Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các nhà đầu tư điện tái tạo lo phá sản, kiến nghị cơ chế giá phát điện lên Thủ tướng

T.Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hàng chục nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp lo ngại bị phá vỡ phương án tài chính, có thể lâm vào tình trạng thua lỗ nên đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị khắc phục những bất cập trong cơ chế giá phát điện.

Các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời gửi kiến nghị về cơ chế giá phát điện đến Thủ tướng Chính phủ - Ảnh minh họa: TL.

Theo TTXVN, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, có 84 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất là 4.871,62 MW trong đó gồm có 4.184,8 MW điện gió và 491,82 MW điện mặt trời đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại (COD) so với kế hoạch (dự án chuyển tiếp). Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 dự án điện mặt trời) tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm.

Việc bị chậm tiến độ khiến các dự án không kịp hưởng giá điện cố định (FIT) như được quy định tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TT với điện gió và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg với điện mặt trời.

Theo Cổng thông tin Văn phòng Chính phủ, trong đơn kiến nghị của 36 nhà đầu tư gửi Thủ tướng, các nhà đầu tư cho biết đã phải chờ đợi trong thời gian dài để có cơ chế giá phát điện mới làm tiền đề cho việc thỏa thuận giá bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tuy nhiên, các chính sách áp dụng cho các dự án chuyển tiếp gần đây của Bộ Công Thương như Thông tư số 15/2022 /TT-BCT quy định về phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp; Quyết định số 21/QĐ-BCT ban hành khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp và Thông tư số 01/2023/TT-BCT quy định thực hiện phát triển dự án điện gió, điện mặt trời và hợp đồng mua bán điện mẫu… đã bộc lộ nhiều bất cập về pháp lý cũng như về hiệu quả tài chính cho nhà đầu tư, khiến các doanh nghiệp có thể lâm vào tình trạng thua lỗ và phá sản.

Theo tính toán, tổng vốn đầu tư của 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng gần 85.000 tỉ đồng, trong đó 58.000 tỉ đồng là vốn vay ngân hàng. Số tiền này sẽ không thể thu hồi, thậm chí, doanh nghiệp vỡ phương án tài chính với khung giá phát điện mới do EVN đề xuất.

Các nhà đầu tư cho rằng cơ chế giá không hiệu quả sẽ dẫn tới dừng hoặc chậm đầu tư các dự án, khó đảm bảo cam kết chuyển dịch năng lượng, nên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu và ban hành mức khung giá phát điện mới phù hợp hơn.

Các nhà đầu tư cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương ban hành các thông tư mới về các hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện gió chuyển tiếp và các dự án điện mặt trời chuyển tiếp, các hợp đồng mẫu này cần giữ lại các chính sách khuyến khích cho năng lượng tái tạo, thời hạn áp dụng giá mua điện cho dự án chuyển tiếp nên là 20 năm.

Các nhà đầu tư kiến nghị được huy động công suất của các dự án đã hoàn tất xây dựng trong thời gian chờ sửa khung giá phát điện; chuyển đổi tiền mua điện sang đô la Mỹ và được điều chỉnh theo biến động tỷ giá.

Theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7-1-2023 ban hành khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, giá trần dự án điện mặt trời chuyển tiếp đối với điện mặt trời mặt đất là 1.184,9 đồng/kWh; điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh; điện gió trong đất liền 1.587,12 đồng/kWh; điện gió trên biển 1.815,95 đồng/kWh. Mức giá trần này thấp hơn so với giá FIT ưu đãi 20 năm trước đây.

1 BÌNH LUẬN

  1. Cần sớm tách truyền tải và mua bán điện ra khỏi EVN! Tiến tới xóa bỏ độc quyền trong việc sản xuất và kinh doanh điện. EVN liên tục kêu lỗ trong năm 2022. Nhưng họ rất chậm đấu nối và mua điện tái tạo từ điện gió và điện mặt trời vì lý do gì?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới