Lũ lụt và lúa vụ 3
Lê Anh Tuấn (*)
Một đoạn đê ở Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, bị vỡ khiến nước lũ tràn mạnh liệt vào đồng. Ảnh: Lê Anh Tuấn. |
(TBKTSG) - Mùa lũ năm 2011 còn đang diễn biến, chưa thể loại trừ những thay đổi bất thường có thể xảy ra từ nay đến trung tuần tháng 11-2011, nhưng cũng có thể nhận định sơ bộ về hai mặt: đặc điểm thủy văn và tình hình sản xuất lúa vụ 3 năm nay.
Bất ngờ với lũ lớn!
Kể từ trận lũ lịch sử năm 2000 đến nay, các số liệu quan trắc thủy văn cho thấy mực nước đỉnh lũ có xu hướng giảm dần, thấp nhất là vào năm 2010. Người dân ĐBSCL đã rất có lý khi lo ngại trước hiện tượng nước lũ ngày càng ít dần trên sông Cửu Long, kéo theo sự suy giảm nguồn cá tự nhiên và lượng phù sa bồi đắp cho đồng bằng.
Thấy rõ nhất là ở cả hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp, sản lượng đánh bắt cá tự nhiên giảm dần - con số rất có ý nghĩa với mực nước đỉnh lũ trong 10 năm qua (xem đồ thị). Đồng ruộng thiếu nước lũ khiến chất dinh dưỡng màu mỡ từ phù sa ít tích tụ, các độc chất và mầm bệnh trong ruộng lúa không được đẩy đi khiến nông dân phải tăng thêm chi phí sử dụng phân bón hóa học và nông dược, tiền bơm nước cho đầu vụ đông xuân cũng nhiều hơn.
Vì suy nghĩ mùa lũ không còn lớn nữa nên nhiều nơi đã tìm cách mở rộng lúa vụ 3 (vụ thu đông) thêm hơn 100.000 héc ta. Nhiều vùng ruộng sâu được bao đê để làm vụ 3 với hy vọng có thêm 1 triệu tấn lúa, dù rằng hệ thống đê bao ở ĐBSCL chẳng vững chắc gì.
Tuy nhiên, thiên nhiên vốn có những bất ngờ nằm ngoài dự tính của con người. Năm nay, lũ lại cao gần bằng năm 2000. Có những ngày, một số trạm đo mực nước trong đồng ghi được mức xấp xỉ năm 2000, thậm chí có lúc cao hơn.
Thoạt đầu, người dân khá mừng khi thấy dấu hiệu mùa lũ năm nay cao hơn, cá linh về đồng nhiều hơn, hứa hẹn một mùa “lũ đẹp” cùng kỳ vọng cho một vụ mùa bội thu kế tiếp. Tuy nhiên, niềm vui đó đã nhanh chóng chuyển thành nỗi lo âu khi nước ngày càng lớn và chảy xiết hơn, nhiều nơi cao bất thường và đã có dấu hiệu sạt lở nghiêm trọng. Kèm theo đó, các trận bão số 3 (tên quốc tế là bão Nock-ten), số 4 (Haitang), số 5 (Nesat), số 6 (Nalgae) xuất hiện dồn dập đã gây mưa to, ngập nặng và càng khiến nước lũ dâng cao trên hệ thống sông Mêkông, ảnh hưởng đến vùng Hạ Lào, hai bên vùng đất dọc sông Mêkông và sông Tonle Sap ở Campuchia cũng như toàn bộ vùng đầu nguồn - vùng giữa của ĐBSCL. Trong thời điểm nước lũ sông Mêkông tràn về đồng bằng, mưa tại chỗ và triều cường từ biển Đông đã làm mực nước càng dâng lên cao hơn. Các lưu vực ngoài sông Mêkông như lưu vực sông Chao Phraya cũng có mưa lớn, lũ cao làm ngập lụt nghiêm trọng nhiều tỉnh, thành ở Thái Lan.
Số liệu của Ủy hội Sông Mêkông (MRC) gần đây nhất cho thấy tổng lượng lũ từng thời đoạn trong năm 2011 tại Tân Châu (sông Tiền) và Châu Đốc (sông Hậu) vẫn còn thấp hơn năm 2000 khoảng 75-85%. Mực nước lũ năm nay cao hơn mực nước lũ trung bình hàng năm giai đoạn từ 1980-2010, nhưng chắc chắn không phải là cơn lũ lịch sử. Mực nước đỉnh lũ năm 2000 tại Tân Châu và Châu Đốc lần lượt là 5,06 mét và 4,90 mét, trong khi đó mực nước đỉnh lũ năm 2011 lần lượt là 4,78 mét và 4,23 mét (số liệu của MRC ngày 10-10-2011).
Cần lưu ý là lũ năm 2000 có điểm rất đặc biệt là đến sớm hơn thông thường khoảng một tháng và là lũ kép (xuất hiện hai đỉnh lũ trong năm) nên gây nhiều thiệt hại. Từ 10 năm nay, mọi công trình đều được xây cao hơn mức nước lũ năm 2000 nên thiệt hại cũng giảm đi rõ rệt.
Vì sao thiệt hại nặng?
Theo thống kê sơ bộ, tính đến trung tuần tháng 10-2011 đã có gần 10.000 héc ta diện tích lúa vụ 3 bị mất trắng và hàng ngàn héc ta lúa từ 40-60 ngày tuổi bị úng ngập, thiệt hại chưa thể đánh giá được hết. Ở Đồng Tháp, huyện Tân Hồng bị vỡ đê còn huyện Hồng Ngự là nơi bị thiệt hại nặng nhất do ngập úng. Ở An Giang, đê bao bị nước phá vỡ làm mất trắng hơn 1.500 héc ta lúa vụ 3 tại xã Ô Long Vĩ (Châu Phú) và hơn 2.200 héc ta tại Vĩnh Châu (Châu Đốc)…
Cho đến thời điểm này, khó có thể đánh giá tổn thất theo kiểu khái quát bằng cách so sánh tổng số người chết và thiệt hại trên số diện tích lúa của hai năm 2000 và 2011. Các lý giải về con số thiệt hại thường thiên về võ đoán. Ví dụ có tin cho rằng thiệt hại cho sản xuất lúa trong mùa lũ năm nay chưa đến 1% là thiếu những xem xét một cách tổng thể. Không thể lấy tỷ số diện tích bị ngập do vỡ đê trên tổng số diện tích canh tác để kết luận như vậy. Những cánh đồng lúa không bị nước lũ cuốn trôi do vỡ đê nhưng bị nước lũ làm ngập hoặc mưa to, nhất là giai đoạn lúa trổ đòng, sẽ làm giảm sút năng suất và sản lượng rất lớn. Những cánh đồng cắt lúa sớm, khi phơi sấy cũng bị mất phẩm chất đáng kể.
Khi tính toán thiệt hại vật chất do thiên tai lên canh tác lúa, trên thế giới người ta đều tính luôn những chi phí phải bỏ ra gia cố đê bao, chi phí lao động cứu đê, chi phí mất đất canh tác do phải đắp đê, đất bị nước lũ xói lở cuốn đi, chi phí bơm tháo nước chống úng,… Năm nay, lũ gây ngập nặng kéo dài cho các tỉnh vùng giữa ĐBSCL như Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang,… một phần cũng do sự hình thành quá nhiều đê bao triệt để ở vùng trên khiến đường đi tự nhiên của lũ bị thu hẹp, nước dâng cao hơn và chảy xiết hơn. Nhiều người nhận xét, ngày xưa vùng châu thổ này chỉ có mùa nước nổi, bây giờ mới thực sự là lũ lụt vì nước chảy xiết trên những dòng hẹp chẳng khác gì lũ quét ở miền cao.
Hiệu quả canh tác lúa vụ 3 ở các vùng ruộng cao, vùng gò không có gì bàn cãi nhiều, nhưng ở các vùng trũng, ngập sâu lại là một bài toán kỹ thuật, kinh tế và môi trường cần đánh giá lại ở nhiều chiều. Mặt khác, mùa lũ năm nay cũng là một cơ hội cho các nhà lãnh đạo và các nhà khoa học xem xét lại chiến lược quy hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn vùng ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các tác động xuyên biên giới của nguồn nước. Các nhà quản lý cũng đứng trước một bài toán về kinh tế thiên tai, các nhà môi trường khẳng định vai trò của tài nguyên nước lên hệ sinh thái vùng đất ngập nước ở ĐBSCL, các nhà xã hội học có cơ hội đánh giá cuộc sống, sinh kế của người nghèo ở vùng lũ.
__________
(*) Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ