Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khi ‘câu lạc bộ’ tỉ đô la gặp khó trên con đường xuất khẩu

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bối cảnh khó khăn của thế giới đã tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam, đáng chú ý là nhóm hàng hóa doanh số tỉ đô la và các nhà sản xuất có lực lượng lao động phổ thông lớn.

Khi các nhóm hàng "tỉ đô" liên tục bị sụt giảm…

Nhóm ngành hàng xuất khẩu tỉ đô la như giày dép, dệt may, đồ gỗ.... trong 2 tháng đầu năm bị sụt giảm nhiều. Ảnh minh họa: website Bộ Công Thương

Tình trạng thiếu hụt đơn hàng từ tháng 8-2022 đến nay vẫn đang tiếp diễn khiến các doanh nghiệp liên tục thu hẹp quy mô sản xuất, sa thải lao động, giảm giờ làm, giảm thu nhập...

Vì thiếu đơn hàng kéo dài nên xưởng gia công đế giày của một doanh nghiệp Hàn Quốc ở tỉnh Đồng Nai với hàng trăm lao động sẽ ngừng sản xuất vào cuối tháng 3 này. Dù nhà máy đóng tại khu công nghiệp Biên Hòa 2 này với hơn 20 năm hoạt động có chính sách hỗ trợ lương cho người lao động nghỉ việc hoặc tạo việc làm ở nhà máy tại Cần Thơ nhưng không ít người lao động của công ty tỏ ra lo lắng.

Bởi lẽ việc di chuyển đến địa phương khác làm việc là không hề dễ dàng trong khi tìm việc làm tại chỗ thì rất gian nan do hầu hết doanh nghiệp da giày khác cũng đều sụt giảm mạnh đơn hàng sản xuất vì ảnh hưởng lạm phát tăng cao ở các thị trường xuất khẩu chính.

Không chỉ doanh nghiệp đến từ xứ kim chi nói trên bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế thế giới mà ngay cả các doanh nghiệp sản xuất, da công giày dép lớn khác cũng khó có thể bảo toàn lực lượng lao động trong tình hình thị trường xuất khẩu chính ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... tiêu thụ sụt giảm mạnh.

Đơn cử như Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM) hồi cuối tháng 2 cũng đã chính thức thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với gần 2.360 người do khó khăn về đơn hàng. Từ tháng 11-2022, công ty cũng đã cho gần 20.000 công nhân sắp xếp nghỉ luân phiên.

Còn tại Công ty TNNN Samho, hơn 1.400 công nhân đã bị cắt giảm từ cuối năm ngoái. Hiện tại, ngoài tạm hoãn hợp đồng lao động với khoảng 500 người, công ty này cũng bố trí nghỉ luân phiên không hưởng lương với nhiều lao động khác.

Với những khó khăn trên của doanh nghiệp đã đẩy giày dép các loại xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm ước chỉ đạt 2,76 tỉ đô la Mỹ, giảm 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên thực tế, sự sụt giảm của ngành hàng giày dép được cho là khá nhẹ nhàng so với các ngành hàng khác trong "câu lạc bộ" tỉ đô la. Cùng một khoảng thời gian, ngành hàng dệt may giảm 19,6% (ước đạt 4,55 tỉ đô la); ngành gỗ và sản phẩm gỗ giảm đến 34,8%, còn nhóm thủy sản giảm 29,1% (chỉ đạt hơn 1,06 tỉ đô la),...

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành thủy sản đang chịu tác động từ lạm phát tăng cao làm giảm sức mua tại các thị trường chủ lực. Trong khi đó, chênh lệch tỷ giá khiến hàng xuất khẩu từ Việt Nam có giá cao hơn đối thủ tại các thị trường nhập khẩu lớn như châu Âu, Mỹ...

Trong 2 tháng đầu năm, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 13,1 tỉ đô la, nhưng giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. EU đạt 6,9 tỉ đô la (giảm 4,2%); ASEAN đạt 4,6 tỉ đô la (giảm 8%); Hàn Quốc đạt 3,5 tỉ đô la (giảm 5,7%); Nhật Bản đạt 3,2 tỉ đô la (giảm 5,9%)...

Tình trạng thiếu hụt đơn hàng từ cuối năm 2022 đến nay khiến các nhà máy liên tục thu hẹp quy mô nhân sự, đồng thời cắt giảm giờ làm và thu nhập của người lao động.

Chủ đầu tư và các doanh nghiệp trong lĩnh vực da giày, dệt may, đồ gỗ... cho biết đơn hàng sản xuất bị sụt giảm nhiều nhưng họ vẫn cố gắng "giữ chân" người lao động bằng giảm giờ, giảm ca... Bởi lẽ nếu sa thải, cắt giảm lao động theo đơn hàng sụt giảm 30-40% hiện nay thi sẽ khó có nguồn lực sản xuất khi đơn hàng phục hồi trở lại.

Đã khó khăn còn tăng thêm áp lực...

Diễn biến thị trường xuất khẩu cho thấy tiếp tục còn nhiều khó khăn đối với hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời còn xuất hiện thêm các yêu cầu khắc khe hơn từ các thị trường nhập khẩu.

Nhiều hệ lụy khi nhóm ngành hàng "tỉ đô la" xuất khẩu sụt giảm như người lao động mất việc làm, giảm thu nhập... Ảnh minh họa: website Vinatex

Bộ Công Thương cũng cho rằng trong bối cảnh quốc tế đã tác động tiêu cực đến xuất khẩu của một số nhóm hàng chủ lực của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay khiến xuất khẩu của Việt Nam tới hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm mạnh so với cùng kỳ.

Đó là xuất khẩu sang 2 thị trường chủ lực là Mỹ và EU sụt giảm mạnh; các quốc gia nhập khẩu khác có những đòi hỏi khắt khe hơn từ các nhãn hàng so với trước. Trong khi đó, việc Trung Quốc mở cửa sẽ tạo ra nhiều áp lực đối với các quốc gia xuất khẩu, nhất là doanh nghiệp dệt may như Việt Nam.

Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu chính mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ như Mỹ, EU sẽ tiếp tục giảm nhu cầu nhập khẩu do những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp.

Với các thị trường khu vực châu Âu, dù được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp chuẩn, yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ… mà phía EU đặt ra là những vấn đề không dễ để vượt qua.

Nguồn cung dồi dào, lượng hàng tồn kho cao tại các thị trường đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc dẫn đến xu hướng các đơn hàng chậm lại và mức giá xuất khẩu gỗ nguyên liệu giảm. Thị trường Trung Quốc dù đã mở cửa trở lại nhưng chuỗi cung ứng nội địa chưa hoàn toàn hồi phục, ẩn chứa nhiều rủi ro…

Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng nhận định rằng, sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023.

Về phía cung, tác động từ mở cửa nền kinh tế sau kiểm soát dịch Covid-19 của Trung Quốc có thể làm hàng hóa Việt Nam phải gặp cạnh tranh nhiều hơn tại các thị trường xuất khẩu.

Khó khăn ở thị trường xuất khẩu đã kéo theo khó khăn ở thị trường nội địa, bởi lẽ ngành sản xuất của đất nước phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu.

Dữ liệu Chính phủ cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 372 tỉ đô la năm 2022, tương đương 90% GDP. Trong bối cảnh đó, nhiều tín hiệu đáng lo đã xuất hiện. Thị trường bất động sản đang gặp khủng hoảng, trong khi chỉ số chứng khoán giảm sâu so với đỉnh.

Gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 xuống còn 6,3% sau khi đạt mốc cao 8% vào năm trước, do tăng trưởng ở khu vực dịch vụ chững lại, giá cả và lãi suất leo thang ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và hộ gia đình.

WB cho biết, đất nước đang đứng trước những rủi ro ở cả bên trong và bên ngoài khi xuất khẩu sang Mỹ và EU yếu hơn trong khi lợi ích từ việc Trung Quốc mở lại chưa thực sự rõ ràng. Hiện tình hình trở nên khó khăn hơn khi nhu cầu nước ngoài yếu ớt. Trong khi đó, nhu cầu trong nước cũng suy giảm.

Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) gửi lên UBND TPHCM gần đây cho thấy sau khi khảo sát hơn 100 doanh nghiệp về hoạt động sản xuất kinh doanh đến tháng 2, cho thấy số doanh nghiệp lớn đang dừng ký hợp đồng lao động với số lượng lớn. Điều này xảy ra là bất thường so với các năm trước, với lý do không có đơn hàng dự trữ.

"Bên cạnh đó, số doanh nghiệp có mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng giảm từ 80% của quí II năm 2022 xuống còn 65% của quý này. Đây là tín hiệu báo động của thị trường lao động đối diện nhiều khó khăn sắp tới", hiệp hội đánh giá.

Làm cách nào để vực dậy các ngành hàng?

Năm 2023, xuất khẩu tiếp tục được xác định là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế, với mục tiêu tăng trưởng 6%, tăng thêm khoảng 22 tỉ đô la giá trị xuất khẩu hàng hoá so với năm 2022.

Các doanh nghiệp trong ngành dệt may bị sụt giảm đơn hàng xuất khẩu nhiều. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Trước đó, tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng chỉ tiêu xuất khẩu đạt 393 - 394 tỉ đô la, là rất thách thức.

Là nước xuất khẩu lớn, Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh các nền kinh tế khác có tiêu dùng hoặc đầu tư ít hơn, lượng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 có thể bị tác động. Như vậy, để đạt được mục tiêu đã đề ra, đòi đòi hỏi nỗ lực, cố gắng rất lớn, cần có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan và đặc biệt là các địa phương, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp, chuyên gia dự báo phải đến hết quí 2-2023 tình hình thị trường xuất khẩu mới có thể khả quan hơn. Điều này cũng tác động khá lớn tới đơn hàng cũng như lao động. Các doanh nghiệp cũng xác định đây là một trong những thách thức rất lớn trong năm nay.

Tuy nhiên, cũng có nhiều yếu tố tích cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu như các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan; các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các FTA.

Do đó, đối với ngành gỗ, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), cho rằng hiện tại các doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất cũng đang tìm nhiều cách để mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường ngách chưa được chú trọng nhiều trước đây như Trung Đông...

Tương tự, với ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may (Vitas), dự báo tổng cầu dệt may thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ trong 2 quí cuối năm. Điều đáng nói là, ngành dệt may việt Nam đã và đang thúc đẩy giảm nhập khẩu, tăng nội địa hóa nguồn nguyên liệu, phụ liệu trong nước để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm dệt may trên thị trường thế giới. "Nếu các doanh nghiệp tận dụng được lợi thế từ các Hiệp định Thương mại lớn như CPTPP, EVFTA, đa dạng thêm thị trường… thì lợi thế cho ngành dệt may cũng không nhỏ", ông Giang nói.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường có FTA mới chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng kịp ngạch nhập khẩu của các trường này. Trong đó, hơn 1/3 lượng hàng hóa mới tận dụng được ưu đãi hưởng thuế và xuất xứ hàng hóa. Do vậy, còn nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao hàm lượng giá trị sang các thị trường tiềm năng.

Theo các chuyên gia, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu trong năm nay, các doanh nghiệp cần tiếp tục bám sát thị trường và chủ động các phương án linh hoạt với cả thị trường ngách và thị trường truyền thống, phát triển thương hiệu của sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới