Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Soi chiến lược đầu tư của các quỹ hàng đầu giai đoạn 2022-2023

Lê Hoài Ân (*) - Cổ Vạn Tấn (**)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Gần hết quí 1-2023 và diễn biến thị trường chứng khoán vẫn bất ổn với thanh khoản giảm mạnh. Việc đánh giá chiến lược đầu tư của những “tay to” trên thị trường sẽ có thể cho các nhà đầu tư cá nhân một góc nhìn đáng tham khảo về triển vọng của thị trường trong phần còn lại của năm.

Những động thái của các nhà đầu tư nước ngoài luôn nhận được sự quan tâm của những người tham gia thị trường chứng khoán. Các quỹ đầu tư nước ngoài, với tầm nhìn đầu tư dài hạn và một chiến lược quản trị rủi ro rõ ràng, luôn cung cấp cho thị trường những góc nhìn đáng tham khảo về xu hướng giao dịch, đặc biệt là trong giai đoạn vĩ mô có nhiều yếu tố khó lường trong suốt ba năm qua.

Trong những giai đoạn thị trường chứng khoán tăng nóng với sự tham gia ồ ạt của các nhà đầu tư mới trong nước, vượt qua các giá trị cơ bản của cổ phiếu, thì các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ròng. Trong khi đó, khi các nhà đầu tư cá nhân trong nước bắt đầu hoảng loạn quay sang bán ròng, như những gì xảy ra vào tháng 11 và tháng 12 năm ngoái, thì các nhà đầu tư nước ngoài lại quay sang mua ròng khi các cổ phiếu đã ở mức rất rẻ để gia tăng nắm giữ dài hạn.

Trong bài viết này chúng ta sẽ tham khảo chiến lược đầu tư của hai quỹ DCDS của Dragon Capital và VESAF của VinaCapital. Hai quỹ này có chiến lược đầu tư cân bằng khi kết hợp tỷ trọng mục tiêu 80/20 đối với cổ phiếu và trái phiếu trong danh mục đầu tư. Việc chính sách đầu tư của hai quỹ cho phép sự linh hoạt trong tỷ trọng lựa chọn giữa trái phiếu và cổ phiếu sẽ giúp chúng ta có những góc nhìn cả về cách phân bổ các lớp tài sản và giữa các nhóm ngành nghề khác nhau trong lớp cổ phiếu như thế nào theo thời gian, đặc biệt là trong những giai đoạn biến động. Hai quyết định lựa chọn lớp tài sản và quyết định lựa chọn ngành nghề sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định mức sinh lời của danh mục đầu tư trong dài hạn.

Với một thị trường chứng khoán giảm mạnh trong năm 2022, kết quả đầu tư của các quỹ đều diễn biến tiêu cực là chuyện bình thường. Tuy nhiên sẽ có sự khác biệt về mức giảm giữa các quỹ khác nhau. Nếu như DCDS có mức sinh lời xấp xỉ bằng với chỉ số VN-30 Index, chỉ số đại diện cho 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất ở Việt Nam, thì mức sinh lời của quỹ VESAF dù vẫn giảm mạnh nhưng kết quả tốt hơn rất nhiều, với mức chênh lệch hơn 10%. Chênh lệch về mức sinh lời phản ánh sự khác biệt trong chiến lược đầu tư của các quỹ liên quan đến vấn đề phân bổ vào các lớp tài sản khác nhau, sự phân bổ giữa các nhóm ngành nghề và việc lựa chọn từng cổ phiếu riêng lẻ trong từng ngành, trong đó hai yếu tố đầu giữ vai trò quan trọng nhất.

Sự thay đổi tỷ trọng của các loại tài sản năm 2022

Đỉnh lịch sử của thị trường chứng khoán được ghi nhận vào tháng 3-2022 trước khi bước vào giai đoạn giảm mạnh. Quỹ DCDS đã tăng tỷ trọng cổ phiếu và giảm tỷ trọng tiền mặt vì có thể họ cho rằng thị trường sẽ có thể quay đầu tăng sau những đợt điều chỉnh mạnh của tháng 4, tháng 5 và tháng 6-2022. Tỷ trọng tiền của DCDS rơi xuống thấp nhất vào tháng 8-2022. Trong khi đó, quỹ VESAF vẫn giữ quan điểm thận trọng khi duy trì lượng tiền mặt, đặc biệt quỹ này còn gia tăng tỷ trọng tiền trong cùng khoảng thời gian. Do đó, khi thị trường diễn biến xấu từ tháng 8-2022 thì quỹ này ít chịu tác động hơn quỹ DCDS.

Cả hai quỹ sau đó đều giảm tỷ trọng cổ phiếu trong tháng 9 và tháng 10-2022 và chỉ bắt đầu thu gom cổ phiếu lại sau đó khi thị trường bắt đầu tạo đáy. Rõ ràng, sự thay đổi của tỷ trọng tiền mặt theo thời gian thể hiện những đánh giá của các quỹ về sự thay đổi trong ngắn hạn của các yếu tố vĩ mô.

Dao động về tỷ trọng của các ngành nghề trong danh mục

Tương ứng với sự thay đổi trong cơ cấu lớp tài sản, các quỹ cũng có thay đổi mạnh về cơ cấu ngành nghề của cổ phiếu qua từng giai đoạn. Biểu đồ 3 thể hiện mức độ thay đổi trong tỷ trọng phân bổ vào các nhóm ngành nghề của hai quỹ DCDS và VESAF trong giai đoạn từ đầu năm 2022 đến nay. Tỷ trọng phân bổ của hai quỹ có nhiều điểm tương đồng khi phân bổ lớn vào nhóm ngành tài chính và bất động sản. Có một điểm chung trong giai đoạn này, đó là việc các quỹ điều chỉnh tăng/giảm tỷ trọng của nhóm ngành tài chính và bất động sản trước những bất ổn và gia tăng tỷ trọng của nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu hay công nghệ thông tin để đảm bảo an toàn cho danh mục.

Đối với quỹ DCDS, so với mức đỉnh điểm vào quí 1-2022, tỷ trọng cổ phiếu bất động sản đã sụt giảm từ 19% xuống còn 6% vào tháng 9. Tỷ trọng các cổ phiếu nhóm ngành tài chính của DCDS đã giảm mạnh từ 42% xuống mức thấp nhất chỉ còn 19% vào cuối năm. Trong khi đó, nhóm ngành tiêu dùng, tiện ích (điện, nước) và nhóm ngành nghề khác đã gia tăng đáng kể trong năm.

Đối với quỹ VESAF, tỷ trọng cổ phiếu bất động sản đã sụt giảm từ 16% xuống còn 9% vào cuối năm. Tỷ trọng các cổ phiếu nhóm ngành tài chính của quỹ cũng giảm mạnh từ 24% xuống mức thấp nhất chỉ còn 11% vào cuối năm. Trong khi đó, nhóm ngành tiêu dùng, công nghệ thông tin đã gia tăng đáng kể trong năm.

Thực tế, tỷ trọng phân bổ lớn hơn vào những ngành nghề có mức biến động lớn trong năm vừa rồi như tài chính hay bất động sản cũng giải thích phần nào mức sinh lời thấp hơn của DCDS so với VESAF trong năm 2022.

Tầm nhìn 2023 của các quỹ

Điểm chung trong chiến lược đầu tư những tháng đầu năm 2023 của hai quỹ là tâm lý thận trọng vẫn giữ vai trò chủ đạo, tuy nhiên mức độ căng thẳng đã giảm hơn rất nhiều so với thời điểm cuối năm ngoái. Điều này được thể hiện ra thông qua việc cả hai quỹ này duy trì tỷ trọng tiền và trái phiếu ở mức trung bình so với chính sách đầu tư của quỹ, tức là xấp xỉ 20%, mức này đã giảm rất đáng kể so với cuối năm ngoái, cụ thể DCDS giảm từ 23% xuống 18%, trong khi đó VESAF giảm từ 29% xuống 19%.

Điểm kế tiếp là việc điều chỉnh giảm mạnh tỷ trọng của các cổ phiếu bất động sản trong danh mục, về mức 10% đối với DCDS và 8% đối với VESAF. Việc duy trì tỷ trọng bất động sản ở mức rất thấp của các quỹ cho thấy khả năng phục hồi sắp tới của thị trường bất động sản vẫn là dấu hỏi.

Một điểm đáng lưu ý trong thời điểm hiện tại là việc gia tăng lại tỷ trọng nhóm ngành tài chính đối với quỹ DCDS, khi tỷ trọng phân bổ đã tăng lên mức 30%, từ mức 19% vào cuối năm trước. Điều đó thể hiện quỹ này đang rất kỳ vọng nhóm ngành tài chính sẽ là đầu tàu trong việc dẫn dắt thị trường trong năm 2023. Bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ nhóm ngành bất động sản thì các ngân hàng vẫn đang duy trì hoạt động kinh doanh tích cực trong năm 2022.

Với VESAF thì gia tăng tỷ trọng mạnh vào nhóm ngành công nghệ thông tin, tăng lên mức 14%. Điều này cho thấy quỹ vẫn đang giữ một quan điểm khá thận trọng về xu hướng tăng trưởng của thị trường. Nhóm ngành tài chính ngân hàng, khác với quan điểm lạc quan của DCDS, VESAF vẫn duy trì quan điểm trung lập khi tỷ trọng phân bổ của quỹ này không có nhiều thay đổi trong suốt một năm qua.

Kết quả đầu tư của các quỹ và các chiến lược linh hoạt của họ qua từng thời kỳ cho chúng ta thấy hoạt động đầu tư chứng khoán thực sự không dễ dàng, đặc biệt là với giai đoạn bất ổn hiện nay. Việc các nhà đầu tư cá nhân có thể theo dõi các hoạt động của các quỹ, nắm bắt được chiến lược thay đổi của các quỹ sẽ có thể giúp họ cải thiện khả năng quản trị rủi ro trong các điều kiện thị trường khác nhau.

(*) CFA
(**) VDSC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới