Thứ Ba, 23/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

90% giao dịch của khách hàng Techcombank được thực hiện qua kênh số hóa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Techcombank đã có giai đoạn dài tăng trưởng liên tục, trở thành ngân hàng hàng đầu Việt Nam về hiệu quả hoạt động và an toàn vốn. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới và trong nước đang có nhiều biến động, đã có những câu hỏi từ nhà đầu tư về việc “đâu sẽ là chiến lược của Techcombank trong năm 2023 để duy trì đà tăng trưởng bền vững?”.

Trước thềm Đại hội đồng cổ đông, dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 22-4 tới, ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng giám đốc Techcombank đã có những chia sẻ về tầm nhìn, chiến lược dài hạn và những kế hoạch sẽ được ngân hàng thực hiện trong năm nay để thực hiện các mục tiêu phát triển đã đặt ra.

Theo ông, xuyên suốt nhiều năm, Techcombank luôn chuẩn bị nền tảng vốn, áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro chặt chẽ. Hiện nay, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel của Techcombank lên tới 15,2%, cao gần gấp đôi so với yêu cầu tối thiểu của Basel II (8%) và cũng là mức tỷ lệ an toàn vốn ở nhóm đầu ngành ngân hàng Việt Nam. Techcombank hiện là ngân hàng đứng đầu toàn ngành về tỷ suất sinh lời trên tài sản [ROA], ở mức 3,2%. Về chất lượng tài sản, Techcombank nằm trong nhóm tốt nhất ngành với tỷ lệ nợ xấu nợ nội bảng chỉ là 0,9%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu lành mạnh (đạt 125,0%)”

Ông Hưng nhận định, nền kinh tế và các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức, đặc biệt trong nửa đầu năm 2023. “Vì vậy, ưu tiên của Techcombank là tiếp tục đồng hành và hỗ trợ khách hàng, duy trì các thế mạnh nổi trội như chất lượng tài sản, vị thế thanh khoản và hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Chúng tôi cũng tiếp tục đa dạng hóa cơ sở khách hàng, phát triển các nguồn thu nhập mới để duy trì đà tăng trưởng cho dài hạn”, ông nói.

Ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng giám đốc Techcombank

PV: Những biến động gần đây trên thị trường tài chính thế giới cho thấy năm 2023 sẽ tiếp tục có nhiều thách thức. Techcombank đã chuẩn bị như thế nào để đồng hành cùng khách hàng?

Ông Phùng Quang Hưng: Câu hỏi của bạn rất thời sự và tôi cũng xin được nhắc lại thông điệp của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng gần đây là trước hết, các ngân hàng cũng là doanh nghiệp cho nên ngành ngân hàng, trong đó có Techcombank cũng sẽ bị tác động ít nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi đã lên các kịch bản để có thể vững tay chèo, đồng hành cùng các doanh nghiệp thông qua nguồn vốn ưu đãi và tạo dựng những nền tảng giao dịch thuận lợi.

Ngay trong tháng 2-2023, Techcombank đã công bố gói “tín dụng siêu dễ dàng” 30.000 tỉ đồng, ưu đãi lãi suất tới 2% để tạo nên lực đẩy mới cho toàn bộ doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, thương mại có hoạt động xuất nhập khẩu.

Với doanh nghiệp, nhu cầu vốn nhanh cho hoạt động kinh doanh là điều sống còn. Vì vậy, chúng tôi đã triển khai các giải pháp tín dụng tín chấp, không cần tài sản đảm bảo, trên cơ sở phê duyệt trước và thực hiện hoàn toàn trên nền tảng Ngân hàng số Techcombank Business.

Các doanh nghiệp SME cũng có thể chọn vay vốn tín chấp từ Techcombank thông qua nền tảng kết nối MISA Lending, với quy trình chỉ mất 2 phút thực hiện và được số hóa hoàn toàn. Doanh nghiệp nhận kết quả hồ sơ vay vốn chỉ trong 1 ngày và không yêu cầu phải có tài sản đảm bảo.

Với những doanh nghiệp có quy mô lớn, chúng tôi đã “may đo” các giải pháp tín dụng phù hợp với đặc thù của từng ngành nhằm đáp ứng đúng và đủ nhu cầu tín dụng. Thủ tục và hồ sơ được tinh gọn, thời gian phê duyệt tín dụng chỉ từ 5-10 ngày cho phần lớn các nhu cầu tín dụng.

Techcombank đổng thời triển khai thí điểm nền tảng quản lý tài chính mới, giúp doanh nghiêp lớn xây dựng năng lực quản lý thanh khoản, hỗ trợ ra quyết định tài chính phù hợp để tối ưu hóa rủi ro tài chính trong bối cảnh có biến động về lãi suất và tỷ giá.

Techcombank đã tạo ra sự khác biệt rất lớn khi là ngân hàng đầu tiên miễn phí giao dịch chuyển khoản ngân hàng điện tử (e-banking 0 đồng) cho khách hàng. Làm sao để có thể duy trì ưu thế này nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho Techcombank?

Chúng tôi hiểu kỳ vọng của khách hàng về những tiện ích khác biệt và vượt trội. Vì vậy, chúng tôi đã, đang và tiếp tục đẩy mạnh số hóa và dữ liệu xuất sắc để am hiểu khách hàng hơn. Mới đây, Techcombank đã công bố hợp tác cùng Adobe, công ty hàng đầu thế giới về cung cấp nền tảng công nghệ xuyên suốt hành trình trải nghiệm cá nhân hóa cho khách hàng, trên tất cả các nền tảng trực tiếp và trực tuyến.

Đến nay, khoảng hơn 90% các giao dịch của khách hàng Techcombank được thực hiện qua kênh số. Số lượng khách hàng mới đến với kênh số của Techcombank năm 2022 tăng trưởng tới 40% so với năm 2021, với tỷ lệ gắn bó với ứng dụng đạt đến 88%.

Cùng với đó, số lượng thẻ tín dụng mở mới trong năm qua tăng 47,7% và các giao dịch thanh toán qua thẻ tăng 40,6%. Nhờ vậy, giá trị và giao dịch qua thẻ của Techcombank chiếm thị phần cao nhất trên thị trường thẻ Việt Nam.

Nhìn lại dữ liệu 2022, chỉ riêng chương trình tri ân khách hàng Tết Quý Mão trên nền tảng ngân hàng số Techcombank Mobile, với tương tác trực tuyến có tên gọi “Mèo Đại cát”, đã nhận được sự tham gia của hơn 2,1 triệu khách hàng, với số lần đăng nhập hàng ngày tăng lên hơn 20%.

Trong khoảng 2 tháng (từ 15-11-2022 đến 15-1-2023), chương trình “Mèo Đại cát” đã thu hút được 252.000 khách hàng mở mới qua eKYC; tiền gửi có kỳ hạn trực tuyến huy động được gần 10 nghìn tỉ đồng… Trên nền tảng xã hội, “Mèo Đại cát” đã vươn lên vị trí số 2 về các thảo luận tích cực của khách hàng.

Nhìn xa hơn về hành trình 2021-2025, liệu ngân hàng có phải điều chỉnh mục tiêu đầy tham vọng trước những biến động lớn hiện nay?

Trong giai đoạn 2021-2025, chiến lược của Techcombank là xuyên suốt và nhất quán với phương châm khách hàng là trọng tâm. Trong kế hoạch chiến lược này, chúng tôi đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng trung bình khoảng 20%. Ngân hàng sẽ luôn nỗ lực để đảm bảo được mức tăng trưởng bền vững, dù trong bối cảnh của nhiều biến động từ thị trường thế giới cũng như trong nước.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới