Chủ Nhật, 17/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Vị đắng… kinh doanh giữa các khu đất vàng

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hàng loạt căn nhà nối liền nhau cửa đóng then cài, dãy cửa hiệu tại các "khu đất vàng" bị chìm ngập trong các bảng quảng cáo, rao vặt cho thuê mặt bằng đã trở thành hình ảnh quen thuộc trên đường phố khu trung tâm của TPHCM. Các nhà kinh doanh bán lẻ đang trải qua những ngày tháng khó khăn do người tiêu dùng thắt chặt hầu bao chi tiêu.

Trong lúc hoạt động bán hàng ra nước ngoài bị sụt giảm do suy thoái và lạm phát toàn cầu tăng cao, hoạt động kinh doanh bán lẻ trong nước cũng không mấy khởi sắc bởi chịu ảnh hưởng tiêu cực từ hàng loạt lao động mất việc làm, giảm thu nhập, thu hẹp chi tiêu. Nhiều cửa hàng lâm vào cảnh ế ẩm, thua lỗ không thể tiếp tục cầm cự kinh doanh, đặc biệt là các mặt hàng không thiết yếu như thời trang, nội thất,…

Tuyến đường Lê Lợi (quận 1) với hàng chục “mặt bằng vàng” vẫn đang rơi vào tình trạng ế ẩm, chưa có khách thuê. Ảnh: Lê Vũ.

Vật vã kinh doanh vì thua lỗ…

Anh Nguyễn Kiên cho biết từ sau Tết Nguyên đán đến giờ, mỗi tháng cửa hàng (shop) quần áo thời trang của anh chỉ có doanh thu khoảng 10 triệu đồng, bằng một nửa số tiền thuê mặt bằng kinh doanh trên đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, TPHCM.

Dẫu biết những tháng đầu năm thường rơi vào mùa vắng khách đối với các cửa hàng thời trang, nhưng sức mua quá thấp hiện nay khiến anh Kiên khó có thể cầm cự được lâu dài trong bối cảnh đồng vốn kinh doanh hạn hẹp. “Chưa tính tiền vốn hàng hóa, thì tổng chi phí như mặt bằng, nhân viên bán hàng, tiền điện,… đã lên đến khoảng 30 triệu đồng/tháng”, anh Kiên tính toán, và cho hay nếu tình hình kinh doanh không được cải thiện thì khả năng sẽ đóng cửa shop này vào một ngày không xa.

Ngôi nhà mặt tiền đường Trương Định và Lý Tự Trọng (quận 1) dày đặc các bảng quảng cáo cho thuê. Theo môi giới của một số trang web nhà đất, căn nhà này có giá cho thuê trên 1 tỉ đồng mỗi tháng. Ảnh: L. Vũ.

Chỉ qua cửa hàng giày dép đối diện đang tháo dở quầy kệ và đóng thùng hàng hóa tồn đọng, anh Kiên cho biết đây là nhà kinh doanh thứ 3 mà anh chứng kiến trả lại mặt bằng do kinh doanh ế ẩm thua lỗ chỉ sau 2 năm, anh mở kinh doanh tại khu vực này.

Trường hợp kinh doanh thua lỗ như anh Nguyễn Kiên nhưng vẫn kiên trì bám trụ đang diễn ra khá nhiều, nhưng cũng có nhiều chủ cửa hàng, doanh nghiệp thì lại sớm cắt lỗ bằng cách cho dừng kinh doanh, trả lại mặt bằng, thanh lý hàng hóa tồn kho.

Đóng cửa hàng trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3, chị Thu Hằng, chủ cửa hàng nệm gối - ga giường, chia sẻ vốn dĩ đây là nhóm hàng hóa không dễ tiêu thụ với số lượng lớn nhưng từ đầu năm đến nay, mỗi tháng chỉ bán được một – hai bộ sản phẩm thì không thể nào bù đắp được tiền thuê mặt bằng hàng tháng lên đến 30 triệu đồng.

Dù đã kinh doanh tại đây được hơn 2 năm, và hợp đồng thuê mặt bằng còn kéo dài đến cuối năm nay nhưng chị Thu Hằng vẫn quyết định trả mặt bằng trước thời hạn. Bởi lẽ nếu cứ cố gắng duy trì cửa hàng kinh doanh tại đây thì sẽ bị thâm hụt sâu đồng vốn vì chi phí kinh doanh không chỉ là tiền mặt bằng mà còn nhiều chi phí khác như nhân viên bán hàng, điện nước,…

Còn theo chia sẻ của anh Hoàng Tín, do có kế hoạch mở cửa hàng kinh doanh và sửa chữa điện thoại, hồi tháng 8 năm ngoái, dù đã thông qua nhà môi giới “săn” mặt bằng kinh doanh, nhưng anh khó tìm được mặt bằng tốt ở các con phố sầm uất trên Võ Văn Tần, Hai Bà Trưng, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Văn Sỹ, Nguyễn Trãi,…

Tuy nhiên, tình hình hiện nay hoàn toàn cho thấy đảo ngược lại. “Một số “cò” mặt bằng kinh doanh trước đây tôi nhờ tìm giúp gần đây đã liên lạc lại giới thiệu hàng loạt mặt bằng khá ưng ý, nhưng tôi giờ thì lại đang phân vân mở cửa hàng kinh doanh trong thời điểm này”, anh Tín chia sẻ, và nói: “Nhìn thấy nhiều cửa hàng kinh doanh treo bảng sang nhượng, trả mặt bằng kinh doanh, thanh lý hàng hóa và nhiều nhà phố có bảng treo cho thuê mặt bằng lâu dài hoặc thậm chí bán nhà khiến tôi lo lắng tình hình kinh doanh trên thị trường rất khó khăn”.

Theo báo cáo ngành bán lẻ do hãng tư vấn McKinsey công bố gần đây, 60% người tiêu dùng Việt tìm cách tiết kiệm tối đa khi mua sắm. Dù vậy, Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng tổng chi tiêu hiện đạt 5,5% một năm, cao hơn mức chung của khu vực, cho thấy thị trường vẫn còn nhiều cơ hội.

Đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh, trả mặt bằng…

Trên thực tế, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, trên các con phố sầm uất như Lê Văn Sỹ, Trần Huy Liêu, Nguyễn Đình Chiểu, Đặng Văn Ngữ, Cách Mạng Tháng Tám… đã xuất hiện tình trạng nhiều mặt bằng không có khách, treo bảng cho thuê.

Dạo quanh một số tuyến đường ngay khu trung tâm thành phố như Lê Lợi, Cống Quỳnh, Trương Định, Lý Tự Trọng… không khó để bắt gặp hàng loạt bảng quảng cáo cho thuê nhà.

Ở tuyến đường Lê Lợi (quận 1) vào cuối tháng 8-2022 đã được tháo dỡ rào chắn, hai bên đường thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh, buôn bán, đi lại của người dân. Tuy nhiên, hàng chục “mặt bằng vàng” trên đoạn đường này vẫn đang rơi vào tình trạng ế ẩm, chưa có khách thuê.

Thậm chí đường Hai Bà Trưng, tuyến đường mà giới kinh doanh, chủ doanh nghiệp thường khó tìm được mặt bằng trống để mở kinh doanh và xây dựng hình ảnh dù giá thuê rất cao, nhưng theo quan sát của KTSG Online, hiện trên tuyến đường này với hơn 1 km đang có hơn 10 căn nhà phố treo bảng cho thuê.

Thị trường xuất khẩu khó khăn, doanh nghiệp Việt Nam quay về đẩy mạnh kinh doanh ở thị trường nội địa với gần 100 triệu dân. Tuy nhiên, thị trường trong nước hiện cũng đang khó khăn. Ảnh: Hùng Lê

Tình hình khó khăn cũng xảy ra với một số trung tâm mua sắm lớn. Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc công ty TNHH Việt Thắng Jeans (VitaJean), cho biết ông sắp phải cho đóng 8 cửa hàng V-SixtyFour của công ty nằm trong các trung tâm thương mại ở một số thành phố lớn. Việc kinh doanh tại hệ thống này bị sụt giảm mạnh, có cửa hàng giảm đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái, nên doanh nghiệp phải cắt lỗ.

Từng kỳ vọng nhiều vào sức mua tăng ở thị trường nội địa với gần 100 triệu dân để phần nào bù đắp đơn hàng xuất khẩu bị sụt giảm nhiều vào năm ngoái, nhưng hiện nay theo ông Việt, thị trường trong nước cũng khó khăn không kém.

“Tính chung, chuỗi cửa hàng thời trang chúng tôi kinh doanh ở thị trường nội địa từ đầu năm đến nay đến nay bị bụt giảm đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình khó khăn kinh doanh hiện nay cho thấy chưa biết khi nào dừng trong bối cảnh người tiêu dùng giảm thu nhập, thắt chặt chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu như sản phẩm quần áo thời trang như của chúng tôi”, ông Việt chia sẻ.

Các doanh nghiệp bán lẻ lớn cũng tỏ vẻ lo ngại tình hình thị trường kinh doanh nhiều thách thức hiện nay. Theo ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Công ty AEON Việt Nam, sau kết quả kinh doanh năm ngoái với doanh số ghi nhận cao sau hơn 10 năm có mặt thì có một điểm cần lưu ý là trong thời gian gần đây, giá nguyên vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến đời sống của người tiêu dùng. Đây cũng sẽ là một trong những yếu tố tác động đến xu hướng tiêu dùng trong năm 2023. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của lạm phát ở Âu Mỹ…, nên số lượng đơn hàng xuất khẩu từ Việt Nam giảm mạnh.

“Điều này đã dẫn đến số doanh nghiệp giảm lao động, giảm giờ làm… gây ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế và đời sống của người lao động – cũng là những người tiêu dùng”, ông Furusawa Yasuyuki nói, và dự báo: “Tôi nghĩ nửa đầu năm 2023 tình hình vẫn còn khó khăn và sau đó mới có thể khôi phục lại, vì vậy các doanh nghiệp bán lẻ cần phải có các cách thức thu hút khách hàng trong điều kiện”.

Xoay xở "liệu cơm gắp mắm" để tồn tại

Các chuyên gia nhận định, diễn biến phức tạp trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế. Đối với các doanh nghiệp, áp lực lớn nhất là chi phí đầu vào “leo thang” hai năm qua. Bình quân hai tháng đầu năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Giá cả cao, cùng những biến động về kinh tế đã ảnh hưởng tới khả năng chi trả thực tế của nhiều người. Người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, giảm hoặc không mua hàng hóa không cần thiết, chọn mua hàng có giá rẻ hơn, chuyển sang kênh mua bán trực tuyến với giá “mềm” hơn...

Quản lý của một chuỗi cửa hàng đồ gỗ nội thất phân khúc trung bình khá lớn (không tiện nêu tên) chia sẻ, trong tháng cận Tết vừa qua, việc kinh doanh của chuỗi cửa hàng tăng trưởng 15-20% với kỳ vọng có thể bù đắp cho những tháng sau Tết thường lượng bán hàng “trầm lắng”.

Thế nhưng tình hình kinh doanh tại các cửa hàng từ đầu năm đến nay bị sụt giảm sâu đến 45%, dẫn đến đang phải gánh lỗ tiền hàng tỉ đồng/ tháng. Cũng theo người này tìm hiểu, những chuỗi đồ nội thất cao cấp hoặc sang trọng hơn thì việc kinh doanh sụt giảm nặng hơn lên đến trên 70% so với cùng kỳ năm ngoái, và khoản lỗ theo đó cũng sẽ cao hơn nhiều.

Thị trường đồ gỗ - nội thất trung và cao cấp kinh doanh sụt giảm nhiều. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Cũng giống như ông Việt của VitaJean, vị quản lý chuỗi cửa hàng đồ nội thất này cho rằng tình hình thị trường những tháng còn lại trong năm chưa biết đến khi nào sẽ hồi phục trở lại nhưng dự báo kinh doanh vào những tháng tới tiếp tục khó khăn và sẽ tiếp tục gánh lỗ nặng.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), thông thường mặt bằng chiếm từ 15-20% trong tổng chi phí hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn những doanh nghiệp nếu có tiềm lực tài chính, đồng vốn tốt thì sẽ vẫn duy trì được mặt bằng lâu dài và tìm cách tiết giảm chi phí khác.

Tuy vậy, những doanh nghiệp “mỏng” vốn thì khó có thể duy trì “chống cự” chịu lỗ lâu dài nếu tình hình kinh doanh sụt giảm sâu. Phần lớn doanh nghiệp bán lẻ trong nước là quy mô nhỏ và mỏng vốn, trong khi vay vốn ngân hàng để kinh doanh lúc này thì doanh nghiệp rất ngại vì lãi suất cao, khó có thể mang lại lợi nhuận.

Ông Phạm Văn Việt của VitaJean cũng cho rằng trong tình hình kinh doanh ế ẩm hiện nay, sẽ có nhiều nhà bán lẻ nhóm mặt hàng không thiết yếu như những sản phẩm thời trang đi đến trả mặt bằng kinh doanh.

Do đó, ông Việt lưu ý rằng, nếu các nhà quản lý, chủ trung tâm thương mại chỉ lo thu tiền cho thuê mặt bằng mà không có cách hoặc các chương trình để “kéo” khách hàng đến mua sắm thì nguy cơ cao sẽ bị chủ shop rút đi sớm. “Kế hoạch cho đóng cửa 8 cửa hàng sắp tới của chúng tôi cũng vì nhà quản lý mặt bằng kinh doanh thương mại đã không tạo được khách hàng mục tiêu đến mua sắm”, ông Việt chia sẻ, nhưng không cho tiết lộ tên trung tâm mua sắm.

Mặt khác, dù tình hình trả lại mặt bằng kinh doanh nhiều nhưng một số nhà quản lý trung tâm thương mại hoặc chủ nhà phố vẫn chưa có động thái giảm giá thuê. Do đó, thu hẹp cửa hàng vật lý nhưng các doanh nghiệp đẩy mạnh kênh bán hàng online để giảm chi phí và tạo doanh thu.

“Nhóm sản phẩm kinh doanh của chúng tôi là hướng đến những người trẻ tuổi, biết sử dụng công nghệ nên kênh online khá phù hợp với họ để họ tham khảo sản phẩm và đi đến quyết định mua sắm”, ông Việt chia sẻ, và cho biết: “Kênh bán hàng online dòng sản phẩm V-Sixty Four đang tăng trưởng khá tốt”.

Ông Phùng Quốc Cường, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Hưng, cho biết công ty cũng đang đẩy mạnh thị trường nội địa trong bối cảnh thị trường xuất khẩu sụt giảm nhiều. Tuy nhiên, tiếp cận thị trường với gần 100 triệu dân trong nước, Bảo Hưng chủ yếu bán qua kênh thương mại điện tử. Theo ông Cường, hàng hóa nội thất khá cồng kềnh, nếu mở cửa hàng vật lý thì đòi hỏi diện tích khá lớn, trong khi thị trường trong nước cũng không tốt để có thể đầu tư cửa hàng. “Nhiều nhà kinh doanh nội thất mở showroom lớn đã thu hẹp hoặc đóng cửa do thu không đủ bù chi”, ông Cường chia sẻ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hai tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 994,2 nghìn tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2%. Mặc dù vậy, Tổng cục Thống kê cũng cho hay, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 77,7% quy mô ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới