Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Từ trí thông minh tới… trí thông minh nhân tạo

Thiên Kim

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trí thông minh không phải là một chủ đề mới, chúng ta nói đến trí thông minh từ nhiều thế kỷ nay và đưa ra hàng ngàn định nghĩa khác nhau.

Nghiên cứu lịch sử cho thấy từ thời Hy Lạp cổ đại, con người đã tìm hiểu nguồn gốc của trí thông minh cũng như cách đo lường nó. Ví dụ như từ thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên, thần thoại Hy Lạp đã nói đến “métis” - có nghĩa là “khôn ngoan”(1). Người được ví là có métis chính là Ulysses, người anh hùng trong sử thi Odyssey - vì ông giỏi xoay xở, ứng biến. Sau đó, các triết gia Hy Lạp cũng phát triển khái niệm logos (có thể hiểu là lý trí, hay biện luận hợp lý, chặt chẽ) - một hình thức trí tuệ “cao cấp”.

Theo Platon, mỗi người phải tự tìm cách đạt tới loại trí thông minh cao cấp này, để tiếp cận được Ý niệm vĩnh cửu (mà theo ông, là nguồn gốc của thế giới). Platon cho rằng thông minh là có các suy nghĩ mang tính lý trí. Học trò của ông, Aristote, lại đưa ra một cách hiểu khác - ông phân biệt giữa trí thông minh thực tế và lý thuyết - mà loài vật cũng có thể có, với sự minh triết (sophia) - chỉ dành cho con người và thần thánh.

Dưới sự ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo, các triết gia thời Trung cổ ở châu Âu thường nói về trí thông minh có nguồn gốc từ Chúa Trời và khái niệm này luôn gắn liền với đức tin. Tương tự, trong đạo Phật ở phương Đông, trí thông minh được coi là khả năng đạt được sự hiểu biết đích thực và trọn vẹn thế giới.

Từ thế kỷ 17, 18 trở đi, khi triết học dần tách rời với tôn giáo, nhiều cách hiểu khác về trí thông minh được đưa ra và phát triển. Descartes, trong quyển “Phương pháp luận” (1637), nói về trí thông minh dựa trên những tư duy logic. Nhà triết học Anh John Locke nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục: trí tuệ không tự đến, mà con người phải đạt được nhờ kinh nghiệm và học hỏi. Rousseau và Kant thì phân biệt giữa bản năng loài vật và khả năng tư duy của loài người.

Từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, một số ngành khoa học mới ra đời như sinh học hay tâm lý học cũng bắt đầu nghiên cứu về trí thông minh. Alfred Binet (1857-1911), nhà tâm lý học người Pháp tìm cách đo lường trí thông minh. Theo ông, trí thông minh có thể “đo” được nhờ vào việc nghiên cứu các chức năng nhận thức (cognitive functions) như trí nhớ, suy luận logic, sự tập trung.

Ông cũng chính là người tạo ra “thước đo” trí thông minh đầu tiên - với những câu hỏi phù hợp với độ tuổi, để giúp phát hiện ra trẻ có năng lực trí tuệ hạn chế. Năm 1912, dựa vào nghiên cứu của Binet, nhà tâm lý học người Đức William Stern đã đưa ra chỉ số thông minh IQ mà chúng ta vẫn còn sử dụng ngày nay.

Ở thế kỷ 21, nhiều suy nghĩ đã thay đổi khi nói về trí thông minh. Trước đây, trí thông minh được coi là đặc tính riêng của con người, nhưng giờ đây, ai cũng phải thừa nhận rằng máy móc có thể… thông minh.

Ở thế kỷ 20, giáo dục ngày càng được coi là yếu tố quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Các nghiên cứu về trí thông minh càng nở rộ. Hai trường phái tồn tại, bên thì cho là trí thông minh là bẩm sinh, bên thì cho là trí thông minh có thể đạt được nhờ tương tác với môi trường sống.

Sự khác biệt giữa hai trường phái dẫn đến những chính sách giáo dục khác nhau ở các nước. Sau này, nhờ vào những nghiên cứu của Jean Piaget (1896-1980), giới khoa học dần tìm được tiếng nói chung. Ông chính là người đưa ra học thuyết về sự hình thành và phát triển của trí thông minh.

Đối với Piaget, trí tuệ là sản phẩm của sự tác động qua lại giữa chủ thể (yếu tố bẩm sinh) và môi trường (yếu tố thu nhận). Sự phát triển của trí thông minh chính là kết quả của một quá trình “thích nghi”, thu nhận các yếu tố của môi trường sống, mà bao gồm cả môi trường sống xã hội và văn hóa. Trí thông minh không chỉ là “bẩm sinh”, mà còn là kết quả của học tập và trải nghiệm.

Dựa trên những nghiên cứu về tâm lý thần kinh học về cảm xúc, giới khoa học cũng đưa ra học thuyết về trí tuệ cảm xúc. Theo P. Salovey và J. Mayer, trí tuệ cảm xúc góp phần giúp cá nhân thích nghi tốt hơn với môi trường sống, giải quyết các vấn đề gặp phải. Điều quan trọng không phải là tìm cách không để cảm xúc lấn át, mà là sử dụng cảm xúc một cách thông minh.

Hiện nay, thuyết Đa trí tuệ của Tiến sĩ Howard Gardner - trường Đại học Harvard - thu hút sự chú ý của các chuyên gia giáo dục, cũng như các bậc cha mẹ. Theo ông, con người có nhiều loại hình trí thông minh đa dạng khác nhau(2). Mỗi người trong chúng ta đều tồn tại một vài kiểu thông minh khác nhau nhưng sẽ có kiểu thông minh trội hơn. Vì thế, mỗi người sẽ có năng lực sở trường khác nhau.

Ở thế kỷ 21, nhiều suy nghĩ đã thay đổi khi nói về trí thông minh. Trước đây, trí thông minh được coi là đặc tính riêng của con người, nhưng giờ đây, ai cũng phải thừa nhận rằng máy móc có thể… thông minh. Nhờ trí thông minh, con người còn tạo ra công nghệ trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) và giờ đây chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của AI, công nghệ vừa mang lại những phát triển vượt bậc cho xã hội loài người, vừa đặt ra những nguy cơ đáng kể.

Chương trình máy tính đầu tiên sử dụng công nghệ AI là General Problem Solver (GPS) do Herbert A. Simon và Alan Newell phát triển vào năm 1959, với mục tiêu giải quyết các vấn đề trong cờ vua hay trong toán học. Tất nhiên, sau nhiều nghiên cứu, bộ mặt của AI giờ đã rất khác, các ứng dụng của AI đi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, ở mọi lĩnh vực khác nhau.

Đối với nhiều người, AI đang cạnh tranh với trí tuệ của con người (trong một số lĩnh vực như tính toán, trò chơi chiến lược…, AI đã giành thế áp đảo trước con người), thậm chí cả trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật.

Gần đây, ChatGPT - một công cụ nói chuyện tự động (chatbot) đã thu hút sự chú ý của cả thế giới vì khả năng trả lời và tương tác hiệu quả chẳng kém người thật với một sự chính xác và nhuần nhuyễn về mặt ngôn ngữ, cũng như khả năng tổng hợp thông tin, cập nhật kiến thức siêu nhanh. Liệu có thể một ngày kia AI sẽ thông minh hơn con người? Câu hỏi này ngày càng trở nên nghiêm túc.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, AI mới đạt được một phần của trí thông minh con người, và các chuyên gia dự đoán rằng trong vòng 50 năm tới đây, AI chỉ có thể thay thế con người ở những công việc đòi hỏi năng lực trí tuệ thấp mà thôi.

Hiện nay, một số công ty chuyên về AI còn nghiên cứu sản xuất robot có cả năng lực cảm xúc, cụ thể là có khả năng xác định cảm xúc người dùng và có phản ứng tương ứng (công nghệ này hiện đã được dùng trong chatbots, hay trong các nghiên cứu thị trường). AI, vì thế, ngày càng trở nên “tự nhiên” hơn trong tương tác với con người. Cũng như trí tuệ cảm xúc, năng lực cảm xúc của AI được coi là sẽ càng cải thiện cuộc sống của chúng ta.

Tuy nhiên, cũng phải bổ sung rằng, một nghiên cứu của nhà tâm lý học, Giáo sư trường Đại học North Carolina Kurt Gray cùng đồng nghiệp đã cho thấy robot càng có các hình thức hay cảm xúc giống người, thì lại càng làm cho chúng ta… sợ. Hiệu ứng tâm lý này được gọi là Uncanny Valley - Thung lũng kỳ lạ, được định nghĩa bởi Masahiro Mori vào năm 1970.

(1) Trong thần thoại Hy Lạp, Métis cũng là tên của người vợ đầu tiên của thần Zeus. Bị chồng nuốt, bà đưa ra các lời khuyên từ trong bụng của Zeus.
(2) Như thông minh nội tâm, thông minh giao tiếp, thông minh ngôn ngữ, thông minh logic - toán học, thông minh hình ảnh, thông minh âm nhạc, thông minh cơ thể, thông minh thiên nhiên.

1 BÌNH LUẬN

  1. Trí thông minh, chỉ có ở con người, chỉ phát sinh, phát triển khi có sự hiện diện của con người. Còn trí thông minh nhân tạo là không tồn tại. Trí tuệ nhân tạo – AI – thực ra chỉ là “bản sao/ copy paste”, là thuật ngữ thông lệ, dân gian, không phản ánh đúng bản chất của trí thông minh. Sự lăn tăn, phóng đại, cường điệu… về AI dễ dàng làm cho thiên hạ mất phương hướng, lạc đường, lạc lối… Dẫn đến mất tự tin, thậm chí đánh mất bản thân mình trong một thế giới càng ngày… càng ảo, hơn là thực. Nên chăng cần tái định nghĩa lại AI. Hiểu theo nghĩa, trí tuệ nhân tạo chỉ là một sản phẩm của trí thông minh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới