Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Mỹ cũng gặp vấn đề về kết nối điện gió và mặt trời

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ở Mỹ các dự án sản xuất điện gió, điện mặt trời cũng đang gặp khó khăn vì không thể kết nối vào hệ thống chuyền tải điện chung. Theo New York Times, cuối năm 2021 có hơn 8.100 dự án năng lượng tái tạo chờ giấy phép hòa vào lưới điện chung, tăng so với 5.600 dự án ở năm trước. Nhiều dự án bị đình hoãn do năng lực hệ thống truyền tải không đủ tiếp nhận các dự án điện tái tạo đang bùng nổ ở nước này.

Ở Mỹ không chỉ có một mà có đến hàng chục hệ thống truyền tải điện, mỗi hệ thống do một cơ quan khác nhau quản lý. PJM Interconnection, hiện đang quản lý đường dây điện lớn nhất Mỹ kéo dài từ Illinois đến New Jersey, bị tồn đọng nhiều hồ sơ xin kết nối đến nỗi phải tuyên bố ngưng nhận hồ sơ mới cho đến hết năm 2026 để giải quyết hàng ngàn hồ sơ chưa giải quyết, chủ yếu là điện tái tạo.

Nhìn chung, một dự án điện tái tạo cần mất bốn năm để được phê duyệt kết nối, tăng gấp đôi thời gian so với cách đây một thập niên. Ngay cả khi được phép kết nối, vì hệ thống điện hiện có đa phần là già nua cũ kỹ nên chủ dự án cần kết nối phải đầu tư thêm vào hệ thống truyền tải, nâng công suất mới mong không bị nghẽn.

Theo một nghiên cứu của Lawrence Berkeley National Laboratory, chưa đến một phần năm các dự án điện gió, điện mặt trời vượt qua được quá trình xếp hàng chờ kết nối; đa phần phải bỏ cuộc. Chính vì thế mà sau một thời gian tăng trưởng mạnh, các dự án điện gió, điện mặt trời lớn ở Mỹ đang sút giảm, năm 2022 giảm 16%. Lý do một phần do thiếu hụt nguồn cung ứng nhưng chủ yếu do phải chờ đợi quá lâu để kết nối vào lưới điện.

Hiện nay ngành điện đang tạo ra một phần tư khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở Mỹ; thế nên giúp ngành điện giảm con số này chính là mục đích của các chương trình chống biến đổi khí hậu. Thế nhưng đạo luật cung cấp 370 tỉ đô la hỗ trợ các dự án điện tái tạo sẽ bất thành nếu không giải quyết được điểm tắc nghẽn kết nối nói trên.

Một mạng lưới điện lớn thường phải quản lý dòng chảy điện từ hàng trăm nhà máy phát điện qua hàng ngàn cây số dây điện chằng chịt đi vào hàng triệu hộ gia đình hay cơ sở sản xuất. Thông thường khi có một đề xuất làm dự án phát điện, công ty quản lý mạng lưới sẽ phải nghiên cứu bảo đảm nguồn điện mới sẽ không gây xáo trộn vì nếu đường dây hiện có không tải nổi nguồn điện mới, nó sẽ quá tải và sụp đổ.

Quá trình này đòi hỏi nghiên cứu chi tiết, mất thời gian. Sau đó có thể công ty quản lý mạng lưới sẽ yêu cầu chủ đầu tư nâng cấp, chẳng hạn đường dây kết nối từ nhà máy điện mới đến trạm điện gần nhất; chi phí do chủ đầu tư gánh chịu.

Trước đây mỗi năm chỉ thêm một hai nhà máy phát điện từ than hay khí đốt thì quy trình xem xét này cũng bình thường. Nhưng khi các dự án điện gió, điện mặt trời bùng nổ, vừa do giá thành giảm, vừa do chính sách khuyến khích của địa phương, các mạng lưới điện không tài nào chịu nổi hàng ngàn dự án nộp đơn cùng lúc.

Silicon Ranch là một dự án như thế; cách đây 2 năm nộp hồ sơ cho mạng lưới điện PJM để xin kết nối 3 dự án điện mặt trời 100 megawatt tại Kentucky và Virginia, đủ để cung cấp điện cho hàng ngàn hộ gia đình.

Công ty thường kết hợp xây hệ thống pin mặt trời với đồng cỏ nuôi cừu đã thương lượng với nông dân địa phương để mua hàng ngàn mẫu đất. Đến nay đất vẫn bỏ hoang, PJM chưa trả lời Silicon Ranch và chưa biết đến năm 2029 có bắt đầu phát điện được chưa. Silicon Ranch đã đánh mất niềm tin với cộng đồng địa phương vì hứa hẹn đầu tư nay chẳng thấy đâu cả.

Ngoài ra người dân trên các địa phương ở Mỹ cũng phản đối các dự án điện gió vì họ cho rằng các tourbine khổng lồ phá hỏng cảnh quan, làm giá nhà đất sụt giảm, tiếng ồn tần số thấp các cánh quạt phát ra có thể gây hại cho sức khỏe. Nếu Mỹ không giải quyết được nút thắt cổ chai ở khâu truyền tải, mục tiêu giảm khí phát thải để ngăn ngừa biết đổi khí hậu sẽ khó lòng đạt được.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Princeton ước tính các khoản trợ cấp liên bang cho các dự án năng lượng sạch sẽ giúp giảm khí phát thải của ngành điện đến một nửa vào năm 2030. Nhưng dự báo này giả định năng lực tiếp nhận nguồn điện mới phải tăng gấp đôi trong 10 năm tới.

Nếu điều này không xảy ra, khí phát thải của ngành điện có thể tăng thay vì giảm vì các nhà máy điện chạy than và khí đốt phải tăng công suất bù cho các dự án điện tái tạo bị đình hoãn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới