Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Làm sao nhận biết sếp không thích bạn và cách để có cái nhìn tốt hơn về mình

Vỹ Du

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tiếp xúc với sếp là một phần công việc của bạn và là điều không thể tránh. Đôi khi, một chuyện rất không may có thể xảy ra: sếp không thích mình! Dù vậy, bạn không nên quá lo lắng vì vẫn có thể khắc phục được tình trạng này. Tuy nhiên, nếu đã cố hết sức mà không hiệu quả thì đừng ngần ngại tìm nơi khác cho sự nghiệp của mình.

Bảy dấu hiệu cho thấy sếp không thích bạn

Một khi sếp đã có thành kiến về một người, điều này sẽ ảnh hưởng đến mọi tương tác của sếp đối với nhân viên đó – có thể là không dành thời gian để đào tạo và huấn luyện bạn giống các nhân viên khác, thường xuyên giao việc khó hay không thừa nhận năng lực của mình. Cách đối xử trên cũng ảnh hưởng đến lương bổng và nhân viên có giữ được việc hay không. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt liệu sếp hành xử như vậy chỉ với công việc bạn đang làm hay với chính bản thân bạn.

Trang mạng themuse.com liệt kê bảy dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa sếp và bạn đang trong tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt”:

1.    Bạn bị soi mói từ A đến Z

Sếp hay theo dõi quy trình làm việc của bạn trước thời hạn chót hay sếp đòi hỏi các chi tiết lẽ ra không cần thiết. Nói chung, sếp thiếu tin tưởng về việc bạn có thể làm việc hiệu quả.

2.    Bạn không nhận được phản hồi

Không phải lãnh đạo nào cũng biết cách đưa ra lời phản hồi tích cực. Tuy nhiên, nếu sếp ca ngợi người khác và phớt lờ bạn, đó là dấu hiệu phản ánh cái nhìn của sếp về năng lực của bạn.

3.    Bạn bị sếp từ chối tăng lương mà không có lời giải thích

Đề nghị tăng lương bị từ chối không phải là vấn đề gì quá nghiêm trọng vì có thể có nhiều nguyên nhân khác không liên quan đến bạn chẳng hạn như ngân sách eo hẹp. Tuy nhiên, nếu trọng dụng bạn, sếp sẽ giải thích vì sao không thể tăng lương và lý giải khi nào nhân viên sẽ được tăng thu nhập hoặc cách để làm được điều đó.

4.    Bạn không được sếp chú ý

Sếp thường hủy cuộc họp với bạn, quên trả lời điện thoại và email của bạn. Nhìn chung, sếp không đưa bạn vào danh sách những người làm việc với mình.

5.    Bạn bị bỏ qua trong nhiều cuộc họp quan trọng

Sếp có họp với đồng nghiệp để thảo luận về dự án bạn đang tham gia khi bạn vắng mặt? Hay bạn có phải nghe kể lại các quyết định đã rồi về những điều đúng ra mình phải có mặt để góp phần hay không?

6.    Bạn bị sếp liên tục chỉ trích công việc đang làm

Thỉnh thoảng, ai cũng nghe lời chỉ trích. Tuy nhiên, nếu cấp trên thường xuyên bất đồng quan điểm với bạn và lúc nào cũng không vừa lòng với công việc bạn làm thì đây là hiện tượng báo động đỏ.

7.    Sếp tỏ ra không hối tiếc nếu bạn thôi việc

Các lãnh đạo doanh nghiệp khôn ngoan sẽ không tiếc công sức để giữ chân nhân viên có năng lực. Tuy nhiên, họ sẽ không phản đối khi một nhân viên không quan tâm nộp đơn nghỉ việc.

Các giải pháp khắc phục và cách làm sếp chú ý đến mình hơn

Việc cần làm ngay là tìm hiểu căn nguyên từ phía sếp. Một lãnh đạo khó tính có thể làm bạn tổn thương. Do đó, chúng ta cần nhớ rằng sếp hành xử như vậy có thể không phải do chúng ta gây ra mà là nhà lãnh đạo cần ứng phó với một sự việc nào đó đang diễn biến với chính họ.

1.    Nếu bạn bị sếp soi mói, cần khẳng định rằng ngoài mình ra, sếp không đối xử như vậy với người khác.

Bị soi mói trong công việc là điều tiêu cực làm hiệu suất công việc kém đi. Tuy nhiên, nếu bạn không phải là ngoại lệ thì tình trạng này có thể xuất phát từ cung cách quản lý kém hiệu quả của người lãnh đạo chứ không phải vì cá nhân bạn.

Nếu quan hệ giữa sếp với bạn không tốt, cần xem lại liệu mình có làm gì khiến sếp thiếu tin tưởng. Phải chăng bạn đã lặp lại cùng một lỗi nhiều lần? Nếu vậy, cần tìm cách kéo sếp cùng tham gia giải quyết vấn đề vì suy cho cùng nhiệm vụ của lãnh đạo là bảo đảm công việc có hiệu suất cao. Nếu không thực hiện được việc này thì đã đến lúc hỏi thẳng về điều gì khiến sếp không hài lòng và làm thế nào mình có thể làm việc một cách tự chủ hơn.

2.    Nếu bạn không nhận được phản hồi, hãy hỏi trực tiếp sếp nếu có thể

Tận dụng mọi cơ hội để yêu cầu sếp đưa phản hồi trực tiếp. Bạn có thể nói: “Anh/Chị có thể cho tôi biết điểm mạnh và điểm yếu để làm tốt hơn?” Nếu không hỏi trực tiếp được như vậy, chúng ta có thể làm cách khác.

Ví dụ như nhờ cấp trên giảng giải về một dự án đã thực hiện gần đây, chia sẻ với sếp về đánh giá của mình về các vấn đề đã làm tốt và có thể được cải thiện. Bước tiếp theo là lắng nghe lời góp ý của sếp. Lời phản hồi của cấp trên sẽ giúp chúng ta hiểu hơn cách nhìn nhận của họ về mình.

3.    Nếu đề nghị tăng lương bị từ chối, đừng vội thất vọng mà hãy tìm hiểu cặn kẽ lý do

Chuẩn bị hỏi sếp câu hỏi như: “Theo Anh/Chị, tôi cần làm gì để có mặt trong danh sách được tăng lương lần tới?” Một lãnh đạo doanh nghiệp chú trọng đến việc giữ nhân viên vì giá trị của họ sẽ trao đổi với cấp dưới việc cần phải làm về vấn đề này. Nếu đã thử trao đổi với sếp mà vẫn không có kết quả gì, đây chính là lúc suy nghĩ có nên tiếp tục công việc hay không.

4.    Nếu bạn không được sếp chú ý, hãy tìm hiểu xem mình có phải là trường hợp ngoại lệ.

Liệu sếp có đối xử với mọi người như vậy không hay chỉ đối với bạn thôi? Nếu cấp trên làm như vậy với mọi người, có thể họ đã bị quá tải. Tuy nhiên, nếu đó chỉ là bạn, nên trao đổi trực tiếp với cấp trên của mình. Hãy nói với sếp rằng mình rất mong muốn được trao đổi ít nhất một lần một tuần và cách làm sao để những trao đổi đó xãy ra thường xuyên hơn.

5.    Nếu bạn bị bỏ qua trong nhiều cuộc họp quan trọng, hãy tìm hiểu nguyên nhân

Liệu thay đổi lịch họp có tốt hơn không? Hay sếp sẽ có thêm cơ hội tổ chức buổi họp hiệu quả nếu hai phía cùng đồng ý với một ngày cụ thể nhưng chưa ấn định thời gian chi tiết (do bạn có lịch công tác quan trong cho công ty) để sếp có thêm lựa chọn cho cuộc họp? Hay vì nguyên nhân nào khác?

6.    Nếu bạn bị sếp liên tục chỉ trích công việc đang làm, hãy tiếp cận trực tiếp sếp để giải thích

Đây là cách làm tốt nhưng không nên có thái độ bắt lỗi. Bạn sẽ gặt hái kết quả tốt hơn nếu giả định rằng đó chỉ là một chuyện nhỏ hoàn toàn có thể khắc phục được, hơn là loại trừ bạn một cách có chủ đích.

Về ngắn hạn, hãy xem lại bản thân và tạo thêm năng lượng để đáp ứng được yêu cầu ngay khi khởi đầu dự án. Cần trao đổi trực tiếp với cấp trên về kết quả thành công dự kiến ra sao và gửi thư điện tử cho họ về những điều cả sếp và mình đều đồng ý, trong đó có câu: “Tôi chỉ muốn chúng ta đang cùng đi đúng hướng”. Sự liên kết này có thể giúp dự án được triển khai thuận buồm xuôi gió.

Đừng ngại nói trực tiếp với cấp trên mình đã cố gắng hết sức và hiểu được diễn biến công việc. Có thể nói như sau: “Quan hệ tốt với Anh/Chị là rất quan trọng đối với tôi. Hy vọng sếp sẽ phản hồi. Tôi có linh cảm sếp chưa vừa lòng với công việc mình đã làm. Anh/Chị có thể nói cho tôi biết chỗ nào tôi chưa làm tốt?” Cách nói trên có thể giúp nhận ra các vấn đề bạn cần khắc phục.

Tuy nhiên, về dài hạn, nếu sếp không thích bạn hay cách bạn làm việc, bạn cần chuẩn bị tìm chỗ làm mới để được trọng dụng giá trị bạn đang có.

7.    Nếu sếp tỏ ra không hối tiếc nếu bạn thôi việc, hãy xem xét thực hiện việc cuối cùng

Nếu sếp không tận dụng giá trị của bạn, khả năng được giúp đỡ, tăng thu nhập, phát triển nghề nghiệp và nhận được các dự án hấp dẫn sẽ rất thấp. Ngoài ra, có khả năng bạn sẽ đứng đầu danh sách nhân viên bị sa thải lần kế tiếp. Tuy nhiên, dù có xảy ra điều gì đi nữa thì làm việc với một cấp trên không quan tâm đến việc liệu bạn nghỉ việc hay ở lại công ty là không có ích cho sự nghiệp của bạn. Do đó, chúng ta cần xác định mốc thời gian để thực hiện bước tiếp theo.

Nếu không thể chuyển sang một bộ phận khác trong cùng cơ quan và mọi cố gắng cải thiện đều không mang lại kết quả thì bạn nên xem xét chuyện nghỉ việc tại công ty.

Tuy nhiên, trước khi ra quyết định này, hãy dành thêm thời gian suy nghĩ vì sao cấp trên lại đối xử với mình như thế và vì sao chuyện này kéo dài. Quan trọng hơn hết, cần xác định điểm lợi và bất lợi của các chỗ làm mới. Tiếp theo, chọn chỗ làm phù hợp hơn trước khi nộp đơn.

1 BÌNH LUẬN

  1. Nếu chúng ta làm việc chỉ để hài lòng sếp thì mới dừng lại ở mức độ đẳng cấp trung bình. Trước hết bạn phải làm việc để sao cho mọi người chung quanh bạn ghi nhận, sau đó là biểu dương, rồi đi đến thán phục. Đó mới là nền tảng thành công bước đầu quan trọng nhất. Một khi tập thể nhỏ, cho đến tập thể lớn thừa nhận vai trò của bạn, thì tất yếu sếp nhỏ, cho đến sếp lớn cũng phải chiều theo xu thế chung. Nếu làm ngược lại, vô tình sếp tự vứt bỏ uy tín của chính mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới