Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù của TPHCM với dự án liên vùng

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức tọa đàm, góp ý dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM với nhiều chuyên gia kinh tế, quản lý, giao thông, luật... trong và ngoài nước. Nhiều ý kiến đề xuất, các dự án liên vùng hiện bị chậm tiến độ do chưa được áp dụng cơ chế đặc thù của TPHCM; nhà nước đã trao quyền cho TPHCM thì cần trao quyền nhiều hơn, kiểm soát ít hơn.

Để TPHCM tiếp tục đột phá, là đầu tàu kinh tế của cả nước, cơ chế đặc thù cần trao quyền nhiều hơn, kiểm soát ít hơn, mở rộng cơ chế đặc thù đối với cả các dự án liên vùng - Ảnh: TL

Theo TTXVN, đánh giá mới nhất của Tổng cục Thống kê quý I-2023, tăng trưởng của TPHCM gây bất ngờ khi chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, cho thấy dấu hiệu phát triển chậm lại của thành phố.

Đặt trong bối cảnh chung của cả nước, tốc độ của đầu tàu TPHCM đang dần bị các địa phương khác gần tiệm cận, trong đó môi trường đầu tư, hạ tầng kỹ thuật và những vướng mắc, chậm trễ về giải quyết thủ tục hành chính là những rào cản lớn thu hút đầu tư. Vì thế việc điều chỉnh, hoàn thiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM càng đặt ra cấp thiết.

Trong dự thảo nghị quyết về cơ chế đặc thù lần này, để thu hút đầu tư cho các dự án, TPHCM đề xuất được áp dụng trở lại phương thức xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT) vốn đã bị… xóa sổ từ năm 2018. Đồng thời, thành phố xin cơ chế đầu tư các dự án trong lĩnh vực thể thao, văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa theo phương thức đối tác công tư (PPP); thực hiện BOT trên các tuyến đường hiện hữu.

Các chuyên gia tham gia tọa đàm nhận định, đề xuất về hợp đồng BT sẽ vướng nhiều tranh cãi. Bởi cơ chế này trước đây bị chỉ trích vì không minh bạch và thực chất là né tránh quy định đầu tư công. Do đó, để giải quyết mối quan ngại, TPHCM cần làm rõ thực hiện BT sẽ không đổi đất lấy hạ tầng, mà thanh toán từ nguồn ngân sách với cơ chế minh bạch. Còn cơ chế xét duyệt tổng mức đầu tư, chọn nhà thầu vẫn tuân thủ đầu tư công.

Bên cạnh đó, đã có sự mất cân đối về năng lực của đội ngũ tư vấn giữa khối tư nhân và chính quyền khi làm dự án PPP. Theo đó, hợp đồng là luật và ai vi phạm sẽ bị kiện, kể cả chính quyền. Trong khi doanh nghiệp có luật sư giỏi, cố vấn giỏi, chính quyền thì không có kinh phí để trả luật sư. Vì vậy các chuyên gia đề nghị, TPHCM phải có phòng ban về PPP để đủ năng lực về thiết kế, quy hoạch, tài chính dự án, pháp chế để có vị thế cân bằng khi đối thoại với nhà đầu tư.

Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng các dự án đầu tư công của TPHCM cũng cần được nhìn rộng hơn. Đối với các dự án của thành phố đi qua, liên kết với các địa phương khác thì HĐND thành phố và các tỉnh được quyết định các vấn đề như bổ sung ngân sách, giảm chi phí đầu tư, đấu thầu, chọn nhà đầu tư để phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (mô hình TOD)... theo cơ chế vượt trội này. Được vậy, sự thay đổi của TPHCM sẽ có tác động lan tỏa cả vùng, giúp giải quyết nhiều dự án cho các tỉnh lân cận Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh trong 3-5 năm tới.

Góp ý về nghị quyết, các chuyên gia cũng cho rằng, cơ chế đột phá, vượt trội cần phải bao quát hơn để phát huy vai trò mang tính lan tỏa vùng của thành phố. Tinh thần bao trùm của nghị quyết nên là trao quyền nhiều hơn, kiểm soát ít hơn, tức là lãnh đạo phải có trách nhiệm hơn, sở ngành có động lực phụng sự hơn.

Tuy nhiên, dự thảo vẫn thể hiện sự trao quyền chưa đủ, khi nhiều quy định còn ràng buộc các bước cuối phải thông qua Quốc hội, Thủ tướng. Đã đặc thù, đã dám trao quyền cho TPHCM thì nhà nước cần tiếp cận ở góc độ mở rộng phạm vi không gian địa lý, nếu tiếp cận từ nguồn lực mang tính giới hạn của TPHCM, sẽ rất khó tạo đột phá. Các chuyên gia góp ý.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới