Thứ hai, 6/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Biến cố Silicon Valley Bank cho thấy ‘chiếc búa’ lãi suất của Fed đang gây đổ vỡ

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giới phân tích hạ thấp mối đe dọa đối với hệ thống ngân hàng sau cú sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB). Nhưng biến cố này nhấn mạnh mối lo ngại từ lâu rằng chiến dịch tăng lãi suất quyết liệt của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) rốt cục sẽ khiến bộ phận nào đó trong hệ thống tài chính sẽ đổ vỡ.

Silicon Valley Bank được xem là “nạn nhân lớn” đầu tiên của chiến dịch tăng lãi suất dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: Twitter

SVB là ngân hàng chuyên phục vụ cho các khách hàng công nghệ, gồm nhà sáng lập công ty khởi nghiệp (startup). Họ là những người cảm nhận sâu sắc sức ép lãi suất tăng bởi lẽ giới đầu tư sẽ định giá doanh nghiệp của họ thấp hơn khi chi phí vay đắt đỏ. Do huy động vốn khó khăn, họ buộc rút tiền gửi từ những ngân hàng đối tác như SVB.

Kết quả là SVB buộc phải bán một lượng lớn trái phiếu chính phủ với giá thua lỗ để duy trì dòng tiền hoạt động. Hôm 8-3, khi SVB thông báo đã thanh lý 21 tỉ đô la trái phiếu và chịu lỗ 1,8 tỉ đô la, các startup, nhà đầu tư bắt đầu hoảng loạn và rút tiền mạnh hơn nữa. Chỉ riêng ngày 9-3, họ đã tìm cách rút 42 tỉ đô la, khiến dòng tiền của SVB âm 958 triệu đô la.

Những trái phiếu mà SVB nắm giữ giảm giá đáng kể do Fed tăng lãi suất mạnh, từ gần 0% lên biên độ 4,5-4,75% trong vòng chưa đầy một năm. Những đợt tăng lãi suất đó khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt, ngược chiều với giá trái phiếu.

Diễn biến này không nhất thiết gây khó khăn cho các ngân hàng nắm giữ trái phiếu đến ngày đáo hạn. Nhưng bất ổn có thể xảy ra nếu họ buộc phải bán. Đó là trường hợp của SVB.

Những khó khăn của SVB có phải là tín hiệu cảnh báo đối với các ngân hàng khác? Các nhà phân tích tại ngân hàng UBS ghi nhận không có dấu hiệu căng thẳng trên thị trường cho vay liên ngân hàng. Giới phân tích ngân hàng cũng chỉ ra các ngân hàng khác có nguồn huy động tiền gửi đa dạng hơn SVB, do vậy, rủi ro lây lan thấp.

Theo Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng khu vực Bắc Mỹ tại Capital Economics, tổn thất đối với trái phiếu giữ đến ngày đáo hạn tại các ngân hàng thương mại khó có thể trở thành một vấn đề mang tính hệ thống. Chính sách bảo hiểm tiền gửi lên đến 250.000 đô la của Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) cung cấp cho khách gửi tiền sự yên tâm và ngăn ngừa hầu hết rủi ro rút tiền ồ ạt ở các ngân hàng khác.

Tuy nhiên, Ashworth cho rằng những vấn đề của SVB là lời cảnh báo kịp thời rằng “khi các ngân hàng trung ương liên tục vung chiếc búa lãi suất, mọi thứ có xu hướng đổ vỡ, nếu không phải trong nền kinh tế thực, thì trong hệ thống tài chính”.

Thomas Martin, giám đốc danh mục đầu tư của  GLOBALT Investments, cho rằng vấn đề thực sự không phải là rủi ro lây lan mà làm thế nào các ngân hàng miễn nhiễm trước áp lực huy động thêm vốn.

“Khả năng của các ngân hàng trong việc quản lý và vượt qua áp lực huy động vốn là rất quan trọng”, Martin nói đồng thời lưu ý SVB rõ ràng đã không làm được như vậy. SVB đã sụp đổ sau khi thất bại trong nỗ lực phát hành thêm cổ phiếu trị 2,25 tỉ đô la để củng cố bảng cân đối kế toán.

Robert Hockett, giáo sư luật và tài chính công tại Trường Luật Cornell, nói: “Về bản chất, chúng ta đang chứng kiến nạn nhân lớn đầu tiên của các đợt tăng lãi suất của Chủ tịch Fed Jerome Powell. Tài sản trái phiếu mà SVB nắm giữ đã mất giá nhiều do lãi suất tăng. Trong khi đó, lãi suất tăng cũng đã gây khó khăn tài chính đối với các công ty công nghệ, khiến họ phải rút tiền gửi ở ngân hàng”.

Kyle Bass, người sáng lập và Giám đốc đầu tư của Hayman Capital Management, nhận định: “Khi buộc phải quyết liệt tăng lãi suất do đã tạo ra quá nhiều lạm phát, Fed sẽ phá vỡ điều gì đó. Và Fed sẽ rút ra được một điều là tốc độ tăng lãi suất nhanh chóng cũng bất cẩn như cách họ vội vã in tiền trước đây”.

Giờ đây, các quan chức Fed đã có bằng chứng rất rõ ràng rằng đòn tăng lãi suất liên hoàn đang tác động đến hệ thống tài chính và nền kinh tế. Điều đó sẽ khiến họ phải thận trọng về mức tăng lãi suất sắp tới, Mark Haefele, giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management, nhận định

Kỳ vọng về việc Fed tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp sắp tới đã giảm đáng kể sau khi biến cố SVB làm rung chuyển thị trường tài chính. Vào đầu ngày 9-3, các hợp đồng tương lai của lãi suất liên bang định giá 70% khả năng Fed sẽ tăng 50 điểm cơ bản vào ngày 22-3 tới. Nhưng đến chiều 10-3, các hợp đồng cho thấy xác suất Fed tăng lãi suất 50 điểm cơ bản là 41% và xác suất tăng 25 điểm cơ bản là 59%.

Theo Market Watch, Reuters

1 BÌNH LUẬN

  1. Phá sản là một việc bình thường. Bảo hiểm tiền gởi lại là việc khác. Bảo hộ người gởi tiền là việc khác nữa. Mỗi nội dung kinh tế đều có hành lang pháp lý khác nhau để bảo vệ quyền của người gởi tiền và trách nhiệm của chủ ngân hàng. Kinh tế thị trường tự do ở Mỹ chấp nhận mọi hình thức phá sản công khai và đúng luật. Nên không có gì phải lăn tăn cả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới