Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhìn lại ba năm chống chọi Covid-19: lắng đọng và hồi phục với nhịp sống ‘bình thường cũ’

Minh Anh - Lê Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngày 11-3-2023 đánh dấu tròn ba năm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Trong thời năm qua, dịch bệnh đã diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường với sự xuất hiện của các biến thể mới. Tại Việt Nam, đến nay dịch Covid-19 đã được kiểm soát, tiến độ tiêm vaccine tiếp tục được đẩy nhanh, các hoạt động sản xuất kinh doanh và cuộc sống trở lại với trạng thái “bình thường cũ”. Hãy cùng KTSG Online nhìn lại chặng đường vừa qua với nhiều cung bậc cảm xúc.

Hai năm, bốn đợt bùng phát, hàng chục ngàn người đã không qua khỏi

Ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam được ghi nhận vào ngày 23-1-2020 (29 Tết) khi Bệnh viện Chợ Rẫy xác nhận 2 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên là hai cha con người Vũ Hán (Trung Quốc), cũng là nơi xuất phát các ca bệnh đầu tiên trên thế giới. Kể từ đó, cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam chính thức bắt đầu.

Sau nửa năm căng mình chống dịch, ngày 31-7-2020, Việt Nam đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên là bệnh nhân 428 (70 tuổi, Hà Nam).

Trong hai năm 2020 - 2022, Việt Nam trải qua 4 đợt bùng phát dịch Covid-19. Trong đó, lần bùng phát thứ 4 tại TPHCM được xem là phức tạp nhất với sự xuất hiện của biến thể Delta.

Từ những ngày cuối tháng 4-2021, dịch bệnh bắt đầu lây lan và đến ngày 27-5, TPHCM bất ngờ ghi nhận “ổ dịch” 36 ca nhiễm Covid-19 liên quan đến Hội Thánh Truyền gia Phục Hưng khiến nhiều khu vực ở 16 quận, huyện bị phong tỏa.

Nếu vào thời điểm đầu tháng 5-2021, số ca mắc chỉ lẻ tẻ ở vài quận, huyện (tương đương cấp độ 1) thì chỉ sau 4 tuần, chỉ số lây nhiễm đã chuyển sang cấp độ 2 (20-50 ca mắc/100.000 dân/tuần).

Giai đoạn này, thành phố đã lập thêm 2 bệnh viện dã chiến và chuyển công năng 9 bệnh viện trở thành bệnh viện điều trị Covid-19

Dịch bệnh tiếp tục lan rộng, đến ngày 7-7, chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng đã chuyển sang cấp độ 3 (từ 50 đến dưới 150 ca mắc/100.000 dân/tuần). Đây cũng là thời điểm số ca nhập viện tăng nhanh từ hơn 3.000 ca/tuần lên hơn 11.000 ca/tuần.

Đến ngày 16-7, tình trạng dịch của thành phố tiếp tục chuyển sang cấp độ 4 (trên 150 ca/100.000 dân/tuần), số ca mắc mới mỗi ngày vượt con số 2.000.

Ở giai đoạn này, tất cả bệnh viện dã chiến và điều trị Covid-19 đều quá tải, mặc dù thành phố lập thêm 10 bệnh viện dã chiến, chuyển công năng 5 bệnh viện. Số ca tử vong tăng cao, đỉnh điểm là 340 ca/ngày vào ngày 23-8.

Có thể nói, từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 9-2021 là giai đoạn rất khó khăn chưa từng có với TPHCM khi hầu hết các lĩnh vực kinh tế đều ngừng trệ, ngành y tế quá tải ngay lúc nhu cầu được hỗ trợ, tiếp sức của người dân tăng cao.

Dịch bệnh chưa có tiền lệ, lây lan nhanh, cực kỳ nguy hiểm, đã khiến hơn 11 triệu người nhiễm Covid-19, cướp đi sinh mạng của hơn 43.000 đồng bào.

Tình người trong giai đoạn khó khăn

0h ngày 9-7-2021 đã đi vào lịch sử chống dịch Covid-19 của TPHCM. Đây là dấu mốc khó quên khi cả thành phố bước vào đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ dài nhất với đủ cung bậc của sự bế tắc, đau thương nhưng cũng đậm nghĩa tình.

Trong những ngày giãn cách xã hội, người dân chỉ được ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men, thực hiện công vụ.

Tuy nhiên, giai đoạn dịch căng thẳng, số người mắc bệnh và chết ngày càng tăng, việc ra ngoài cũng trở nên "nguy hiểm" với nhiều người. Lúc này, trên địa bàn TPHCM và một số tỉnh đã xuất hiện nhiều hình thức cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân như “Đi chợ giùm dân”, “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe yêu thương”, “Suất cơm nghĩa tình” để cung cấp lương thực, thực phẩm cần thiết cho mỗi nhà, mỗi người yên tâm phòng, chống dịch bệnh.

Không chỉ có những nghĩa cử đẹp giữa đồng bào với nhau, trong cuộc chiến chống đại dịch, Việt Nam còn ghi dấu với thế giới khi trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cao trên toàn cầu.

Một trong những dấu mốc đáng nhớ trong chiến dịch phủ vaccine thành công của Việt Nam đó là ngày 24-2-2021, lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên đã về Việt Nam và được ưu tiên phân bổ cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, các tỉnh tâm dịch, vùng có dịch.

Ngày 10-7-2021, Việt Nam chính thức triển khai chiến dịch tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc. Đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại nước ta, huy động tổng lực cùng tham gia với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước từ trung ương đến địa phương, gồm cả lực lượng dân y, quân y, công lập, tư nhân.

Sau khi phát động, tất cả các địa phương nhanh chóng triển khai chương trình tiêm ngừa. Sau khi thực hiện tiêm ngừa cho nhóm đầu tiên là người từ 18 tuổi trở lên, Việt Nam đã lên kế hoạch để tiêm vaccine Covid-19 cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi. Cuối tháng 10-2021, TPHCM là địa phương đầu tiên triển khai việc tiêm chủng cho đối tượng này.

Ngày 14-4-2022 tiếp tục ghi thêm một dấu mốc quan trọng trong chiến lược vaccine ở nước ta là Việt Nam đã chính thức triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai chiến dịch tiêm chủng này.

Sau Quảng Ninh, ngày 16-4-2022, TPHCM và Hà Nội đã tiến hành tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Thống kê Bộ Y tế cho biết, tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 vaccine phòng Covid-19 cho người dân từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%. Ngoài ra, có hơn 80% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm nhắc lại mũi 3, gần 90% nhóm người có nguy cơ cao từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 4. Riêng nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, đã có hơn 90% được tiêm mũi 1 và gần 70% được tiêm mũi 2.

Giai đoạn "bình thường" trong hoàn cảnh mới

Ngày 1-10-2021 TPHCM đã nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều hoạt động được mở trở lại sau hàng loạt biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19.

Ngày 11-10-2021, Chính phủ ban hành nghị quyết số 128 hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Nghị quyết được cho là bước ngoặt lớn, một sự thay đổi khó khăn và chấp nhận thách thức đó là sống chung với đại dịch, vừa sản xuất, vừa xây dựng kinh tế, vừa chống dịch.

Ngày 28-10-2021, TPHCM chính thức cho hàng quán được phục vụ ăn uống tại chỗ nhưng quy định phải đóng cửa trước 21h hàng ngày và được phục vụ tối đa 50% công suất. Như vậy, sau 4 tháng tạm dừng hoạt động (từ 31-5-2021), hàng quán đã “sáng đèn” trở lại.

 

Vượt qua những tổn thương trong đại dịch, TPHCM đẩy nhanh các hoạt động khôi phục để bắt nhịp với giai đoạn bình thường mới. Sau hơn một năm tái mở cửa, đến nay, cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh gần như trở về trạng thái bình thường như trước khi đại dịch xuất hiện. Việt Nam mở cửa trở lại, du lịch, di chuyển không còn bị hạn chế, người dân quay trở lại với công việc trực tiếp, học sinh đã trở lại trường,...

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 10-3-2023 đã tròn 70 ngày, Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do Covid-19, tiến độ tiêm vắc xin tiếp tục được đẩy nhanh, đưa cuộc sống trở lại với trạng thái "bình thường".

Tuy nhiên, những “vết thương” mà dịch bệnh để lại vẫn không thể lành lặn như xưa khi có hơn 23.000 người đã không qua khỏi.

20h ngày 19-11, Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 đã chính thức diễn ra trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào cả nước. Buổi lễ do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối với hợp TPHCM, TP Hà Nội và các địa phương trong cả nước tổ chức.

Chương trình với 2 điểm cầu: điểm cầu tại khuôn viên ngoài trời Hội trường Thống nhất TPHCM và tại công viên Thống Nhất, TP Hà Nội. Vào lúc 20h30, các cơ sở thờ tự rung chuông, người dân ở nhiều địa phương đã tắt đèn và thắp nến, các phương tiện lưu đậu trên tuyến kênh, sông, luồng hàng hải đồng thanh kéo hồi còi tưởng niệm. Cả nước đã cùng lắng lòng thời khắc thiêng liêng tưởng nhớ.

Khi hàng chục ngàn người ra đi vì dịch Covid-19, họ đã để lại hàng ngàn trẻ em bơ vơ, mất nơi nương tựa. Chỉ tính riêng TPHCM, theo Sở Giáo dục và Ðào tạo, đã có hơn 1.500 học sinh mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ do đại dịch. Đây là nỗi mất mát không gì có thể bù đắp được.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới