(KTSG Online) - Với tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới, Trung Quốc chuẩn bị đối mặt với làn sóng nghỉ hưu ồ ạt trong thập niên tới trong khi dân số trong độ tuổi lao động suy giảm. Viễn cảnh này khiến người dân lo lắng về tương lai tài chính và gây sức ép lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
- Lo dân số già kìm hãm kinh tế, Trung Quốc cho phép sinh con thứ 3
- Tương lai màu xám của kinh tế Hàn Quốc khi dân số già hóa
Li Li, nhân viên 25 tuổi của một công ty công nghệ thông tin ở Vũ Hán và chồng cô đang bắt đầu tiết kiệm 10.000 nhân dân tệ (1.450 đô la Mỹ) mỗi năm để chuẩn bị cho kế hoạch nghỉ hưu sau này. Số tiền tiết kiệm lên tới 5% thu nhập hàng năm của cặp đôi này.
Vợ chồng Li đưa ra quyết định này sau khi chứng kiến giới hưu trí phản đối cải cách bảo hiểm y tế theo hướng cắt giảm mức chi trả cho cá nhân. Ở Trung Quốc, chương trình bảo hiểm y tế cho người lao động và người về hưu ở thành thị có thể gồm hai loại.
Loại thứ nhất là chương trình bảo hiểm y tế bắt buộc dựa trên tài khoản cá nhân, với người lao động và người sử dụng lao động đóng góp vào tài khoản cá nhân, chủ yếu chi trả cho điều trị ngoại trú thông thường. Loại thứ hai là một quỹ chung do người sử dụng lao động đóng góp, được sử dụng để trả các hóa đơn nhập viện.
Tại Vũ Hán, bắt đầu từ đầu tháng 2, khoản chi trả bảo hiểm y tế cho tài khoản cá nhân sẽ cắt giảm từ 5% lương cơ bản, xuống còn 2,5%, tương đương 83 nhân dân tệ mỗi tháng. Mục đích của cải cách này là để chuyển bớt nguồn tiền sang quỹ bảo hiểm chung chi trả cho hóa đơn nhập viện.
Đối với giới hưu trí, chính quyền dường như cắt xén phần chi trả cho tài khoản cá nhân để trang trải ngân sách bảo hiểm y tế đang thiếu hụt. Trong những tháng qua, các cải cách tương tự được triển khai ở nhiều tỉnh thành của Trung Quốc.
Vợ chồng Li càng lo ngại hơn vì quỹ lương hưu cơ bản cho người lao động thành thị, vốn có đủ dự trữ để chi trả cho 18,5 tháng lương hưu vào năm 2012 nhưng con số này giảm còn 11,2 tháng vào năm 2021, giảm khoảng 40% trong một thập niên.
Ước tính có khoảng thêm 228 triệu người ở Trung Quốc sẽ nghỉ hưu trong trong vòng 10 năm tới. Vào năm ngoái, tính trung bình, có 2,26 người trong độ tuổi lao động hỗ trợ cho mỗi người già nhưng tỷ lệ này được dự báo sẽ giảm xuống còn 1,25 : 1 sau 20 năm nữa.
Bắc Kinh đang lo xu hướng già hóa dân số này sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, giới chức trách đang thảo luận tăng tuổi nghỉ hưu.
Một đề xuất đang được xem xét sẽ nâng dần tuổi hưu trong ba thập niên tới lên 65 đối với tất cả mọi người nhằm giải quyết vấn đề dân số lao động giảm dần và tình hình tài chính ngày càng xấu đi của hệ thống lương hưu của đất nước. Hiện nay, tuổi nghỉ hưu theo luật định là 60 đối với nam và 55 đối với nữ trong lĩnh vực văn phòng.
Zheng Bingwen, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu an sinh xã hội toàn cầu thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nhận thấy có nhiều khả năng chính phủ sẽ tăng tuổi nghỉ hưu. “Tuổi nghỉ hưu trung bình ở Trung Quốc là 54, thấp hơn 11 tuổi so với các nước công nghiệp hóa”, ông nói.
Dù vậy, đây không phải là điều mà những người sắp nghỉ hưu mong đợi. Trong một cuộc khảo sát của tờ Life Times, 74% người được hỏi tuổi tốt nhất để nghỉ hưu là trước 55 tuổi và chỉ có 6% ủng hộ nghỉ hưu từ 60 tuổi.
Cách trẻ em được nuôi dạy ở các hộ gia đình thành thị hiện nay cũng là một yếu tố khiến người dân muốn nghỉ hưu sớm. Các gia đình thường cần cả cha lẫn mẹ đi làm để trang trải chi phí giáo dục và nhà ở đắt đỏ. Vì vậy, nhiều gia đình không có đủ thời gian chăm sóc con cái và phải nhờ ông bà đã nghỉ hưu giúp đưa đón con đi học.
Mặt khác, tuổi nghỉ hưu cao hơn sẽ khiến những người trẻ tuổi, vốn đang vật lộn tìm việc càng ít có cơ hội công việc khác. Dù đề xuất tăng tuổi hưu không được nhiều người ủng hộ nhưng Bắc Kinh có rất ít lựa chọn khác để duy trì ổn định mạng lưới an sinh xã hội.
Chính phủ Trung Quốc đã báo hiệu sẽ thận trọng trong việc tăng tuổi nghỉ hưu vì lo ngại gây bất bình trong xã hội.
“Chúng tôi sẽ tiến hành các nghiên cứu cẩn thận và phân tích kỹ lưỡng để đưa ra chính sách một cách thận trọng trong thời gian thích hợp”, tân Thủ tướng Lý Cường với các phóng viên sau kỳ họp quốc hội khi được hỏi về vấn đề này.
Theo Nikkei Asia