Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Con đường nào để Việt Nam gia nhập nhóm thu nhập trung bình – cao?

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Những khó khăn nội tại của nền kinh tế và rủi ro từ bối cảnh bất ổn của kinh tế thế giới khiến nguy cơ “sập bẫy thu nhập trung bình” vẫn hiện hữu với kinh tế Việt Nam.

Từ một quốc gia quốc gia kém phát triển, Việt Nam đã dần “chuyển mình” để vươn lên vị trí thứ 37 trong số các quốc gia có GDP lớn nhất thế giới năm 2022, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam từ mức 200 đô la Mỹ vào đầu những năm 1990 tăng lên mức 3.590 đô la vào năm 2021, theo số liệu của Ngân hàng thế giới (WB).

Với mức thu nhập bình quân đầu người hiện tại, Việt Nam có khả năng gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao trước năm 2030 nếu vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”.

Thực tế cho thấy, không phải các chương trình kích cầu, đầu tư công mang lại thành tựu phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo, mà chính là cải cách thể chế kinh tế. Ảnh minh họa: TL

“Bẫy thu nhập trung bình” vẫn hiện hữu và kéo dài

“Bẫy thu nhập trung bình” là một tình trạng trong phát triển kinh tế khi một quốc gia đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định (do những lợi thế sẵn có - PV) và "giậm chân tại chỗ", không thể vượt qua ngưỡng đó để trở nên giàu có hơn.

Theo các chuyên gia, đa số các quốc gia thế giới khi chạm đến ngưỡng thu nhập trung bình cao thì tốc độ tăng trưởng chậm dần, bất ổn kinh tế mang tính cơ cấu xuất hiện và rất khó giải quyết dứt điểm. Ngoài ra, là các vấn đề về già hoá dân số, an sinh xã hội, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên. Kết quả là chỉ 13/101 quốc gia có mức thu nhập trung bình ở thập niên 60 của thế kỷ XX vượt qua khó khăn, vươn lên thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2008.

Với trường hợp Việt Nam, tại một kỳ họp Quốc hội vào cuối năm 2019, ông Hoàng Quang Hàm, khi đó là Uỷ viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đã bày tỏ nỗ lo tụt hậu của Việt Nam so với thế giới.

Theo ông Hàm, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 100 đô la khi bắt đầu Đổi mới và Mở cửa thì GDP bình quân đầu người của thế giới là hơn 4.000 đô la. Năm 2018, con số này của Việt Nam khoảng 2.590 đô la, còn của thế giới là khoảng 11.000 USD.

“Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 đô la, nhưng đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000 đô la và khoảng cách vẫn tăng qua các năm”, ông Hàm nói và cho rằng kinh tế Việt Nam đã đi được nhiều bước nhưng là những bước ngắn, nên kinh tế vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác.

Tương tự, một báo cáo của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đóng góp vào văn kiện đại hội Đảng lần thứ XIII cho biết, kết quả tăng trưởng mà Việt Nam đạt được thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác từng đạt được trong giai đoạn tăng trưởng nhanh tương tự Việt Nam.

Với giai đoạn 1991-2020, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam đạt 7,14% một năm, thì Hàn Quốc - trong gần 40 năm duy trì mức tăng trưởng nhanh – có tốc độ tăng trưởng khoảng 8% một năm, còn Nhật Bản có tốc độ tăng trưởng khoảng 9,4% một năm giai đoạn 1955-1973.

Ngoài ra, cấu trúc tăng trưởng của Việt Nam thể hiện tính lạc hậu công nghệ khi đóng góp của nhân tố TFP chỉ chiếm 26,1% giai đoạn 2011 – 2018, trong khi con số này tại các quốc gia đang phát triển là xấp xỉ 40%.

Với hiện tại, GS. TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng sự vận hành của nền kinh tế thị trường tại Việt Nam đang bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Cụ thể, Nhà nước còn chi phối khá nhiều vào cơ chế giá thị trường tại các mặt hàng như giá xăng dầu, điện, vé máy bay, dịch vụ y tế…

Sự chi phối này, theo ông Chương, đã bộc lộ những bất cập khá nghiêm trọng. Chẳng hạn, tình trạng thiếu hụt xăng dầu; hàng loạt các doanh nghiệp Nhà nước liên tục thông báo kết quả kinh doanh thua lỗ nặng như EVN, Vietnam Airlines; một số địa phương, đơn vị rơi vào tình trạng thu không đủ chi, thiếu hụt về thuốc men và trang thiết bị y tế…

Vị chuyên gia này cũng cho rằng việc bảo vệ quyền sở hữu của doanh nghiệp và người dân hiện chưa được thực hiện tốt. Chẳng hạn, đất đai nhiều nơi vẫn bị thu hồi phục vụ mục đích kinh tế của các tập đoàn bất động sản tư nhân.

Ngược lại, hệ thống các văn bản pháp luật có nhiều chồng chéo, khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, còn các cán bộ Nhà nước cũng đối mặt rủi ro vi phạm pháp luật nếu hiểu sai các quy định. Điều này dẫn đến hiện tượng chậm trễ trong việc xử lý các thủ tục hành chính.

"Trường hợp các doanh nghiệp bất động sản gần đây là một ví dụ. Rất nhiều dự án không thể triển khai vì vướng thủ tục pháp lý, bị treo nhiều năm, không được giải quyết”, ông Chương nói tại một toạ đàm về đổi mới thể chế kinh tế diễn ra cách đây ít ngày.

Với thị trường vốn, chuyên gia này cho rằng việc bảo vệ nhà đầu tư thiểu số trong doanh nghiệp chưa được chú trọng đúng mức. Các cơ quan quản lý cũng chưa xây dựng được khung thể chế bảo vệ các loại tài sản mới như tiền kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, nhiều loại thị trường hiện đại chưa được hình thành, hoặc còn hạn chế sự tham gia của người dân, như các thị trường ngoại hối, thị trường vàng phái sinh, thị trường hàng hoá phái sinh.

Con đường nào cho Việt Nam?

Hiện tại, phần lớn các quốc gia trên thế giới đang đối mặt với sức ép lạm phát chưa từng thấy kể từ thập niên 1980 trở lại đây, do hậu quả của những chương trình chi tiêu khổng lồ trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát.

Để đối phó với lạm phát, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và nhiều ngân hàng trung ương khác đều nâng mạnh lãi suất điều hành, buộc ngân hàng trung ương của các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, phải tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ. Điều này khiến triển vọng phát triển kinh tế trong giai đoạn tới bị ảnh hưởng.

Với Việt Nam, kinh nghiệm từ những lần suy giảm kinh tế trước đây gồm khủng hoảng tài chính châu Á giai đoạn 1997-1998 và đại suy giảm toàn cầu giai đoạn 2008-2009, cho thấy không phải các chương trình kích cầu, đầu tư công mang lại thành tựu phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo, mà chính là cải cách thể chế kinh tế.

Về thể chế cho thị trường tài chính, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV kiến nghị cần tập trung luật hóa việc xử lý nợ xấu, sửa đổi một số Luật gồm Luật Chứng khoán (2019), Luật Ngân hàng Nhà nước (2010), Luật Các tổ chức tín dụng (2010, 2017), Luật Bảo hiểm tiền gửi (2012) và các Nghị định, Thông tư không còn phù hợp trong bối cảnh mới.

Ngoài ra, bổ sung mô hình, cơ chế, quy định để quản lý, giám sát tập đoàn tài chính, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ (cho vay ngang hàng, Fintech, huy động vốn cộng đồng...); có chính sách khuyến khích, thúc đẩy quản lý và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các tổ chức tài chính mới như quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ đầu tư bất động sản, quỹ mạo hiểm... Hoàn thiện thể chế nhằm đảm bảo tách biệt thực chất, hiệu quả giữa chức năng sở hữu và quản lý đối với các định chế tài chính và thị trường tài chính.

Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính - tiền tệ. Theo đó, tập trung thực hiện Quyết định 986 năm 2018 của Thủ tướng về chiến lược phát triển ngành ngân hàng, xây dựng kế hoạch hướng tới một ngân hàng trung ương độc lập và hiện đại.

Về tổ chức thị trường, ông Lực cho rằng các cơ quan quản lý, giám sát như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cơ quan Thanh tra - giám sát ngân hàng, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm... cần độc lập và được trao nhiều thẩm quyền hơn. Đồng thời, phải xây dựng mô hình quản lý - giám sát hệ thống, kiểm soát các rủi ro hệ thống, mô hình ổn định tài chính - tiền tệ và cơ chế xử lý khủng hoảng.

Cũng theo chuyên gia này, việc hoàn thiện thể chế nhằm tách biệt giữa chức năng sở hữu và quản lý với các định chế tài chính, thị trường tài chính cần thực hiện theo các tiêu chí gồm: có chế một cửa nằm trong cơ quan quản lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng chịu sự quản lý; làm rõ và tăng cường vai trò của người đại diện chủ sở hữu, đại diện Nhà nước và ủy viên HĐQT độc lập tại các định chế tài chính.

“Hoàn thiện thể chế thị trường tài chính nhằm đảm bảo phát triển lành mạnh, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống tài chính, chính là yếu tố then chốt trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường”, ông Lực nói.

Với yếu tố nhân lực, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cho biết lĩnh vực giáo dục - đào tạo, vốn có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế, có những chuyển biến khá chậm chạp nên không đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới khi chính phủ có xu hướng khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ở mảng công nghệ mới.

“Phải nâng cao kỹ năng, trình độ của lao động Việt Nam và cả tập quán làm việc công nghiệp. Như vậy mới có khả năng tiếp nhận được công nghệ mới mà các nhà đầu tư đưa vào”, bà Lan khuyến nghị.

Theo bà Lan, giai đoạn phát triển đòi hỏi công nghệ và trình độ cao hơn từ lao động Việt Nam. Nếu không đáp ứng hai yêu cầu này thì nền kinh tế không thể phát triển với tốc độ cao như giai đoạn trước nữa và bị kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình” như hàng trăm nước khác trên thế giới – điều bản thân bà đã bày tỏ lo ngại từ năm 2010 khi Việt Nam thoát khỏi mức thu nhập thấp.

Bà Lan cũng đề nghị Việt Nam đổi mới thể chế, chính sách về phát huy công nghệ để giúp người trẻ Việt Nam, đối tượng mà bà đánh giá là “sáng láng, nhanh nhạy, học được nhiều từ thế giới về kỹ thuật và quản trị’, phát huy hết khả năng của họ.

Về yếu tố vĩ mô, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI), nhấn mạnh hai điểm Việt Nam còn yếu và cần ưu tiên quan tâm trong cải cách thể chế.

Thứ nhất, duy trì đồng tiền tốt bằng cách tiếp tục kiên trì ổn định vĩ mô, đảm bảo lạm phát ổn định ở mức 3-4% như những năm vừa qua. Bên cạnh đó, nghiên cứu xem xét lại chế độ tỷ giá hối đoái, cho phép nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường ngoại hối tại các sàn giao dịch, từ đó cải thiện tiêu chí “tự do sở hữu tài khoản ngoại tệ tại ngân hàng”.

Thứ hai tự do thương mại quốc tế. Cụ thể, cần rà soát lại các hàng rào phi thuế quan theo hướng rõ ràng, minh bạch và ổn định; kiên trì cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan để giảm chi phí thời gian liên quan đến các thủ tục bắt buộc. Đồng thời, rà soát lại các quy định về kiểm soát vốn, để thị trường vốn của Việt Nam hấp dẫn hơn nữa nhà đầu tư nước ngoài...

 

1 BÌNH LUẬN

  1. Lâu lâu mới đọc một bài viết nêu đầy đủ những khó khăn của nền kinh tế. Là một công dân tôi cũng mong đất nước vượt qua được khó khăn hiện tại này để trở thành nhóm nước có thu nhật trung bình cao.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới