, Tây Ban Nha và Israel. Trên website của mình, Occupywallstreet, những người biểu tình tự miêu tả họ “là một phong trào phản kháng không có sự lãnh đạo, tập hợp những người thuộc nhiều màu da, giới tính và xu hướng chính trị. Điểm chung của họ là họ thuộc về 99% những người dân Mỹ không chịu đựng nổi thói tham lam và tham nhũng của 1% người Mỹ còn lại”. Con số 1% đó là những ngân hàng, công ty cầm cố thế chấp, công ty bảo hiểm... “1% dân số nhưng sở hữu 99% tài sản”, còn 99% kia là những người “vô sản” (have-nots), tức là tất cả mọi người.
Lan rộng
Phong trào phản kháng lớn nhanh ngay trong tuần lễ đầu tiên. Đến ngày 24-9, cảnh sát New York đã ra tay bắt giữ hàng trăm người biểu tình vì các lỗi vi phạm luật giao thông, gây rối trật tự công cộng, nhưng sau đó đã thả họ ra. Trong ngày 1-10, có đến 700 người biểu tình bị bắt khi đoàn tuần hành gây tắc nghẽn giao thông trên cầu Brooklyn. Cá biệt, vụ một viên thanh tra cảnh sát xịt hơi cay vào 4 người phụ nữ biểu tình đã gây nên một làn sóng công phẫn trong cả nước Mỹ và bị viện công tố quận Manhattan ra lệnh điều tra xử lý.
Trong vòng ba tuần sau cuộc tuần hành phản kháng đầu tiên ở New York, những cuộc biểu tình tương tự đã xảy ra ở hàng chục thành phố trên khắp nước Mỹ, kể cả Los Angeles, San Francisco, Chicago và Boston.
Từ ngày 5-10, phong trào “Chiếm phố Wall” có thêm sự tham gia của các tổ chức nghiệp đoàn Mỹ. Hàng chục ngàn đoàn viên các nghiệp đoàn đã cùng tham gia tuần hành với những người phản kháng vì giới hoạt động công đoàn hy vọng cùng nhau họ có thể gây áp lực buộc Tổng thống Obama và Quốc hội Mỹ phải chú ý tới vấn đề tạo công ăn việc làm và những mối quan tâm khác của công đoàn.
Yêu sách chính của người biểu tình là "không đổ tiền cho Wall Street và chiến tranh, công việc làm và thu nhập cho người lao động". Ảnh TL |
Xuất phát từ Mỹ, phong trào “Chiếm phố Wall” cũng đã nhanh chóng lan sang một số nước phát triển khác như Thụy Sĩ, Hàn Quốc...
Nguyên nhân
Như tuyên bố của những người khởi xướng, “Chiếm phố Wall” là hành động biểu thị sự bất mãn của người dân Mỹ trước thói tham lam và tham nhũng của giới tài phiệt, làm giàu trên sự khốn khó của người dân. Giáo sư Paul Krugman, người được giải Nobel Kinh tế và là nhà bình luận của báo New York Times, cho rằng, lời buộc tội mà những người phản kháng đưa ra, theo đó “Wall Street là một thế lực phá hoại cả về chính trị và kinh tế” là hoàn toàn đúng. Thế lực phá hoại đó, theo giáo sư Krugman, diễn ra theo 3 bước: một là, các ông chủ ngân hàng lợi dụng tình trạng quản lý lỏng lẻo của nhà nước để tạo ra những bong bóng tài chính khổng lồ, đồng thời tự trả cho mình những khoản lương thưởng béo bở, thông qua việc cho vay mượn tràn lan và bất cẩn; bước hai, khi các ngân hàng bị rơi vào tình trạng mất thanh khoản thì nhà nước phải ra tay cứu nguy bằng tiền đóng thuế của người dân, các ngân hàng không bị ràng buộc gì trong lúc người dân thường phải tiếp tục gánh chịu những hậu quả tai hại từ tội lỗi của giới chủ nhà băng; và bước ba là các chủ ngân hàng - vẫn tiếp tục làm giàu - bày tỏ lòng biết ơn đối với các chính trị gia đã cứu nguy họ bằng cách ủng hộ các chính trị gia chủ trương giữ mức thuế thấp đối với người giàu và nới lỏng những quy định quản lý được đặt ra sau cuộc khủng hoảng.
Trong hoàn cảnh kinh tế Mỹ tiếp tục trì trệ, thất nghiệp kéo dài ở mức cao kỷ lục, tỷ lệ người nghèo cũng tăng lên mức kỷ lục và thu nhập của người dân tiếp tục sụt giảm, sự bất mãn của công chúng đối với giới tài phiệt có cơ sở để trào dâng và bộc lộ thành hành động phản kháng.
Xung đột ở cấp cao
Phong trào “Chiếm phố Wall” xuất hiện vào lúc xảy ra cuộc “Chiến tranh giai cấp trên chính trường Mỹ” khi hai đảng chính trị lớn nhất nước này, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, lao vào cuộc chiến bất phân thắng bại trong gần như mọi lĩnh vực chính sách trọng yếu của đất nước. Đảng Dân chủ do Tổng thống Barack Obama lãnh đạo, nắm quyền kiểm soát hành pháp và chiếm 51 ghế trong 100 ghế Thượng viện; đảng Cộng hòa đối lập chiếm đa số ghế ở Hạ viện, có tiếng nói quyết định về lập pháp. Trong sự giằng co giữa hai đảng, những kế hoạch của Chính phủ Mỹ, do đảng Dân chủ kiểm soát, về tăng nguồn thu bằng việc tăng thuế đối với người giàu để giảm thâm hụt ngân sách, đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm... đều không thể trở thành hiện thực do vấp phải sự chống đối quyết liệt của đảng Cộng hòa. Ngược lại, những chủ trương của đảng Cộng hòa về thu hẹp vai trò của bộ máy chính phủ, giảm thâm hụt ngân sách qua việc giảm các chương trình trợ cấp xã hội... cũng không được đảng Dân chủ ủng hộ.
Tình trạng đấu đá chính trị dẫn tới sự bế tắc trong việc hoạch định chính sách của Mỹ là căn cứ để các tổ chức xấp hạng tín dụng hạ thấp mức tín nhiệm tín dụng của nước này, làm giảm sút lòng tin của nhà đầu tư vào kinh tế Mỹ và gây ra những đợt sóng xáo trộn trên các thị trường chứng khoán, tài chính, vật liệu khắp thế giới...
Ý nghĩa chính trị và kinh tế của "Chiếm phố Wall"
Khi cuộc phản kháng kéo sang tuần thứ tư, nhiều nhân vật nổi bật của đảng Dân chủ đã tán dương sự lan rộng của phong trào “Chiếm phố Wall” trong một dấu hiệu rõ ràng cho thấy các cơ sở đảng Dân chủ đánh giá phong trào này là một cách để kết hợp những người Mỹ đã vỡ mộng với đường lối của đảng; trong khi đó một số nhà phân tích lo ngại rằng việc chạy theo những đòi hỏi của người phản kháng sẽ đẩy đảng Dân chủ về phía khuynh tả - cũng như phong trào đảng Trà (Tea Party) trước đây đã đẩy đảng Cộng hòa về phía khuynh hữu hiện nay.
Trong các phát biểu của mình, Tổng thống Obama, Phó tổng thống Joseph R. Biden và Dân biểu Nancy Pelosi - lãnh đạo nhóm dân biểu Dân chủ trong Hạ viện Mỹ, đều tỏ ra đồng tình với phong trào “Chiếm phố Wall”, coi đó là sự phản ánh “nỗi thất vọng” trong tâm can của nhiều người dân Mỹ.
Tuy nhiên, chưa rõ là những người khởi xướng phong trào “Chiếm phố Wall” có muốn nhận sự ủng hộ của đảng Dân chủ hay không, bởi vì nhiều nội dung phản đối của họ được nhắm thẳng vào Tổng thống Obama và đảng Dân chủ của ông, cáo buộc ông Obama đã quá mềm yếu trong việc đưa ra biện pháp buộc người giàu phải đóng thuế tương xứng với thu nhập của họ, trừng phạt các ngân hàng kinh doanh bất cẩn và quan tâm nhiều hơn tới việc tạo công việc làm cho những người thất nghiệp.
Tổng thống Obama cho rằng "Chiếm phố Wall" phản ánh nỗi thất vọng của người dân Mỹ. Ảnh TL |
Các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa ngày càng tỏ ra cay cú với những người phản kháng. Dân biểu Eric Cantor - lãnh đạo nhóm đa số tại Hạ viện Mỹ, gọi những người biểu tình là “đám du côn nổi loạn”, còn Herman Cain, ứng viên đảng Cộng hòa cho cuộc bầu cử tổng thống năm tới, gọi hành động phản kháng của phong trào “Chiếm phố Wall” là sự ghen tức của những người chống chủ nghĩa tư bản. Mitt Romney, một ứng viên khác, cho rằng những người biểu tình “đã kích hoạt cuộc chiến tranh giai cấp”; thậm chí có người gọi phong trào này là “đi theo con đường của Lê-nin”.
Ở góc độ kinh tế vĩ mô, sự phản kháng của phong trào “Chiếm phố Wall” không chỉ là cuộc đấu tranh của người nghèo chống lại người giàu mà là biểu hiện mới của sự xung đột thường xuyên giữa hai học thuyết kinh tế: một bên là chủ nghĩa tư bản chủ trương tự do kinh doanh, thị trường điều phối tất cả mọi thứ mà không cần đến sự quản lý, can thiệp của nhà nước, một bên là chủ nghĩa tư bản có sự điều tiết của nhà nước. Các nhà tài phiệt cho rằng họ cần được tự do kinh doanh tuyệt đối, không có sự can thiệp của nhà nước, thì mới phát huy được sáng kiến, tạo ra công ăn việc làm cho người khác và thúc đẩy sự phồn vinh của xã hội. Ngược lại, những người “Chống phố Wall” yêu cầu nhà nước phải làm tốt vai trò quản lý nhằm kiềm chế những hành vi trục lợi, tham lam của các nhà tài phiệt, điều phối thu nhập một cách công bằng và hướng tới những mục tiêu lâu dài, bền vững cho toàn thể cộng đồng hơn là thúc đẩy lợi nhuận ngắn hạn cho một số ngành nghề, một số nhóm lợi ích.
Hiện chưa rõ cuộc đấu tranh “Chiếm phố Wall” sẽ diễn tiến đến đâu song theo nhiều nhà phân tích, phong trào này đang đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử nước Mỹ, và từ đây chắc chắn nước Mỹ phải tìm một con đường phát triển khác thay vì dựa chủ yếu trên một nền tư bản tài chính có tên là Wall Street.