Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu vượt khó và tính chuyện đường dài

Hoàng Hạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Cơn gió ngược đã và nhiều khả năng sẽ tiếp tục thử thách lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam. Muốn đi đường dài, thực lực càng phải mạnh mẽ.

Để cạnh tranh giành đơn hàng tại các thị trường xuất khẩu chính, ngành dệt may đã chào giá bằng 50%, thậm chí 40% mức giá thông thường. Ảnh: THÀNH HOA

Thấy gì từ sự sụt giảm?

Từ cuối năm 2022 dấu hiệu khan hiếm đơn hàng đã hiển hiện với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, gỗ... Đây là điều không khó dự báo khi nhiều nước trên thế giới phải siết chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát. Viễn cảnh không thể sáng sủa khi đầu năm Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2023 từ mức 3% xuống 1,7%, kinh tế Mỹ vẫn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh suy thoái, lạm phát tiếp tục đe dọa nhiều nền kinh tế.

Thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho thấy, đối với dệt may, đơn đặt hàng tại các thị trường xuất khẩu chính giảm mạnh: châu Âu giảm tới 60%, Mỹ giảm 30-40%. Tình hình càng khó khăn hơn khi nhiều doanh nghiệp, để cạnh tranh giành đơn hàng, đã chào giá bằng 50%, thậm chí 40% mức giá thông thường.

Ngành gỗ ghi nhận đơn hàng tăng ở sản phẩm gỗ dăm và viên nén, do nhu cầu chất đốt để giữ ấm tại châu Âu, nhưng nay cũng đang giảm mạnh.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính tới ngày 15-2-2023, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may giảm tới 845 triệu đô la Mỹ, tương ứng giảm 19,7% so với cùng kỳ năm 2022; xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm 664 triệu đô la, tương ứng giảm 35,6%.

Một nhóm hàng xuất khẩu chủ lực khác là điện thoại, linh kiện điện thoại và máy vi tính, sản phẩm điện tử... triển vọng cũng không sáng sủa hơn. Dù xuất khẩu nhóm hàng này từ đầu năm đến 15-2-2023 vẫn đạt 7,36 tỉ đô la, tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng với mức giảm kim ngạch nhập khẩu sản phẩm và linh kiện đầu vào lên đến 62,3% thì triển vọng xuất khẩu của những tháng tới khó khả quan.

Khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu đã phản ánh ngay vào thu nhập của công nhân. Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho thấy số doanh nghiệp có mức lương trung bình cho một công nhân trên 10 triệu đồng/tháng đã “giảm từ 80% của quí 2-2022 xuống còn 65% của quí này”.

Trợ lực cho xuất khẩu thế nào?

Đầu tiên, phải xác định, việc mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, vốn chủ yếu là làm gia công, là không dễ dàng. Đây cũng là một trong những tồn tại đã kéo dài hàng chục năm nay của ngành công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Với nhiều doanh nghiệp, lối thoát đang được bàn thảo nhiều và cũng là khả thi nhất là ở thị trường nội địa. Sức mua của một thị trường 100 triệu dân không phải nhỏ, nên sẽ là nghịch lý nếu doanh nghiệp chỉ chăm chăm vào thị trường xuất khẩu, còn chính sách nhà nước cũng chủ yếu tập trung hỗ trợ cho xúc tiến xuất khẩu, để “sân nhà” của mình cho người khác chiếm lĩnh. Chinh phục được thị trường trong nước, hàng Việt sẽ có “hậu phương” vững chắc để tiến ra thị trường khu vực và thế giới.

Thứ hai, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp vẫn nên được coi là trụ đỡ. Khai thác các thị trường nhỏ, thị trường ngách cho nông sản đang được coi là một hướng đi. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, dù hai thị trường chính là Mỹ và châu Âu chưa có dấu hiệu hồi phục, trong tháng 1-2023 tăng trưởng đột phá lại được ghi nhận ở các thị trường nhỏ, thị trường ngách như Phần Lan (435%), Lào (21%), Israel (17%), Cameroon (15%), Indonesia (8%), Chile (7%).

Bên cạnh đó, xuất khẩu nông sản đầu năm cũng cho thấy sự đa dạng về cơ cấu sản phẩm và sự tăng trưởng mạnh ở một số mặt hàng mới như: cá lù đù (493%), cá trôi (167%), cá hoki (147%), ốc (107%), cá nục (81%)...

Câu hỏi của chủ một doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm cá rô chế biến ở Hải Dương tại Hội nghị Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên tổ chức ngày 2-3 mới đây cũng là trăn trở chung.

Doanh nghiệp muốn được hỗ trợ thông tin về tiêu chuẩn chất lượng, quy định, rào cản của các thị trường nhập khẩu... Quả thật, sẽ rất khó để cơ quan quản lý đưa ra các bộ thông tin đầy đủ cho từng sản phẩm cụ thể. Thế nhưng, họ có thể hướng dẫn nơi đăng các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật ở từng thị trường, nơi cập nhật những thay đổi mới nhất để doanh nghiệp tự tra cứu.

Riêng đối với những sản phẩm xuất khẩu thế mạnh hoặc được định hướng là thế mạnh, việc ban hành các tập thông tin về thị trường, cập nhật theo từng năm và phổ biến rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp là một việc cần làm.

Ngoài ra, có thể xây dựng những mô hình tư vấn có lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận gồm các chuyên gia kinh tế, các thương nhân có kinh nghiệm giao thương với nước ngoài, đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp tìm hiểu và tiếp cận thị trường.

Thứ ba là tầm nhìn về các thị trường tiềm năng trong tương lai. Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới cập nhật vào tháng 1-2023 của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) cho thấy, 9 trong 15 nền kinh tế được dự đoán có mức tăng trưởng cao nhất năm 2023 nằm ở châu Phi. Vậy cơ hội xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang châu lục này ra sao và chúng ta đã đề ra chiến lược khai thác các thị trường này như thế nào?

Thị trường mới sẽ song hành cùng công ăn việc làm mới cho người lao động.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới