Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp nhiều lĩnh vực ‘cài số lùi’ cho kế hoạch kinh doanh

Lê hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Những tác động tiêu cực từ cuộc chiến Nga-Ukraine tiếp tục ảnh hưởng tới kinh tế và tiêu dùng trên thế giới. Một số ngành vẫn chưa thể giảm bớt áp lực khi lãi suất còn cao, huy động vốn khó khăn, giá cả chi phí đầu vào tăng cao, tiêu dùng sụt giảm… Tình trạng này đang phủ bóng đen lên nền kinh tế.

Trong bối cảnh kinh doanh khó dự đoán, nhiều nhà kinh doanh thuộc các lĩnh vực như phân bón, bán lẻ, dệt may, đồ gỗ, bất động sản đã đặt mục tiêu tăng trưởng khá thận trọng, thậm chí "đi lùi" so với kết quả đạt được trong năm 2022.

Doanh nghiệp phân bón “cài số lùi”

Năm 2022 là năm tăng trưởng rực rỡ của doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh phân bón. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, cả nước xuất khẩu trên 1,75 triệu tấn phân bón các loại với trị giá trên 1,09 tỉ đô la Mỹ, tăng 96% so với năm 2021.

Sau kết quả kinh doanh rất tốt của năm 2022, nhiều doanh nghiệp phân bón “cài số lùi” kế hoạch kinh doanh 2023. Ảnh minh họa: TL

Tuy nhiên, năm 2023 lại là năm được nhận định là sẽ có nhiều khó khăn. Doanh nghiệp có thể phải cạnh tranh gay gắt hơn do xuất khẩu từ Trung Quốc và Nga có thể sẽ tăng. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ vốn suy yếu từ quí 4 năm ngoái có thể kéo dài và trầm trọng hơn trong năm nay.

Thêm vào đó, việc kinh doanh phân bón sẽ gặp rất nhiều trở ngại do giá các loại vật tư nông nghiệp hiện vẫn đang duy trì ở mức cao so với thời điểm trước Covid-19. Trước diễn biến ảm đạm và triển vọng kém tích cực của giá phân bón, hàng loạt doanh nghiệp phân bón thận trọng “cài số lùi” kế hoạch 2023.

Cụ thể, trong năm nay, Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau (MCK: DCM) đặt mục tiêu doanh thu chỉ đạt 13.458 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 1.383 tỉ đồng, lần lượt giảm 15,5% và 67,6% so với năm ngoái.

Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP (MCK: DPM) đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận giảm lần lượt 6,7% và 59,7% so với năm ngoái. Một doanh nghiệp khác, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền (MCK: BFC) tuy đặt mục tiêu lợi nhuận tích cực hơn so với những doanh nghiệp khác nhưng mục tiêu về doanh thu cũng giảm 12,9% về mức 7.476 tỉ đồng.

Các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán SSI (SSI) nhận định, giá urê có thể lao dốc trong năm nay do những nguyên nhân như xuất khẩu urê từ Nga và Trung Quốc sẽ phục hồi.

Nhận định về triển vọng kinh doanh của nhóm doanh nghiệp phân bón đang niêm yết, các chuyên gia Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định có 2 yếu tố tác động đến việc kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này.

Đó là, thời tiết trong nửa đầu năm 2023 được dự báo sẽ thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp nhưng thị trường tiêu thụ thì lại không ủng hộ ngành phân bón. Dự báo, việc kinh doanh và xuất khẩu các mặt hàng nông sản sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình chính trị bất ổn trên thế giới và nhu cầu tiêu thụ suy yếu. Ngành này bị ảnh hưởng tiêu cực thì ngành phân bón cũng khó khăn theo.

Ngoài 2 yếu tố trên, theo KBSV, việc kinh doanh phân bón cũng sẽ gặp rất nhiều trở ngại do giá các loại vật tư nông nghiệp hiện vẫn ở mức cao so với thời điểm trước Covid-19 mà nhu cầu tiêu thụ lại giảm.

Như vậy, trong bối cảnh nguồn cung có xu hướng gia tăng trở lại sau khi Trung Quốc bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu, giá các phân bón được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong năm nay trước khi thiết lập một mặt bằng giá cân bằng hơn.

Vì những lý do trên nên khó khăn của doanh nghiệp phân bón chưa thể kết thúc, thậm chí còn tồi tệ hơn trong năm nay.

"Ông lớn" bán lẻ ngấm đòn kinh doanh ế ẩm

Cũng chịu tác động bởi những khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp bán lẻ các mặt hàng không thiết yếu như thời trang, điện tử, sản phẩm công nghệ... đang kinh doanh ế ẩm và buộc phải thay đổi kinh doanh trong năm 2023.

Số lượng khách hàng mua các sản phẩm công nghệ giảm hơn trước. Ảnh minh họa: trang web Điện Máy Xanh

Gần đây, Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld; MCK: DGW) đã khiến giới đầu tư chú ý khi bất ngờ "quay xe", hạ kế hoạch kinh doanh năm 2023, mục tiêu lợi nhuận sau thuế cũng giảm mạnh so với cùng kỳ.

Cụ thể, trong tài liệu họp ĐHĐCĐ dự kiến tổ chức vào 26-4 tới đây, DGW sẽ trình cổ đông kế hoạch doanh thu năm nay chỉ đạt 20.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỉ đồng, lần lượt giảm 9% và 42% so với con số đạt được vào năm ngoái.

Kế hoạch này đã có sự thay đổi so với Nghị quyết được công bố hồi giữa tháng 2 vừa qua. Trước đó, Digiworld công bố nghị quyết HĐQT thông qua kế hoạch kinh doanh 2023 với doanh thu trên 25.100 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 787 tỉ đồng, lần lượt tăng 14% và 15% so với năm 2022.

Digiworld cho biết, nền kinh tế nói chung và nhu cầu của người tiêu dùng nói riêng suy giảm nên doanh nghiệp đặt mục tiêu kinh doanh thấp hơn. Trên thị trường chứng khoán, tại phiên giao dịch chiều ngày 30-3, giá cổ phiếu DGW giảm 5,25% so với phiên giao dịch liền kề, xuống còn ở mức dưới 30.000 đồng/cổ phiếu.

Không riêng Digiworld, dưới áp lực của sức mua giảm do ảnh hưởng của lạm phát và thất nghiệp tăng cao, nhiều doanh nghiệp bán lẻ có tiếng tăm trong ngành điện máy, công nghệ như Thế Giới Di Động, FPT Retail, Petrosetco... đã ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm trong quí 4-2022 và những tháng đầu năm nay.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu 19.010 tỉ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại cuộc họp với nhà đầu tư hồi giữa tháng 2 vừa qua, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG), nhận định những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp bán lẻ ICT và CE không phải là ngắn hạn vì xuất phát từ tình hình vĩ mô của thế giới chứ không chỉ thị trường Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, để giảm gánh nặng chi phí, MWG đã quyết định đóng cửa toàn bộ chuỗi cửa hàng Bluetronics tại Campuchia trong quí 1-2023. Thêm vào đó, công ty sẽ thu hẹp chuỗi AVASport và ngừng mở rộng chuỗi AVAKids, An Khang. Từ cuối năm ngoái, MWG cũng đã thực hiện chiến lược phòng thủ bằng cách giảm mạnh hàng tồn kho.

Với sức mua sụt giảm trong bối cảnh lạm phát gia tăng, ông Tài cho rằng, năm 2023 sẽ không phải là một năm thuận lợi cho ngành bán lẻ các mặt hàng không thiết yếu. ít nhất là trong hai quí đầu năm.

Nhận định này cũng tương đồng với dự báo trong báo cáo về thị trường bán lẻ, được SSI Research công bố hồi cuối tháng 1 rồi. Theo SSI Research, tình trạng ảm đạm của thị trường bán lẻ sẽ kéo dài ít nhất cho đến tháng 6 năm nay do những khó khăn liên quan đến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là áp lực lạm phát.

Theo SSI Research, trong nửa đầu năm 2023, giá điện, chi phí y tế và học phí sẽ tăng lên, thuế giá trị gia tăng cũng tăng lên 10% làm ảnh hưởng đến sức mua. Với giả định lạm phát sẽ đạt đỉnh trong nửa đầu năm nay và sẽ giảm tốc trong 6 tháng cuối năm, nhóm phân tích ước tính, chi tiêu cho điện thoại và điện máy sẽ giảm 10% so với năm 2022.

SSI Research cho rằng, lạm phát gia tăng sẽ làm tăng chi phí cho các nhà bán lẻ vì khó có thể chuyển phần chi phí tăng lên sang giá bán cho khách hàng. Trong khi đó, người tiêu dùng đang tìm kiếm các đợt giảm giá sâu và xu hướng mua hàng giá rẻ có thể kéo dài đến năm 2023.

Theo nhiều doanh nhân mảng bán lẻ, không riêng sản phẩm điện tử, công nghệ mà với các sản phẩm khác, có khả năng người tiêu dùng sẽ giảm số lượng mặt hàng và tần suất mua hàng.

Doanh nghiệp bất động sản, xây dựng cũng "cài số lùi"

Trước tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản, xây dựng cũng đã lên kế hoạch kinh doanh với mức lợi nhuận đi lùi so với kết quả của năm 2022. Những tài liệu dự kiến sẽ công bố trong mùa đại hội cổ đông này đã cho thấy phần nào tình hình khó khăn đó.

Chẳng hạn, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex; MCK: VCG) đã đặt mục tiêu lợi nhuận giảm. Công ty kỳ vọng lợi nhuận sau thuế là 860 tỉ đồng, giảm 8% so với kết quả năm 2022.

Các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng cũng đặt ra mục tiêu kinh doanh giảm. Ảnh minh họa: L.Hoàng

Tổng Công ty Viglacera (MCK: VGC) đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ 1.200 tỉ đồng, hợp nhất 1.300 tỉ đồng. Mức chỉ tiêu này đi lùi so với kết quả đạt được trong năm 2022. Khi đó, lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ đạt 1.710 tỉ đồng, hợp nhất đạt 2.305 tỉ đồng.

Theo tài liệu cho kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (MCK: DXS), mục tiêu đạt doanh thu hợp nhất của công ty là 3.800 tỉ đồng, lợi nhuận ròng 126 tỉ đồng, lần lượt giảm 8% và 62% so với kết quả của năm ngoái.

DXS lý giải, công ty đặt kế hoạch kinh doanh thấp hơn do các biến động bất thường của nền kinh tế toàn cầu và các chính sách tác động trực tiếp đến môi trường ngành bất động sản.

Một đơn vị khác là CTCP Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán: HDG) cũng đặt mục tiêu lợi nhuận thấp hơn. Tại Hội nghị tổng kết năm 2022 diễn ra mới đây, công ty cho biết, chỉ tiêu doanh thu hợp nhất trong năm nay là 3.040 tỉ đồng (giảm 17%), lợi nhuận sau thuế đạt 1.053 tỉ đồng, giảm gần 24% so với kết quả của năm ngoái.

Với Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành (MCK: SZL), doanh nghiệp dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với doanh thu đạt 455,3 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 109 tỉ đồng, giảm 8,4% so với năm ngoái; lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 90,3 tỉ đồng, giảm 9%.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2023 thấp hơn. Trong đó, Công ty cổ phần Long Hậu đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 127 tỉ đồng, giảm 38% so năm ngoái; Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 448 tỉ đồng, giảm 36%.

Doanh nghiệp ngành khác cũng thận trọng

Không chỉ các ngành vừa nêu trên mà doanh nghiệp nhiều ngành khác, trong đó có những công ty “ăn nên làm ra” cũng thận trọng hơn với mục tiêu kinh doanh trong năm nay. Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, chứng khoán, logistics... đã đưa ra những dự báo khó khăn.

Trong đó, sau một năm lập kỷ lục về cả doanh thu lẫn lợi nhuận, trong năm nay, Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) đặt mục tiêu lợi nhuận giảm gần 90% so với năm ngoái. Cụ thể, theo kế hoạch sản xuất kinh doanh 2023 tạm thời do BSR công bố, mục tiêu lãi trước và sau thuế lần lượt là 1.8 ngàn tỉ đồng và 1.63 ngàn tỉ đồng, thấp hơn gần 89% cho mỗi chỉ tiêu.

Với Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đa quốc gia (MCK: IDI), mục tiêu chỉ là 186 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 66% so năm 2022.

Phần lớn ý kiến cho rằng, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh, sức mua trên thị trường thấp và những diễn biến bất thường có thể xảy ra là nguyên nhân khiến các doanh nhân thận trọng trong các mục tiêu kinh doanh.

Kết quả khảo sát gần đây của Vietnam Report cũng cho rằng, lo ngại về suy thoái toàn cầu sẽ diễn ra (93,9%) là rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong năm tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới